Dân vận khéo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

03:12, 31/12/2013

Ngay khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" và phong trào thi đua "Cùng cả nước, Lâm Ðồng chung sức xây dựng nông thôn mới", căn cứ trên kế hoạch chung của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh và kế hoạch của Thành ủy, Huyện ủy các huyện, thành trên địa bàn; cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLÐ) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (thuộc các cấp công đoàn) trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả khả quan nhờ có những cách làm hay.

Ngay khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Ðồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, căn cứ trên kế hoạch chung của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh và kế hoạch của Thành ủy, Huyện ủy các huyện, thành trên địa bàn; cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLÐ) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (thuộc các cấp công đoàn) trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả khả quan nhờ có những cách làm hay.
 
Nhiều công trình giao thông liên thôn, liên xã nay đã được bê tông hóa
Nhiều công trình giao thông liên thôn, liên xã nay đã được bê tông hóa
 
Từ những cách làm hay...
 
Ðiển hình như phong trào “Ngày thứ bảy dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” ở huyện Ðam Rông; chương trình xây dựng đường nông thôn, vệ sinh môi trường ở huyện Ðơn Dương, Ðức Trọng; chương trình giao lưu văn hóa ở các xã vùng sâu, vùng xa của Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh, Cát Tiên; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở TP Bảo Lộc và chương trình hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở TP Ðà Lạt... 
 
Ngoài ra, các hoạt động giúp các xã nghèo xây dựng hệ thống đường - trường - trạm; hỗ trợ cây giống, con giống cho các hộ gia đình; hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, tái canh, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi; thu nhặt rác thải, phục vụ tái chế; mở lớp tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tham gia các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc... Các hoạt động đã từng bước đi vào ổn định và tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.
 
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, cán bộ, đoàn viên, CNVCLÐ các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã quan tâm chú trọng giúp cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc từ nhiều nguồn kinh phí lồng ghép khác, như chương trình trợ giá, trợ cước. Có 65 đơn vị giúp 22 xã nghèo thực hiện “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ”, qua đó, đã hỗ trợ chuyển đổi được 613ha cây trồng các loại. 
 
Một số hoạt động cụ thể, nổi bật như sự phối hợp giữa LÐLÐ và Ban Thường vụ (BTV) Huyện Ðoàn Ðam Rông tổ chức lễ ra quân “Ngày thứ bảy dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” tại thôn 4, xã Liêng Srônh. Sau lễ ra quân, đã tổ chức phát quang và khơi thông cống rãnh dọc quốc lộ 27, đường liên thôn; giúp ba gia đình làm chuồng trại chăn nuôi; LÐLÐ huyện Ðức Trọng triển khai chương trình “Công đoàn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, đã có trên 70% CÐCS đăng ký thực hiện nội dung, công việc cụ thể, với trị giá trên 300 triệu đồng; đoàn viên, CNVCLÐ thuộc Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực trong hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân các xã trong tỉnh như xây dựng vườn chồi cà phê giống, hỗ trợ trồng cây ăn quả, chuyển đổi giống chè chất lượng cao, ghép cải tạo vườn cà phê, gà thả vườn, nuôi cá tầm, chương trình hỗ trợ bò lai sind.
 
... Đến kết quả bước đầu
 
Với nỗ lực của cán bộ, đoàn viên, CNVCLÐ qua các chương trình đã thực hiện hỗ trợ được 4.923ha cây trồng các loại và một số hạng mục về hạ tầng thủy sản, với tổng kinh phí là 750 triệu đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông về cây trồng, vật nuôi đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức canh tác, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đi đúng hướng. Ðã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô, ươm cây con hoa, rau trên vỉ xốp, sử dụng công nghệ ghép trên cây cà chua, ớt, cà phê; kỹ thuật trồng rau, hoa trong nhà kính; kỹ thuật tưới nước tự động, sử dụng máy gieo hạt trong các vườn ươm để sản xuất cây giống... Theo tính toán, tiết kiệm được khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
 
Có thể nói, cùng với phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, nông thôn của các cấp, các ngành trong tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới của các cấp công đoàn đã góp phần rất lớn trong thành quả chung của tỉnh, từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn Lâm Ðồng. Ðến nay, 100% xã trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia, số hộ nông thôn dùng điện đạt 99%; 100% xã, phường đã có điện thoại, mạng đường thư liên tỉnh, nội tỉnh; mạng lưới viễn thông, tin học được mở rộng về quy mô, chất lượng và vùng phục vụ, duy trì được hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản của tỉnh bình quân năm đạt 9,56%, giá trị nông sản xuất khẩu đạt khoảng 239 triệu USD/năm (chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh), giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đến năm 2013, đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm; đưa chính sách tín dụng vốn phát triển nông nghiệp, đề án khuyến nông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào khó khăn...
 
Ðã đầu tư xây dựng các mô hình NNCNC, với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng, trong đó ưu tiên hỗ trợ các giống rau, hoa, chè giống mới, có năng suất chất lượng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư trên 107 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi từ các nguồn vốn khác nhau, với khoảng 45.000ha cây trồng được hỗ trợ, khoảng 1.500 con gia súc, 15.000 con gia cầm và 150ha thủy sản các loại.
 
Sơ kết, đánh giá 3 năm các cấp Công đoàn tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bưu điện, chợ, trường học, trạm xá..., từng bước được hoàn thiện phục vụ tích cực cho đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân địa phương. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt; môi trường, cảnh quan nông thôn có bước tiến bộ; bản sắc văn hóa được gìn giữ; trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao.
 
THỤY TRANG