Những "bóng cả" của buôn làng

05:12, 31/12/2013

Họ còn là những người luôn gương mẫu, đi đầu trong việc nuôi dạy con cái, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bà con noi theo. Đặc biệt, họ được xem là những "cuốn từ điển sống" lưu giữ và truyền đời những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Với người dân, họ thật sự là “bóng cả” của các buôn làng đồng bào DTTS. Bằng uy tín của mình, họ đã động viên, khuyến khích người dân sống và làm việc theo chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Họ còn là những người luôn gương mẫu, đi đầu trong việc nuôi dạy con cái, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bà con noi theo. Đặc biệt, họ được xem là những “cuốn từ điển sống” lưu giữ và truyền đời những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
 
Già làng K’Vổi.
Già làng K’Vổi.
Trong căn nhà sàn của mình ở buôn B’Lạch B (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), Già làng K’Vổi (dân tộc Châu Mạ, 80 tuổi) vẫn còn duy trì nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Mặc dù không phải căn nhà dài truyền thống nhưng trong ngôi nhà của Già làng K’Vổi luôn có bếp lửa hồng không bao giờ tắt. Trên giàn bếp, những dụng cụ sinh hoạt thường nhật như rổ, rá, gùi, nơm… được hong đen bóng. Xung quanh vách nhà, những cái chum, cái ché, những hũ rượu cần được sắp xếp rất ngăn nắp và cẩn thận. Già K’Vổi bảo: “Ðó là những thứ quý giá bất di bất dịch của người đồng bào. Mình phải giữ để cho con cháu sau này biết và làm theo”. Nói rồi Già lại tỏ ra tiếc rẻ vì ngay cả mình cũng không còn lưu giữ được bộ cồng, bộ chiêng nào. Cách đây vài năm, Già K’Vổi có mở lớp dạy cồng chiêng cho thanh niên trong buôn. Học rồi nhưng không có nơi để đánh, không có cồng chiêng để luyện tập nên “bọn trẻ” cũng bỏ từ từ. “Như thế thì buồn lắm vì đó là truyền thống mà. Giết một con gà, khui một ché rượu để mừng một dịp gì đó thì cũng phải có tiếng cồng, tiếng chiêng, phải có hát, có múa” - Già làng K’Vổi chia sẻ. Dù không như mong muốn nhưng Già vẫn tự hào vì đến nay bà con trong buôn vẫn duy trì được những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Hàng năm, bà con vẫn tổ chức ba lễ hội chính: Lễ hội Tam Sơ Nơm (Lễ hội Trồng cây thuốc), Lễ hội Nhu Rơ Môn (Lễ hội Cúng lúa) và Lễ hội Nhu Rơ He (Lễ hội Mừng lúa mới). Càng mừng hơn khi những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ… cũng đã được dân làng từ bỏ để theo nếp sống mới. Trong căn nhà đậm chất truyền thống của mình, Già làng K’Vổi lại có một thứ khá hiện đại. Ðó chính là chiếc radio. Già cho biết: “Mình phải nghe đài để biết chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước để còn nói lại cho bà con nghe”. Và, những lời Già làng K’Vổi nói thực sự đã được bà con trong buôn hiểu và làm theo. Bà con không còn trông chờ ỷ lại mà đã biết trồng chè, trồng cà phê để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Bà con không còn phá rừng làm rẫy mà biết nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Bà con không còn sinh đông con vì biết nếu đông con sẽ không thể làm ăn, không thể nuôi dạy chúng cho tốt. Bà con biết thế nào là Luật giao thông, không còn chở quá người hay không đội mũ bảo hiểm nữa…
 
Già làng K’Nah.
Già làng K’Nah.

