Tôi gần như bị chinh phục bởi một người phụ nữ Mạ. Hàng ngày bất kể nắng mưa đôi ba lần gùi thổ sản ra chợ lặng lẽ ngồi bán. Lúc thì một gùi lá bép, lúc thì một bó ngo rừng và có lúc gùi cả măng khô, bầu bí….
Tôi gần như bị chinh phục bởi một người phụ nữ Mạ. Hàng ngày bất kể nắng mưa đôi ba lần gùi thổ sản ra chợ lặng lẽ ngồi bán. Lúc thì một gùi lá bép, lúc thì một bó ngo rừng và có lúc gùi cả măng khô, bầu bí…. Tất cả những mặt hàng tươi nguyên ấy đều xuất thân từ núi rừng, không hề có thuốc trừ sâu hay hoạt chất kích thích cây trồng, vì chúng được rải hạt rồi tự lăn lóc lớn lên hoặc được hái lượm từ thiên nhiên. Tuy nhiên, tôi hiếm khi thấy người phụ nữ Mạ này cười, mặc dù ở chợ quê đầy ắp tiếng nói rộn ràng của dân vùng miền tứ xứ.
Phải qua vài lần làm quen trong vai người đi mua lá bép và măng rừng, tôi mới có cơ hội ngồi gợi chuyện với người đàn bà này. Tên chị là Ka Vui, dân tộc Mạ, ở huyện Di Linh. Ka Vui trên 40 tuổi, cao ráo với nước da nâu mặn mà và gương mặt phúc hậu. Hàng ngày nhìn thấy chị đi lặng lẽ trên đường tôi mới phát hiện người phụ nữ Mạ này còn giữ được khá nhiều hình ảnh của núi rừng Tây Nguyên. Có nghĩa là mỗi lần ra chợ chị vẫn mặc váy đầu trần, mắt mở to, mang gùi, chân bước rập rình đúng nhịp, đó là nét đặc trưng của những người phụ nữ vùng cao gùi củi, gùi đọt, lấy rau…
Ở Lâm Đồng, ngày trước những bước chân của các chị, các em lao về phía trước để lại sau lưng là rừng cây, đồi núi còn bây giờ để lại là đường nhựa, những khu chè xanh hay vườn cà phê trĩu hạt. Hiện nay, ở nông thôn, các em các cháu dân tộc gốc Tây Nguyên đi vườn, đi rẫy thường mang gùi chạy xe máy đội mũ bảo hiểm khác với ngày xưa. Chị Ka Vui không biết đi xe máy nhưng có một sức khỏe phi thường, hàng ngày chị có thể mang gùi đi bộ hàng chục cây số, theo chị nói đi như thế ăn thua gì so với ngày trước đi trong rừng chân bị gai đâm và dây mây kéo lại. Anh K’Rẻo, chồng chị mỗi lần gặp tôi đều vui vẻ nói tiếng K’Ho kể về người vợ chịu thương chịu khó của mình. Những năm gần đây, không ít người Kinh nông thôn ở gần cư dân bản địa đều sử dụng tốt thổ ngữ này, vì hàng ngày tiếp xúc với nhau đến mức nói chuyện bằng tiếng K’Ho mà cứ ngỡ là mình đang nói tiếng phổ thông. Chưa hết, người Kinh ở đây ăn lá bép, ăn đọt mây, đọt măng le… hoặc mang gùi đi chợ, đi thăm nhau, đi hái cà phê, hái chè là chuyện thường ngày. Đôi quang gánh trên vai kẽo kẹt ngày xưa ở vùng đồng bằng châu thổ bỗng trở thành ký ức. Rồi từ nắng gió của rừng núi đại ngàn, nước da của người Kinh cũng chuyển sang gam màu cà phê đến nỗi nhiều khi ngồi hoặc đi chung với nhau khó phân biệt được ai là Nhul (người Kinh) ai là dân tộc bản địa. Cộng đồng Tây Nguyên sống ở vùng nông thôn không những giống nhau về màu da tiếng nói mà còn quen với món ăn dân dã. K’Rẻo chuyển sang tiếng Kinh mang âm sắc Bắc Bộ “Kể ra bà Ka Vui nhà tôi cũng hơi bị siêu đấy! Bả bảo tôi đi rừng đào gốc ngo, đi hái lá bép cho bả đi chợ bán. Tôi gùi ngo và lá bép về nhà mệt muốn chết, còn bả gùi đi 10 cây số tỉnh queo ông ơi! Chưa nói là ngồi chợ suốt ngày trên nắng dưới nóng, hoặc trời mưa trùm lên người tấm nylon cố bán cho hết hàng. Mình làm chồng thấy vợ khổ cũng xót chớ ông!”.
