Đào tạo ngành quân sự cơ sở những vấn đề đặt ra

03:12, 19/12/2013

 Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đào tạo cán bộ quân sự cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được 3 khóa. Công tác đào tạo bảo đảm đúng nội dung, chương trình quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm an toàn về người, vũ khí và trang bị...

Kết quả bước đầu
 
Đại tá Huỳnh Đông Đức - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đào tạo cán bộ quân sự cấp xã trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được 3 khóa. Công tác đào tạo bảo đảm đúng nội dung, chương trình quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm an toàn về người, vũ khí và trang bị. Kết thúc từng học phần đều tiến hành thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trung thực, khách quan, toàn diện; tổ chức thi tốt nghiệp cuối khóa chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế.
 
Đào tạo Trung cấp quân sự ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự tỉnh
Đào tạo Trung cấp quân sự ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự tỉnh
 
Để học viên sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành quân sự cơ sở có đủ tiêu chuẩn bố trí các chức danh chủ chốt tại cơ sở, Ban chỉ đạo đào tạo đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tiến hành đồng thời đào tạo trung cấp lý luận chính trị, nghĩa là học viên sau khi hoàn thành khóa học được cấp hai bằng: Trung cấp ngành quân sự cơ sở và Trung cấp Lý luận chính trị. Kết quả, sau 3 khóa đào tạo, đã có 164/236 học viên được cấp bằng Trung cấp Lý luận chính trị, 45/236 học viên được cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung cấp lý luận chính trị (do chưa có bằng tốt nghiệp THPT), số còn lại 25 học viên đã có bằng Trung cấp Lý luận chính trị trước khi vào học. Về khối kiến thức quân sự, sau 3 khóa đào tạo, đã có 214/236 học viên được cấp bằng Trung cấp Quân sự cơ sở, 22/236 học viên được cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung cấp quân sự cơ sở (do chưa có bằng tốt nghiệp THPT).
 
“Trước khi có chủ trương về đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã đa số tuyển chọn từ bộ đội phục viên, xuất ngũ, cán bộ tại chỗ của địa phương… Do đội ngũ cán bộ được bố trí từ nhiều nguồn, chưa được đào tạo chính quy nên chất lượng cán bộ không đồng đều, kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra” - đại tá Huỳnh Đông Đức - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định.
Đánh giá về công tác đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn, đại tá Trương Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng: Trong quá trình đào tạo, Ban tuyển sinh đào tạo của tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, Trường Quân sự tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cho Ban chỉ đạo đào tạo tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả về công tác đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Quân sự tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất đã bảo đảm mọi mặt về cơ sở vật chất và tổ chức giảng dạy đúng, đủ nội dung, đối tượng đào tạo… Từ 2002 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đào tạo được 3 khóa trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở cho 236 đồng chí; và đã gửi đi đào tạo đại học, cao đẳng tại Trường Sỹ quan Lục quân 2 và Trường Quân sự Quân khu 7 được 22 đồng chí. Bên cạnh công tác đào tạo, việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ sau đào tạo đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Đến nay, số học viên sau khi tốt nghiệp được bố trí chức danh chỉ huy trưởng 113 đồng chí, chỉ huy phó 50 đồng chí… đạt 69%. Một số đồng chí phát triển lên vị trí cao hơn như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn… đạt 6,4%; và bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ, công chức đạt 6,4% ... qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.
 
Những vấn đề đặt ra
 
Đại tá Trương Văn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh phải có từ 70 - 80% Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn đạt trình độ đại học, cao đẳng. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015 tổ chức đào tạo 64 đồng chí cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ Trung cấp quân sự ngành quân sự cơ sở, điều này đồng nghĩa đến năm 2015, toàn tỉnh có 100% Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ Trung cấp quân sự. Đồng thời, gửi đi đào tạo 105 cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học. Từ 2016 - 2020, tiếp tục đào tạo 194 đồng chí cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. 
 
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, theo đại tá Trương Văn Dũng thì Ban chỉ đạo đào tạo ngành quân sự cơ sở tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt; các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ làm tham mưu và chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án “đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở cho cán bộ quân sự Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch nguồn cán bộ quân sự; công tác tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo phải nằm trong quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của địa phương; sau khi đào tạo phải sắp xếp bố trí ngay, sử dụng đúng chức danh đào tạo nhằm phát huy trình độ, năng lực, kiến thức đã học ở nhà trường để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, cần kịp thời hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo ngành quân sự cơ sở; bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, các chế độ chính sách cho học viên để cán bộ yên tâm tư tưởng học tập, rèn luyện; và thực hiện đúng quy định của tỉnh về chế độ chính sách như: lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn… 
 
Thực tế chúng ta đã mất 10 năm để đào tạo được 236 cán bộ quân sự Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã đạt trình độ Trung cấp quân sự, trong khi ta chủ động đào tạo (đào tại tại Trường Quân sự tỉnh). Để đào tạo gần 300 cán bộ quân sự cơ sở đạt trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở (đào tạo tại Trường Quân sự Quân khu và các Học viện Quân sự) trong thời gian 7 năm theo chỉ tiêu đã đề ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần phải có quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp từ khâu quy hoạch nguồn, tuyển chọn cử đi đào tạo và kế hoạch bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo.
 
LÊ HỮU TÚC