Những chiếc máy nghĩa tình

10:12, 24/12/2013

(LĐ online) - Hội Phụ nữ Lâm Đồng vừa phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm bàn giao máy may công nghiệp cho các chị em phụ nữ nhân dịp lễ ra mắt Tổ hợp tác may công nghiệp tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm).

(LĐ online) - Hội Phụ nữ Lâm Đồng vừa phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm bàn giao máy may công nghiệp cho các chị em phụ nữ nhân dịp lễ ra mắt Tổ hợp tác may công nghiệp tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm).
 
Niềm vui của chị em bên những chiếc máy may công nghiệp do vốn Trung ương Hội Phụ nữ tài trợ 60%
Niềm vui của chị em bên những chiếc máy may công nghiệp do vốn Trung ương Hội Phụ nữ
tài trợ 60%
 
Đây là mô hình tổ hợp tác may công nghiệp đầu tiên do Hội Phụ nữ tỉnh triển khai thí điểm tại xã Lộc Nam từ nguồn vốn của Trung ương Hội hỗ trợ việc làm cho phụ nữ sau khi học nghề. Tổng trị giá nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng, hỗ trợ bằng hình thức tặng máy may công nghiệp gồm 60% vốn của Hội và 40% vốn đối ứng của các thành viên của tổ hợp tác. Trị giá mỗi chiếc máy là 6,8 triệu đồng, chị em chỉ đóng góp vào 2,8 triệu đồng để nhận một chiếc máy may công nghiệp.  Hội Phụ nữ tỉnh đã trao 24 chiếc máy may công nghiệp và tặng 2 máy cho 2 trường hợp phụ nữ nghèo, khuyết tật (câm điếc). 
 
Bà Nguyễn Thị Lệ -Chủ tịch Hội Phụ nữ Lâm Đồng cho biết: Tiếp nối với những lớp dạy nghề may công nghiệp theo chương trình “Chị tôi” do Hội Phụ nữ tỉnh đã mở tại xã Lộc Nam cho 30 chị  học trong 3 tháng được cấp bằng sơ cấp nghề từ dự án Trung ương Hội tài trợ 70 triệu đồng, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng mô hình tổ hợp tác may công nghiệp cho phụ nữ tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm) đáp ứng được nhu cầu về việc làm cho chị em. Chúng tôi hy vọng sau khi nhận được sự hỗ trợ máy móc từ Trung ương Hội, Hội Phụ nữ tỉnh, với bản tính cần cù, chịu khó, tinh thần tương thân tương ái, 30 thành viên của tổ hợp tác may công nghiệp Lộc Nam sẽ luôn động viên giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm hiệp lực đoàn kết hỗ trợ nhau làm kinh tế, nhất là các chị có tay nghề cao giúp chị em mới biết nghề may những mặt hàng mới, tạo ra nhiều sản phẩm, tăng thu nhập, đưa tổ hợp tác ngày càng phát triển.
 
Sau khi nhận máy, các chị em đã mang máy về nhà may tại gia đình và sinh hoạt trong Tổ hợp tác. Tổ hợp tác may công nghiệp Lộc Nam có 30 thành viên đã ra mắt Ban điều hành gồm 3 chị có kinh nghiệm may lâu năm và chịu trách nhiệm đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm tiêu thụ cho chị em trong tổ. Chị Nguyễn Thị Hiếu –Tổ trưởng là người có kinh nghiệm may hơn 18 năm được chị em tín nhiệm bầu vào Ban điều hành cho biết: Tùy theo tay nghề của chị em để mình giao sản phẩm, các chị may tốt thì giao hàng may xuất khẩu, các em mới vào nghề thì may hàng dễ, hướng dẫn thêm và trao đổi kinh nghiệm. Các chị vào Tổ hợp tác đã biết nghề rồi và thu nhập từ nghề may công nghiệp dao động từ 2 -4 triệu đồng/tháng. Số chị em học việc thì chưa có sản phẩm, chưa có thu nhập nhưng không phải trả tiền học nghề. Sản phẩm chủ yếu là hàng đồng phục học sinh, quần áo cung cấp ở Bảo Lộc và bán cho các nhà may lớn.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàn –Chủ tịch xã Lộc Nam phấn khởi cho biết: Xã Lộc Nam thuộc vùng sâu vùng xa cách trung tâm huyện Bảo Lâm 40 cây số, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, còn 14%. Xã đã có nhiều chương trình dự án xóa đói giảm nghèo, có nghị quyết và giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong 2 năm gần đây, Hội Phụ nữ tỉnh đặc biệt quan tâm đến xã Lộc Nam, đưa các chương trình, dự án đào tạo nghề cho chị em, tạo công ăn việc làm đem lại hiệu quả kinh tế. Các chị em trong xã được đào tạo nghề như: may mặc, may xuất khẩu, đan ren, đan lát, thêu ren, đan bèo…đã làm việc ở nhiều nơi khác và làm tại gia đình. Hy vọng Tổ hợp tác may công nghiệp ra đời sẽ mở rộng thêm nhiều đối tượng giúp cho nhiều lao động có việc làm cho thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 
 
DIỆU HIỀN