Di Linh xóa bỏ dần tập tục lạc hậu trong vùng DTTS

05:12, 31/12/2013

Những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, nên đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Di Linh đã ngày càng phát triển

Những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, nên đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Di Linh đã ngày càng phát triển. Từ đó, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức, những phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Thay vào đó là xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và thôn buôn ngày thêm khởi sắc.
 
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống xây dựng đời sống mới.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống xây dựng đời sống mới.
 
Huyện Di Linh là một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Toàn huyện có 19 xã và thị trấn. Ðồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 36,7% dân số của huyện. Trước đây, do cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí của bà con ở các vùng DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thấp, nên nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn chi phối đến đời sống tinh thần của bà con. 
 
Ông K’Tam (ở thôn Kềng Dà, xã Ðinh Trang Thượng) cho biết: Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, bà con Châu Mạ ở đây vẫn duy trì các phong tục tập quán của cha ông, kể cả những phong tục tập quán lạc hậu, như: Nếu gia đình có con trâu, con bò, con heo hay con chó, con mèo… đẻ con, thì ngày hôm đó cả nhà phải nghỉ không được đi làm. Khi gia đình có người sinh nở thì những thành viên trong nhà phải kiêng cữ đến 7 ngày. Trong thời gian này, gia đình cấm tuyệt đối không được giao tiếp, đón khách vào nhà. Vì theo quan niệm của người Mạ xã Ðinh Trang Thượng, nếu tiếp khách thì sau khi khách ra về, người khách đó sẽ gặp “xui” và sẽ có lời dị nghị xấu đến với gia đình mình. 
 
Trước đây, không riêng gì bà con ở xã Ðinh Trang Thượng, bà con DTTS ở các xã khác đều rất “kỵ” với những gia đình có người chết vì tai nạn giao thông, chết đuối, tai nạn lao động… Trong trường hợp này, gia đình người chết không được tổ chức đám tang ở trong thôn và theo phong tục nghiêm cấm gia đình có người chết vào nhà người khác, nếu cố tình vào họ sẽ bị bắt đền “lơh dồs” và phải bồi thường theo luật tục... “Theo phong tục của người đồng bào, người chết do bị tai nạn, bà con trong thôn cũng ít khi đi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Nếu đi viếng, thì khi về nhà phải làm lễ cúng thần linh “Yàng hìu” bằng gà, vịt hoặc dê. Họ dùng máu của con vật hiến tế để rửa tay, chân để sự xui rủi của linh hồn người chết không “ám” theo gia đình mình” - Ông K’Ðoàn (xã Ðinh Trang Thượng) nói.
 
Nhờ được tuyên truyền, vận động nên mãi đến năm 1990, những phong tục, tập quán lạc hậu này ở Ðinh Trang Thượng mới dần được xóa bỏ (và hiện nay đã xóa bỏ được trên 90%, còn lại chủ yếu là một số người già). Theo ông Ðinh Duy Truyền - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Phó Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Di Linh: Thực hiện các qui định xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đến nay, ở huyện Di Linh cơ bản đời sống của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nơi và một số ít hộ dân chưa từ bỏ hẳn phong tục lạc hậu trong việc tang ma và cưới xin; vẫn còn tình trạng thách cưới, tục nối dây “con cô, con cậu”, tảo hôn và tổ chức đám ma kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình gây nhiều tốn kém và lãng phí.
 
Ông Ðào Duy Trâm - Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Di Linh, cho biết: Nhìn chung, những hủ tục lạc hậu trong vùng DTTS đã giảm rất đáng kể. Có được kết quả này là những năm qua, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã chú trọng triển khai thực hiện khá tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Từ đó, sự nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên; các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, cưới hỏi, ma chay, nghi ma lai (pơrdah cà)… đã được xóa bỏ và giảm hẳn. Thời gian tới, UBMTTQ huyện Di Linh sẽ phối hợp với hệ thống mặt trận các cấp trong huyện tiếp tục tuyên truyền trong các vùng đồng bào DTTS các nội dung về xây dựng con người mới theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
 
Theo lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, muốn yêu nước thì phải thi đua”. Thấm nhuần lời dạy đó của Bác, nhà nhà, từng thôn, từng xã trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Di Linh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua trong lao động sản xuất. Vì vậy, đến nay, nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo và cũng có không ít hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhiều hộ ở các xã Tân Thượng, Tân Châu, Ðinh Trang Thượng, Tân Lâm, Liên Ðầm, Ðinh Trang Hòa… đã mua sắm ô tô có giá trị hàng trăm triệu đồng.
 
NDONG BRỪM