Thầm lặng đóa hoa rừng…

06:12, 26/12/2013

Bước chân ấy, cuộc đời ấy đã gắn bó với các hộ gia đình chính sách của một xã anh hùng. Bà Nguyễn Thị Thanh như một đóa hoa rừng thầm lặng trong số 120 bông hoa được tôn vinh nhân dịp Đà Lạt tròn 120 tuổi.

Nhiều lần về xã Xuân Trường (Đà Lạt), tôi gặp bà và bà là người dẫn đường nhiệt tình nhất tại các địa phương mà tôi từng đến. Bước chân ấy, cuộc đời ấy đã gắn bó với các hộ gia đình chính sách của một xã anh hùng. Bà Nguyễn Thị Thanh như một đóa hoa rừng thầm lặng trong số 120 bông hoa được tôn vinh nhân dịp Đà Lạt tròn 120 tuổi.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh (bên phải) đến với Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất
Bà Nguyễn Thị Thanh (bên phải) đến với Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất
 
“NGƯỜI NHÀ” CỦA CÁC MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
 
Xuân Trường một ngày tháng 7 trời mưa lất phất. Từ trung tâm Đà Lạt về với xã anh hùng Xuân Trường để viết bài nhân ngày thương binh - liệt sỹ, tôi lại được gặp bà - một người quen từ công việc. Trong tiết trời gió lạnh, người phụ nữ ấy dẫn tôi đến với các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Gặp bà, mẹ Nguyễn Thị Tất có chồng và hai người con trai là liệt sỹ mừng lắm! Đã gần 25 năm nay - kể từ ngày bà làm công tác lao động - thương binh - xã hội thì sự hiện diện của bà - lúc đi một mình, lúc dẫn đường cùng các đoàn công tác khiến căn nhà thêm ấm cúng, xua tan cái giá lạnh của sự đơn chiếc. Những câu chuyện buồn vui của đời mẹ, bà đều san sẻ như một người thân. Đó là những câu chuyện thường ngày, từ sửa sang mái nhà, hiến đất làm đường, mùa thu hoạch cà phê…, bà lắng nghe và ân cần với  mẹ. Tuổi già của mẹ cùng những chứng bệnh lúc trái gió trở trời, sự tận tình của một người cán bộ xã - một người cháu gái thân thương khiến mẹ cảm động. Mẹ Tất dặn bà rằng, lúc nào mẹ đi xa rồi thì con hãy nghỉ công tác, đừng nghỉ lúc mẹ còn trên cuộc đời này mà mẹ thấy trống trải!
 
Xã Xuân Trường có 8 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện 3 mẹ còn sống ở xã. Vừa qua, theo pháp lệnh mới, có 5 mẹ đã làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu cao quý này. Nhận được thông tin, bà giúp các mẹ và gia đình hoàn thiện hồ sơ như góp một phần trong vị trí của mình cho sự cống hiến của cả cuộc đời các mẹ. Hai mấy năm công tác, các gia đình chính sách trở thành máu thịt với bà. Ngoài các mẹ, còn có 74 gia đình liệt sỹ, 18 thương binh và 3 bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng bà đều thuộc nằm lòng. Sống ở địa bàn rừng núi, một số thôn có địa thế hiểm trở, mùa mưa đường trơn trượt nhưng đối với bà, bước chân của người cán bộ khi đã ở tuổi trên 60 vẫn  nhiệt tình như những năm tháng mới nhận công tác. Bà đến đều đặn và gửi những món quà dịp lễ tết, tham gia những ngày sinh hoạt ôn lại truyền thống và cả những buổi thăm hỏi không vì công việc… Chị Lê Thị Thu Thủy - con gái của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhất kể rằng, mỗi dịp các gia đình hội họp, không khí rất gần gũi, yêu thương và bà Nguyễn Thị Thanh có mặt như một phần không thể thiếu. Tấm lòng của người phụ nữ ấy trải rộng với các đối tượng chính sách, như bù đắp một phần mất mát cho các gia đình, tri ân với quá khứ kiên cường của đất và người Xuân Trường.
 
NHỮNG MÙA HỒNG ĐI QUA CUỘC ĐỜI RIÊNG
 
Sinh ra ở quê hương Xuân Trường trong một gia đình có hai chị em, bố mẹ đều là công nhân của Sở trà Cầu Đất, năm 1972, bà đã đi thoát ly theo cách mạng. Vào hoạt động tại khu căn cứ của huyện Lạc Dương, tuổi 18 thanh xuân đã hừng hực cùng những chuyến tải lương thực cho bộ đội chiến đấu. