Về thăm Tân Lạc trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất nhộn nhịp, phấn khởi ở một vùng kinh tế mới năm xưa.
Về thăm Tân Lạc (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất nhộn nhịp, phấn khởi ở một vùng kinh tế mới năm xưa. Trên con đường vào thôn, những ngôi nhà mọc lên san sát, một vùng nông thôn mới đang từng ngày đổi thịt, thay da trên quê hương thứ hai.
|
Một góc khu dân cư Tân Lạc |
Năm 1998, thôn Tân Lạc được chia tách thành 3 thôn gồm: Tân Lạc 1, Tân Lạc 2 và Tân Lạc 3 (gọi chung là Tân Lạc). Bà con ở các thôn này chủ yếu là người dân đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh Lâm Đồng. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân vùng quê này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là điện, đường và trường. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và sự nỗ lực, cần cù, chịu khó của cán bộ và nhân dân 3 thôn nói trên cũng như của Đảng ủy, chính quyền địa phương, nên đời sống kinh tế, xã hội ở Tân Lạc đã có nhiều chuyển biến đáng kể, bộ mặt nông thôn từng ngày được khởi sắc. Từ một khu cư dân không đông lắm, đến nay, Tân Lạc có 513 hộ, với 2.147 nhân khẩu.
Năm 1985, gia đình ông Nguyễn Xuân Ngông vào đây lập nghiệp. Vợ chồng ông khai phá 1,1ha đất trồng màu để lấy ngắn nuôi dài và đầu tư trồng cây cà phê. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, nên năm nào vườn cà phê của gia đình ông cũng cho năng suất ổn định, bình quân đạt 5 tấn cà phê nhân/ha. Khi kinh tế gia đình ổn định, có của ăn, của để, ông có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện 3 người con của ông đều đã thành kỹ sư, giám đốc đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó trưởng thôn Tân Lạc 2. Ông chia sẻ: “Năm 1985, gia đình tôi rời quê hương Hà Tĩnh vào Di Linh làm ăn. Những năm đầu vào đây, gia đình tôi cũng như bao bà con khác gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng quyết tâm chiến thắng cái đói, cái nghèo”. Ngoài làm cà phê, vợ chồng ông còn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ. Với 2,5ha cà phê, nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên hàng năm bình quân gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng thu được 10 tấn cà phê nhân.
Theo ông Lê Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lạc 1: Ba thôn Tân Lạc 1, Tân Lạc 2 và Tân Lạc 3 khởi sắc như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực vượt khó, vượt khổ của nhân dân trong thôn. Nhưng cũng ghi nhận rằng, Chi bộ và Ban nhân dân ở 3 thôn nói trên luôn đoàn kết một lòng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như phổ biến những kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân từng bước được nâng cao và lao động sản xuất cũng đạt nhiều hiệu quả tốt.
Theo thống kê của UBND xã Đinh Lạc: Trong tổng số 513 hộ của 3 thôn nói trên, đến nay Tân Lạc có khoảng 50% hộ khá, giàu và chỉ còn 21 hộ nghèo. Mức thu nhập bình quân đạt từ 15 - 20 triệu đồng/người/năm. Tuy những năm trước đây Tân Lạc là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, nhưng hiện nay, nếu so với mặt bằng chung ở Đinh Lạc, thì đây là vùng có bước phát triển nhanh, mạnh và đồng đều nhất. Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, người dân Tân Lạc hôm nay cũng đã xuất hiện gia đình triệu phú. Từ lao động sản xuất, họ đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương thứ 2 của mình.
Tân Lạc hôm nay đã có nhiều đổi thay, vùng kinh tế mới khó khăn ngày nào, nay đang khoác trên mình những “tấm áo” mới; nhiều nhà cao, cửa rộng “mọc” lên khắp thôn như báo hiệu cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
NDONG BRỪM