Cũng giống như Già làng K’Vổi, ông K’Nah (dân tộc K’Ho ở thôn 4, xã Ðinh Trang Hòa, huyện Di Linh) cũng được bà con rất tín nhiệm bầu làm già làng có uy tín của thôn. Ðặc biệt, từ đầu năm 2013, ông cũng được bà con bầu làm Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo họ Ðinh Trang Hòa. Hiện tại, Giáo họ Ðinh Trang Hòa có khoảng 4.000 giáo dân. Việc được bầu làm “ông trùm” của giáo họ vừa thể hiện uy tín của ông đối với người dân, vừa giúp ông trong việc vận động, tuyên truyền bà con không nghe theo cái xấu, tin tưởng vào Ðảng và Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Già làng K’Nah cho biết: “Mỗi khi có dịp sinh hoạt trong giáo họ, tôi vẫn thường nói với bà con phải biết hòa nhã với dòng họ, với anh em trong làng, biết giúp nhau cùng phát triển kinh tế, nhất là ai còn tư tưởng xấu thì phải loại bỏ. Tôi cũng thường xuyên kết hợp thôn để tổ chức họp tổ, họp buôn và tiếp xúc với từng gia đình để hướng dẫn cách thức làm ăn, vận động con cháu không bỏ học và tuân thủ đúng pháp luật”. Ðể nói bà con tin và nghe theo, bản thân Già làng K’Nah luôn gương mẫu trong mọi việc. Con cháu trong gia đình ông được khuyến khích đi học đến nơi đến chốn. Kinh tế gia đình ông cũng khá vững với 3 ha cà phê mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn nhân. Bản thân ông K’Nah cũng thường xuyên hướng dẫn bà con cách ghép chồi cà phê và cho anh em, bà con mượn cà phê để làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

 

Già làng Hoa Huy Hành.
Già làng Hoa Huy Hành.
Về thôn B’Dơr (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) hôm nay, ít ai có thể nhận ra đây là thôn có 100% hộ đồng bào DTTS sinh sống. Bởi lẽ, từ nếp sống, cách sinh hoạt đến cơ sở vật chất và kinh tế gia đình của bà con trong thôn đều rất phát triển. Thôn được đánh giá là phát triển toàn diện khi được tỉnh công nhận là “thôn văn hóa” từ năm 2003 đến nay. Toàn thôn có hơn 380 hộ dân thì số hộ nghèo hiện chỉ còn 27 hộ. Cách đây 5 năm, người dân trong thôn đã biết chuyển đổi toàn bộ diện tích chè, cà phê giống cũ, già cỗi sang giống mới. Nhờ đó, kinh tế gia đình của các hộ phát triển khá vượt bậc. Có sự chuyển biến rõ nét như vậy là nhờ công sức rất lớn của Già làng, Bí thư Chi bộ thôn B’Dơr Hoa Huy Hành. Sau khi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ từ tỉnh đến huyện, năm 1995, ông Hoa Huy Hành nghỉ hưu và trở về xã Lộc An sinh sống. Ông nói: “Nghỉ hưu nhưng coi như không hưu vì ngay sau đó Ðảng ủy xã Lộc An bầu làm Ðảng ủy viên và phân công làm Bí thư Chi bộ thôn B’Dơr phụ trách mảng dân tộc. Từ đó đến nay, tôi đã cùng với cấp ủy thôn chăm lo việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho bà con trong thôn”. Với lợi thế thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau, đặc biệt là các thứ tiếng của đồng bào DTTS, ông Hoa Huy Hành đã dễ dàng nói cho bà con trong thôn hiểu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế. Ông đã vận động bà con kéo điện thắp sáng trong thôn từ năm 1995 khi chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nói về kinh nghiệm trong việc vận động bà con, ông chia sẻ: “Người đồng bào rất tin vào cách mạng, nên người làm cách mạng nói gì bà con cũng nghe. Nhưng để dân tin và làm theo thì mình cũng phải gương mẫu và uy tín, cái gì cũng phải làm tốt trước hết”. Cái tốt nhất mà gia đình ông Hoa Huy Hành đã làm được để bà con noi theo là cả 4 người con của ông đều ăn học thành đạt và hiện đang làm sỹ quan trong ngành quân đội và công an. Trong căn phòng nhỏ của mình, ông Hoa Huy Hành lưu giữ rất nhiều tài liệu về lịch sử các vùng kháng chiến. Hiện, ông đang viết cho cuốn Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1960 - 1962 khi ông đang làm ở Văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận. Trước đây, ông cũng đã tham gia viết lịch sử Ðảng bộ cho các xã Lộc Nam, Lộc Bắc, Lộc Lâm trong những giai đoạn ông tham gia cách mạng. Bản thân ông Hoa Huy Hành cũng là người am hiểu tiếng K’Ho nên thường được mời dạy các lớp tiếng K’Ho. Ông cũng chú trọng đến việc lưu giữ truyền thống của dân tộc nên đã tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng và đội cồng chiêng của thôn B’Dơr thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các liên hoan của huyện và tỉnh. 
 
Những già làng có uy tín như ông K’Vổi, K’Nah, Hoa Huy Hành và còn nhiều già làng khác nữa như những “ngọn lửa thiêng” luôn bừng cháy để dẫn đường cho buôn làng. Những ngọn lửa này sẽ sáng mãi, cháy mãi và truyền đời để đưa vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển.
 
HỮU SANG