"Người Công giáo hát về đất nước anh hùng"

04:12, 22/12/2013

Đó là tên gọi một liên hoan nghệ thuật mang tính quần chúng, từng được Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Bảo Lộc tổ chức 2 lần trong khoảng thời gian 15 năm (lần I năm 1990 và lần II năm 2005), thu hút hàng ngàn giáo dân ở thành phố Bảo Lộc tham gia.

Đó là tên gọi một liên hoan nghệ thuật mang tính quần chúng, từng được Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Bảo Lộc tổ chức 2 lần trong khoảng thời gian 15 năm (lần I năm 1990 và lần II năm 2005), thu hút hàng ngàn giáo dân ở thành phố Bảo Lộc tham gia. Từ sau 2 kỳ liên hoan này, nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng và liên hoan CLB gia đình văn hóa được tiếp nối tổ chức. Dù không mang tính đặc thù như 2 liên hoan trước đó, nhưng người Công giáo địa phương vẫn nhiệt tình góp mặt, như một cách bày tỏ tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
 
Một tiết mục hợp xướng của Ca đoàn Thánh Tâm (Lộc Tiến) tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng mừng Quốc khánh (2/9) năm 2013
Một tiết mục hợp xướng của Ca đoàn Thánh Tâm (Lộc Tiến) tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng mừng
Quốc khánh (2/9) năm 2013
 
Những sân chơi ấm tình đoàn kết
 
Dấu ấn của Liên hoan “Người Công giáo hát về đất nước anh hùng”, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 (kỷ niệm 15 năm giải phóng), đậm nét đến nỗi, bây giờ khi được nhắc lại, không một ai từng tham gia mà không nhớ. Linh mục Trần Văn Điện, nguyên đặc trách giới trẻ Giáo phận Đà Lạt và Giáo hạt Bảo Lộc, Quản xứ Thánh mẫu Lộc Phát, kể: “Có thể xem liên hoan lần thứ nhất là một sân chơi dành riêng cho người Công giáo Bảo Lộc, nên giới trẻ trong các giáo xứ tham gia rất đông, hầu như giáo xứ nào cũng góp mặt. Tôi còn nhớ Giáo xứ Tân Bùi (Lộc Châu) dàn dựng cả một chương trình rất công phu, hoành tráng, huy động hàng trăm diễn viên quần chúng tham gia (đạt giải nhất tại liên hoan), Giáo xứ Tân Hóa (Lộc Nga) sáng tác cả một trường ca về đất nước (đạt giải nhì) và Giáo xứ Thánh mẫu Lộc Phát đạt giải ba”. Linh mục Trần Văn Điện cho rằng: Đó là cơ hội tốt để người Công giáo hợp tác với chính quyền và ngành văn hóa địa phương, thể hiện lối sống “tốt đời, đẹp đạo”…
 
Ông Bùi Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Bảo Lộc, cho biết: “Do đặc điểm của người Công giáo Bảo Lộc là có những xứ đạo toàn tòng, với trên 82.000 giáo dân (chiếm trên 60% dân số Bảo Lộc), nên ngành văn hóa địa phương muốn tổ chức một “sân chơi” để tập hợp quần chúng trong các xứ đạo, vừa tạo tính đoàn kết vừa để kêu gọi sự hợp tác của các nhân tố mới trong đồng bào Công giáo. Chính do mục đích này mà thể loại chính trong liên hoan được quy định là hợp xướng. Thời điểm đó, toàn thành phố có 15 giáo xứ thì tất cả các giáo xứ đều cử đoàn tham gia. Có những dàn hợp xướng lên đến 300 người. Điều đáng nói là dù lực lượng đông đảo, nhưng mỗi một giáo xứ khi tham gia đều tự túc đầy đủ về phương tiện di chuyển, trang phục, đạo cụ cho đến các nhu yếu phẩm phục vụ ca viên trước và sau giờ diễn”. 
 
