Một vị "chân tu" đã thầm lặng đầu tư xây dựng một nhà trẻ với tên gọi nhà trẻ tình thương. Nhà trẻ chính là nơi để những đứa trẻ nghèo có cơ hội được học hành, vui chơi.
Đã 7 năm qua, người dân thôn 1, xã Đạ P’loa (huyện Đạ Huoai) đã quen với những tiếng cười ngây thơ hay những tiếng hát trong trẻo đầy yêu thương của đám trẻ thơ tại Nhà trẻ tình thương Minh Hạnh. Nhà trẻ chính là nơi để những đứa trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và trẻ em nghèo người Kinh có cơ hội được học hành, vui chơi.
|
Giờ ăn trưa của các cháu trẻ thơ tại Nhà trẻ Minh Hạnh |
Là một xã nghèo của huyện, hiện nay, cuộc sống của người dân xã Đạ P’loa, đặc biệt là người đồng bào DTTS vẫn còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, họ không có điều kiện để gửi con em mình vào trường mầm non. Trái lại, họ phải để con cái “bám lưng” mẹ cùng lên rẫy, vào rừng dãi nắng dầm mưa lo cho cuộc sống.
Thấu hiểu nỗi cơ cực đó, năm 2006, một vị “chân tu” đã thầm lặng đầu tư xây dựng một nhà trẻ với tên gọi nhà trẻ tình thương. Ông chính là Hòa thượng Thích Minh Hạnh - nguyên là Chánh đại diện Phật giáo huyện Đạ Huoai, trụ trì Chùa Khánh Hỷ. Sau khi được xây dựng, Hòa thượng Thích Minh Hạnh đặt tên là Nhà trẻ Tình Thương. Năm 2010, vị chân tu này viên tịch, nhà trẻ được bàn giao lại cho Sư cô Thích nữ Hạnh Ngọc (đệ tử của Hòa thượng Thích Minh Hạnh) tiếp tục giúp đỡ trẻ em nghèo nơi đây. Cũng từ đây, nhà trẻ được đổi tên thành Nhà trẻ tình thương Minh Hạnh.
Trong suốt thời gian qua, nhà trẻ luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều tổ chức từ thiện và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, Nhà trẻ Minh Hạnh có 3 phòng học dành cho 3 lớp, là Lớp nhóm trẻ, Lớp chồi và Lớp lá với tổng số 76 cháu, độ tuổi từ 2 - 5; trong đó, có 45 cháu người đồng bào DTTS. Ngoài ra, nhà trẻ còn có bếp ăn từ thiện, khu nhà vệ sinh, sân chơi và 1 phòng để đồ dùng cá nhân cho các cháu.
Từ khi có nhà trẻ, cuộc sống của con em đồng bào DTTS, con em người Kinh nghèo ở xã Đạ P’loa đã thay đổi hẳn. Ở tại ngôi nhà này, trẻ em được vui chơi, được các cô giáo dạy múa hát, làm quen mặt chữ qua hình ảnh... Tình yêu trẻ mà các cô bảo mẫu đã và đang dành cho những đứa trẻ nghèo tại Nhà trẻ Minh Hạnh quả là đáng quý, đáng trân trọng. Họ là những cô giáo mầm non được đào tạo sư phạm và có trái tim tràn đầy nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ như yêu con của mình. Cô giáo Ka Hiếu, phụ trách Lớp nhóm trẻ, tâm sự: “Tôi dạy ở đây được nhà trẻ trả lương hàng tháng từ 1,5 - 1,8 triệu đồng. Điều đó đối với tôi không quan trọng bằng việc chăm sóc tụi nhỏ. Phần lớn hoàn cảnh của các cháu ở đây đều nghèo khó, rất đáng thương và rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của mỗi chúng ta. Vì vậy, tôi đến với tụi nhỏ bằng tình thương là chính và tất cả giáo viên ở đây đều có cùng suy nghĩ như vậy”.
Với số lượng trẻ được gửi vào đây ngày một đông, nên nhà trẻ gặp không ít khó khăn. Song, nhà trẻ vẫn luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các cháu. Đối với con em gia đình đồng bào DTTS và con em người Kinh nghèo được nhà trẻ miễn 100% chi phí. Riêng, con em gia đình người Kinh khá giả, thì bố mẹ các cháu cũng chỉ phải đóng 150 ngàn đồng để bổ sung vào khẩu phần ăn cho các cháu.
Sư cô Thích nữ Hạnh Ngọc cho biết: “Điều mà bấy lâu nay nhà trẻ luôn quan tâm, đó chính là việc tăng chất lượng khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Từ đầu năm 2013, nhà trẻ thực hiện và duy trì tốt với mỗi bữa ăn chính cho các cháu là 12 ngàn đồng/cháu. Ngoài ra, chúng tôi còn cho trẻ ăn dặm sữa hộp hoặc bánh kẹo vào lúc ngủ dậy. Để làm được như vậy, là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm… dành cho nhà trẻ”. Cũng theo Sư cô Hạnh Ngọc, để duy trì việc chăm sóc tốt cho các cháu, mỗi tháng nhà trẻ phải chi ít nhất 20 triệu đồng. Trong đó, tiền ăn cho các cháu khoảng 12 triệu đồng; còn lại là tiền để trả lương cho giáo viên. Tất cả số tiền này đều nhờ vào sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện”.
Những gì trẻ em đồng bào DTTS và trẻ em người Kinh nghèo ở vùng đất khó Đạ P’loa đã và đang được thụ hưởng, thì Minh Hạnh mãi là ngôi nhà thứ 2 của các cháu. Ngôi nhà mà các cháu nhận được sự yêu thương của cô giáo, của các nhà hảo tâm và được kết bạn để cùng nhau học hành, vui chơi. Ngôi nhà này còn là điểm tựa cho các cháu ước mơ con chữ trong tương lai…
KHÁNH PHÚC