Giữa hai khung trời Việt - Pháp

03:12, 17/12/2013

PGS.TSKH Dương Quý Sỹ đã có gần 20 năm gắn bó với chuyên ngành hô hấp với một thời gian dài học tập và làm việc tại Pháp trong điều kiện tốt nhất nhưng ông lúc nào cũng mong muốn quay về phục vụ đất nước...

PGS.TSKH Dương Quý Sỹ đã có gần 20 năm gắn bó với chuyên ngành hô hấp với một thời gian dài học tập và làm việc tại Pháp trong điều kiện tốt nhất nhưng ông lúc nào cũng mong muốn quay về phục vụ đất nước. Vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, ông có cuộc trò chuyện với PV Báo Lâm Đồng nhân Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt.
 
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ trong dịp được phong hàm Giáo sư Nhà nước vào tháng 11/2013
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ trong dịp được phong hàm Giáo sư Nhà nước vào tháng 11/2013
 
PV: Ông đã có thời gian sống và làm việc ở Pháp, vậy hình ảnh nước Pháp có ấn tượng như thế nào?
 
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ: Tôi đã sống và làm việc ở Pháp khoảng 7 năm, trong đó gồm 2 năm làm bác sĩ nội trú các bệnh viện tại Bordeaux và Paris, 2 năm dành cho việc học thạc sĩ và 3 năm làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ khoa học. Đây là khoảng thời gian đủ để có được những cảm nhận riêng của cá nhân về những người bạn Pháp và đất nước của họ. Người Pháp chính gốc rất thân thiện, dễ mến và sống rất tình cảm. Họ có những đặc điểm trong phong cách sống hơi giống với người Đà Lạt xưa là yêu chuộng cuộc sống gia đình và bằng hữu, có lối sống giản dị và tôn trọng truyền thống gia đình.
 
Về hình ảnh đất nước Pháp thì cũng như những người đã từng sống và làm việc tại Pháp, tôi lúc nào cũng giữ được những hình ảnh đẹp của thủ đô Paris tráng lệ và giàu lịch sử và văn hóa như đã được mô tả trong văn học và thơ ca. Những thành phố nhỏ ở miền Nam nước Pháp thì có những điểm rất tương đồng với kiến trúc Đà Lạt, yên bình, tĩnh lặng với những đường phố đầy hoa đan xen với các khu đồi thông bao quanh những hồ nước với làn sương mờ lãng đãng trôi buổi sáng trong cái lạnh nhè nhẹ lập đông.
 
PV: Với ông, giữa 2 đất nước Pháp - Việt là một gia đình, ông có thể chia sẻ hành trình đi - về giữa hai khung trời Pháp - Việt hàng năm và cảm xúc của mình? 
 
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ: Trước đây do công việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi thường xuyên qua về giữa hai nơi: Đà Lạt - một “Paris bé nhỏ” và một Paris rộng lớn hơn, và cả hai đều đẹp và thơ mộng. Tuy nhiên, có lẽ tôi là một người đơn giản, thích lối sống ít nhộn nhịp và quan trọng trên tất cả là do được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Lạt hiền hòa này, tôi gắn bó nhiều hơn với “Paris bé nhỏ” của quê nhà. Gia đình lớn của tôi là Đà Lạt vì ở đó có gia đình bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp và cả đất nước Việt Nam mến yêu; bên cạnh đó là một gia đình nhỏ ở Pháp với gia đình bên vợ tôi, các bạn bè và đồng nghiệp. Một gia đình lớn thì những tình cảm và sự gắn bó vẫn lớn hơn nhưng cả hai gia đình đều cần thiết cho cuộc sống cá nhân, giảng dạy và nghiên cứu.
 
PV: Ông có thể cho biết đóng góp của mình trong việc kết nối và thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong lĩnh vực y tế giữa Pháp - Việt?
 
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ: Tôi có hơn 15 năm tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hội Phổi Pháp - Việt (AFVP). Năm 1996, tôi sang Pháp tu nghiệp theo lời mời của AFVP trong vòng 6 tháng. Sau khi tu nghiệp từ Pháp trở về, tôi đã thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa AFVP với Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho đến nay. AFVP đã hỗ trợ cho bệnh viện rất nhiều trang thiết bị y tế trong lĩnh vực hô hấp giúp cải thiện công tác chăm sóc bệnh nhân. Quan trọng hơn cả là tôi đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành hô hấp, dị ứng miễn dịch hàng năm cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và các cán bộ y tế của tỉnh. Cùng với đó, thúc đẩy việc kết nghĩa giữa Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với Bệnh viện Denain - Pháp (năm 2010); kết nghĩa giữa Khoa Thăm dò Chức năng Bệnh viện Cochin với Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp - Phục hồi chức năng Bệnh viện Phổi Trung ương (năm 2012). Tôi đã đại diện cho AFVP ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa AFVP với Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội vào năm 2011. Từ năm 2012-2013, tôi cùng Ban điều hành AFVP, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Corse - Pháp, Hiệu trưởng Đại học Y Hải Phòng thành lập bằng đào tạo sau đại học về Bệnh Phổi và đã khai giảng vào tháng 11/2013. 
 
Thông qua AFVP, 5 bác sĩ của Lâm Đồng đã được gửi sang Pháp tu nghiệp về chẩn đoán hình ảnh và về bệnh phổi và 1 điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng sang tham quan học tập. Cùng với Trường CĐYT Lâm Đồng, AFVP đã phối hợp thực hiện các nghiên cứu lớn của Việt Nam về tần suất các bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thuốc lá, hội chứng ngưng thở khi ngủ... Hiện nay các hoạt động này vẫn được chúng tôi duy trì và phát triển trong khuôn khổ hợp tác với AFVP, mở rộng với Đại học Paris Descartes, Đại học Corse...
 
PV: Với cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, hành trình đi về giữa 2 nơi Việt - Pháp sẽ có sự thay đổi?
 
PGS.TSKH Dương Quý Sỹ: Trên cương vị là hiệu trưởng một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế của địa phương, với vai trò của một nhà giáo - nhà khoa học quốc gia, việc đóng góp vào sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực y tế giáo dục của 2 nước hiện nay thuận lợi hơn với tôi và được nâng lên một tầm cao hơn. Trên cương vị là lãnh đạo một đơn vị với trọng trách được lãnh đạo địa phương giao phó là ổn định phát triển Trường CĐYT Lâm Đồng theo định hướng xây dựng nhà trường thành một cơ sở đào tạo có chất lượng cao và đặc thù để đào tạo ra những cán bộ y tế giỏi tay nghề, cao y đức để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên ưu tiên hàng đầu của tôi là những công việc của nhà trường. Trong thời gian tới, những chuyến công tác sang Pháp sẽ rất ngắn ngày và sẽ ít hơn, chủ yếu dành cho việc tham gia giảng dạy chuyên đề, tổ chức các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục trong khuôn khổ của hai quốc gia.
 
PV: Xin cám ơn ông!
 
DIỆU HIỀN