Sau Liên hoan “Người Công giáo hát về đất nước anh hùng” lần thứ nhất, 15 năm sau, liên hoan lần thứ 2 mới có cơ hội “tái ngộ” (2005). Song lần này, không chỉ có sự góp mặt của đồng bào Công giáo, còn có sự vào “cuộc” không kém phần nhiệt tình của các tôn giáo khác (Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành). Ở một sân chơi rộng hơn, đa dạng sắc màu tín ngưỡng và văn hóa, tính đoàn kết lại càng được đồng bào Công giáo thể hiện. Thế mạnh của đồng bào Công giáo vẫn là những tiết mục hợp xướng đông người. Ông Nguyễn Văn Điểm, một thành viên Ca đoàn Thánh Tâm (Lộc Tiến), bộc bạch: “Với người Công giáo chúng tôi, cộng tác với xã hội trong các phong trào cũng giống như việc phục vụ giáo xứ, đã làm là phải hết mình, làm vì niềm tin, vì tinh thần cộng tác, sống phải hòa hợp giữa đạo và đời”. 
 
Liên hoan “Người Công giáo hát về đất nước anh hùng” lần thứ 2 kết thúc, nhưng đồng bào Công giáo Bảo Lộc không dừng lại ở đó, lại tiếp tục gắn bó ở những sân chơi mang tầm vóc lớn hơn, mà đáng kể là “Liên hoan CLB gia đình văn hóa”. Qua 3 lần tổ chức (vào các năm 2000, 2004, 2008), liên hoan đã thực sự là một sân chơi rộng lớn. Vẫn dành một vị trí đáng kể cho thể loại hợp xướng hoặc tốp ca đông người, ban tổ chức các kỳ Liên hoan CLB gia đình văn hóa tiếp tục nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của các phường xã, mà trong đó giáo dân chiếm đa số. Từ chỉ 6/11 đơn vị phường xã tham gia vào năm 2000, đến năm 2004, liên hoan đã mở rộng ra 112/119 khu phố và đến năm 2008 đã vươn đến 116/119 khu. Song song với quá trình tổ chức Liên hoan CLB gia đình văn hóa, Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Bảo Lộc còn xen kẽ các kỳ “Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các khu phố, thôn, buôn văn hóa” vào các năm 2002, 2006 và 2013. Dẫu dưới hình thức nào, tiếng hát của đồng bào Công giáo ẩn đằng sau những tiết mục hợp xướng đông người vẫn được đánh giá cao. Theo ông Bùi Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Bảo Lộc: “Thành công của các kỳ liên hoan, không chỉ là tập hợp được đông đảo quần chúng, mà hiệu ứng dây chuyền về tinh thần cộng tác của đồng bào Công giáo được duy trì và lan tỏa khá mạnh”.
 
Sống tốt đời, đẹp đạo
 
Qua các lần liên hoan, nhiều nhân tố mới là người Công giáo đã xuất hiện và có những đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương. Có thể kể đến bà Nguyễn Thị Thanh Vân (Trưởng Ca đoàn Thánh Tâm - Lộc Tiến), ông Phạm Tuấn Phan (Trưởng Ca đoàn Thánh Mẫu - Lộc Phát), ông Nguyễn Quang Minh (Trưởng Ca đoàn Tân Hóa - Lộc Nga)… và rất nhiều giáo dân, đã mang đến cho các kỳ liên hoan nhiều đóng góp đáng kể. Trong số này, 2 Trưởng Ca đoàn Nguyễn Thị Thanh Vân và Nguyễn Quang Minh đã từng giành giải “Nhạc trưởng xuất sắc” tại Liên hoan “Người Công giáo hát về đất nước anh hùng” lần thứ nhất. Cũng tại liên hoan này, ông Nguyễn Quang Minh đã sáng tác trường ca “Quê hương và ước vọng” (thể loại hợp xướng) và đã giành giải nhất về tác phẩm và giải nhì toàn đoàn. Nói về tác phẩm này, ông Minh cho biết: “Tôi không thiên về sáng tác nhạc đời, nhưng có lẽ do yếu tố thi thố của liên hoan lần đó đã kích thích tinh thần yêu nước trong tôi, nên tôi viết lời và nhạc cho bài hát đó trong một tâm thế rất phấn khởi, lạc quan…”. Cũng nhiệt tình không kém và thường xuyên góp mặt trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng, các sự kiện văn hóa của địa phương là bà Nguyễn Thị Thanh Vân cùng tập thể Ca đoàn Thánh Tâm (Lộc Tiến). Một trong những tiết mục được dàn hợp xướng này trình diễn đã được chọn để mở màn trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ III. Với bà Vân: “Truyền thống của người Công giáo yêu nước là luôn cộng tác, gắn bó để xây dựng quê hương, dân tộc; nên việc tham dự các hoạt động xã hội là vinh dự, niềm tự hào và là trách nhiệm của từng giáo dân”.
 
HẢI UYÊN