(LĐ online) - Ngày 10/12, tại Đà Lạt, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo - tập huấn "Hướng dẫn áp dụng mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động trong ngành hóa chất và xây dựng" với sự tham dự của lãnh đạo và chuyên viên các Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe môi trường lao động thuộc 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
(LĐ online) - Ngày 10/12, tại Đà Lạt, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo - tập huấn “Hướng dẫn áp dụng mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động trong ngành hóa chất và xây dựng” với sự tham dự của lãnh đạo và chuyên viên các Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe môi trường lao động thuộc 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng, có 12/28 bệnh nghề nghiệp bảo hiểm của Việt Nam có nguyên nhân do hóa chất. Công nghiệp hóa chất thu hút lực lượng lao động chiếm hơn 10% lao động ngành công nghiệp, với khoảng 50 ngàn lao động trong các cơ sở sản xuất hóa chất nhưng chỉ có 8,4% người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và chỉ có 50% số cơ sở có khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Các bệnh nghề nghiệp phổ biến là: Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản mạn tính, nhiễm độc chì và hóa chất, nhiễm độc hóa chất trừ sâu nghề nghiệp, điếc do tiếng ồn, bệnh sạm da nghề nghiệp.
Đối với ngành xây dựng, tai nạn lao động có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Cả nước xảy ra trên 6.000 vụ tai nạn lao động làm 6.154 người bị nạn, trong đó 574 người chết, 1.314 người bị thương thì tai nạn lao động ngành xây dựng chiếm 51% tổng số vụ tai nạn chết người. Bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành xây dựng là: bụi phổi silic, bụi phổi amiăng, điếc nghề nghiệp, rung toàn thân, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc TNT và bệnh da nghề nghiệp.
Bên cạnh việc công bố và thảo luận góp ý cho các nghiên cứu chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động trong ngành hóa chất và ngành xây dựng, có 2 chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đóng góp cho hội thảo các thông tin mới và kinh nghiệm trong lĩnh vực này là: Dịch vụ y tế lao động cơ bản trong ngành hóa chất tại Singapore (Giáo sư David Koh) và Hướng dẫn về sơ cấp cứu trong ngành hóa chất (Bác sĩ John Lim). Hội thảo còn tập huấn cho cán bộ chuyên ngành về các nội dung: Giám sát môi trường lao động, điều kiện lao động và lập hồ sơ vệ sinh lao động; giám sát sức khỏe người lao động, hướng dẫn xây dựng các chương trình truyền thông về an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp dự phòng và cải thiện điều kiện lao động trong ngành hóa chất và xây dựng.
DIỆU HIỀN