Nơi bán của chị Ka Vui ngồi không nhiều hàng. Thực ra chỉ là một tấm nylon rộng khoảng 3m
2, trải lên nền đất ven đường. Gian hàng của chị có khoảng 20 bó lá bép bằng cổ tay, 50 thanh củi ngo, 20 ký măng rừng cộng thêm đọt bí, đọt mây… tổng cộng vốn liếng trên dưới tám trăm ngàn. Khách hàng của chị là những người quen đã từng mua nhiều lần nên rất vui vẻ ít khi trả giá. Trong hai tiếng đồng hồ ngồi phụ bán và quảng cáo mặt hàng cho chị, tôi phát hiện người phụ nữ này quan hệ giao tiếp rất mềm mỏng và đặc quánh tình người, chị bán theo giá quy định chứ không bao giờ tăng hay giảm theo phiên chợ hàng ngày.
Chợ quê ở nông thôn Tây Nguyên chiếm trên 50% là thổ sản địa phương từ con gà, bó rau, vài ký cá bắt ở suối khe hay buồng chuối mới chặt còn nhựa chảy… Mặt hàng rau xanh ở chợ quê thường không bắt mắt bằng loại rau do người trồng chuyên nghiệp nhưng rất an toàn, vì tâm đức người ở vùng quê sống với nhau tình nghĩa nên họ ít khi sử dụng thủ thuật trong buôn bán và nếu có cũng bị dân làng tẩy chay, vì mọi người ở gần nhau ai có dã tâm, họ biết hết và sẽ rỉ tai nhau hàng ngày.
Ở Tây Nguyên bóng dáng chợ quê mang nền văn minh buôn làng rõ nét. Những phụ nữ cả Kinh lẫn Thượng mang gùi ra chợ gặp nhau hỏi thăm chuyện nhà, chuyện cà phê trà lá. Hình ảnh một khu chợ nói lên mức thu nhập của dân trong vùng. Năm nào cà phê, chè được giá, các gian hàng đầy ắp, năm nào mất giá cả khu chợ ảm đạm xác xơ, dân giàu nước mạnh ở nông thôn thể hiện rất rõ ở chợ quê vì họ sống bằng nội lực của mình.
Ka Vui chào mời một người phụ nữ người Kinh mới sinh em bé “Mua lá bép về nấu canh cua cô ơi! Canh cua lá bép ăn có nhiều sữa cho con bú lắm! đừng ăn măng rừng không tốt cho người mẹ đang cho con bú đâu, tôi nói thiệt đó!”. Tôi quay sang hỏi chị bằng tiếng K’Ho “Sao chị đang bán măng rừng mà bảo người ta đừng mua, chị không sợ ế à!”. “Mình sống phải có đạo đức chớ! Có đạo đức mới sống dai, người ta tin mới mua hàng cho mình chớ!”. Chị làu bàu nhìn tôi có vẻ thương hại. Là người trực tiếp ở cơ sở, tôi từng đi lang thang gặp được nhiều người dân bản địa, tôi học từ họ và họ dạy tôi khá nhiều điều. Ngày tốt nghiệp đại học, lầm tưởng mình có văn hóa, có thể góp ý chỉ bảo người khác nhưng tôi đã nhầm, vì trên đời này không ai giỏi hơn ai, mình giỏi hơn người khác điểm này còn họ giỏi hơn mình cái khác.
Ghi chép: Trần Đại