Đường thôn ngõ xóm khang trang

03:12, 19/12/2013

Tây Nguyên "đất rộng người thưa" nên để xây dựng đường thôn ngõ xóm khang trang, suất đầu tư cao hơn những vùng miền khác. Nhưng "khó trăm bề dân liệu cũng xong" trở thành phong trào cứng hóa đường quê trên vùng đất Nam Tây nguyên Lâm Đồng.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có sự tham gia đóng góp của người dân, tiêu chí giao thông nông thôn luôn là thách thức lớn nhất. Bởi lẽ, Tây Nguyên “đất rộng người thưa” nên để xây dựng đường thôn ngõ xóm khang trang, suất đầu tư cao hơn những vùng miền khác. Nhưng “khó trăm bề dân liệu cũng xong” trở thành phong trào cứng hóa đường quê trên vùng đất Nam Tây nguyên Lâm Đồng.
 
Khang trang đường vào thôn Suối Thông B
Khang trang đường vào thôn Suối Thông B
 
Thôn nghèo góp của xây đường
 
Ở những xã kinh tế phát triển, người dân có mức thu nhập khá, theo lẽ tự nhiên việc huy động sức dân đóng góp dựng xây những công trình cộng đồng dễ dàng hơn xã nghèo. Không vì thế mà người dân Đạ Ròn - một trong các xã nghèo của huyện Đơn Dương lại “khoanh tay” trước phong trào cứng hóa đường quê. Lựa chọn thôn Suối Thông B xây dựng đường thôn làm điểm, từ đó rút kinh nghiệm vận động, tỷ lệ đóng góp của cư dân để triển khai trên địa bàn xã. “Sau hai tháng phát động, dân Suối Thông B đã góp đủ số tiền đối ứng làm đường” - ông Lê Đức Việt, Trưởng thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn bộc bạch. Cơ chế đóng góp được dân trong thôn thống nhất, những hộ nằm trên đường trục chính trong thôn góp 100 ngàn đồng/m mặt tiền, đường nhánh 50 ngàn, đường ngang 25 ngàn. Và theo cái nguyên lý mặt tiền đó, cứ làm tới đường nào thì nhà mặt tiền đường ấy đóng góp cao nhất, rồi đến các hộ đường ngang, đường song kề bên cạnh. Dĩ nhiên, các hộ nghèo, cận nghèo được miễn. Cứ vậy, “góp gió thành bão”, hộ đóng nhiều nhất khoảng 15 triệu đồng, hộ ít cũng tham gia 300 ngàn đồng, có hộ không thuộc diện đóng góp cũng xin tham gia góp 200 ngàn đồng thể hiện trách nhiệm. Ngân quỹ đối ứng của dân xây đường thôn Suối Thông B lên tới 700 triệu đồng. Sau hơn tháng thi công, con đường trục chính dẫn vào thôn Suối Thông B được hoàn thiện với quy chuẩn: chiều dài 1,5km, rộng 4m, bê tông xi măng dày 18cm, hai bên có đường mương thoát nước hẳn hoi. Trưởng thôn Lê Đức Việt cho hay: Tổng vốn đầu tư hết 2,7 tỷ đồng, dân góp vào đó 40%. Vậy là con đường người dân Suối Thông B mơ ước bao năm đã thành hiện thực nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới mà ra. 
 
Người dân thôn nghèo như Suối Thông B còn cộng đồng trách nhiệm xây đường khang trang, hẳn nhiên ở các xã khá giả sẽ thuận lợi hơn. Thống kê của xã Quảng Lập - một trong các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho thấy những con số ấn tượng. Trong 5 tuyến đường trục thôn dài 7,7km đã được nhựa hóa 5,4km, 2,3km được đầu tư đường cấp phối đá dăm. Và 13 tuyến đường ngõ xóm dài 12km trước đây là đường đất thì nay đã được cứng hóa gần như toàn bộ. Các tuyến đường nội đồng cũng được đầu tư làm mới 4,1 km cấp phối đá dăm và cấp phối sỏi đồi trong tổng số 12,3km. Lãnh đạo xã Quảng Lập cho rằng, để có được tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt tiêu chí quốc gia không phải dễ dàng nếu không huy động được nguồn vốn đóng góp của dân. Vì với tổng vốn đầu tư cho giao thông nông thôn trên địa bàn xã lên tới gần 20,3 tỷ đồng thì người dân đã góp trên 10 tỷ đồng. 
 
Chờ phía ngân sách 
 
Cơ chế nhà nước hỗ trợ, dân tự xây đường chưa khi nào được dân quan tâm như hiện nay. Con đường dẫn vào thôn 4, xã Tân Thanh, Lâm Hà dài 1km nhưng mỗi hộ dân góp từ 20 - 22 triệu đồng. Một số người dân thôn Thanh Hà, Tân Thanh cho biết, người dân trong thôn muốn làm đường, nộp tiền đối ứng cả năm nay hàng tỷ đồng nhưng huyện chưa bố trí vốn nên chưa triển khai được. Do đó con đường mơ ước bao năm sẽ phải kéo dài ngày tháng đợi chờ. Vẫn biết rằng địa bàn khu dân cư mỗi nơi có địa hình khác nhau, chỗ đông người, nơi thưa thớt, vì vậy mà mức đóng góp được xây dựng cũng khác nhau. “Tùy theo địa bàn để xây dựng mức đối ứng của dân 30 - 40 hay 50% trong tổng nguồn vốn đầu tư nên có nơi dân góp vượt định mức quy định” - ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đạ Tẻh chia sẻ. Năm 2012, Đạ Tẻh đầu tư 14 tuyến đường tại các xã xây dựng nông thôn mới với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 2,2 tỷ đồng. Còn năm 2013 thực hiện 23 tuyến với tổng chiều dài 6,3km, tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ đồng, người dân tham gia 3,2 tỷ đồng. Theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Nguyễn Minh Hoàng, chưa khi nào phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn lên cao như hiện nay. Có hộ ban đầu không tham gia, nhưng khi thấy dân trong thôn đồng lòng góp vốn cuối cùng cũng xin được góp phần thực hiện. Thậm chí có gia đình đi làm ăn xa cũng gửi tiền về góp sức xây dựng đường thôn ngõ xóm. “Nếu ngân sách bố trí đủ vốn, còn dân đóng góp thậm chí 40 - 50% thì chỉ một hai năm là huyện Đạ Tẻh hoàn thành chương trình hạ tầng giao thông nông thôn mới” - ông Nguyễn Minh Hoàng khẳng định. 
 
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trương Hữu Hiệp, năm 2013 từ các nguồn vốn đã đầu tư 396km, nâng cấp, sửa chữa 329km đường giao thông nông thôn và xây dựng 17 cầu mới với tổng vốn đầu tư 612 tỷ đồng. Qua đó, đã có 7/118 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn. Để khuyến khích phong trào xây dựng đường nông thôn, tỉnh đã tặng 100 tấn xi măng cho các xã thực hiện tốt chương trình này. “Nhìn chung, phong trào chung tay đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn tại các địa phương đang lên rất mạnh, song khả năng cấp vốn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp. Do đó, cần có nguồn vốn đủ để thực hiện nhu cầu xây dựng trong dân” - ông Trương Hữu Hiệp cho hay.
 
Lòng dân đã sẵn xây đường thôn xóm, chỉ còn chờ phía ngân sách đầu tư.                
 
HỒ XUÂN TRUNG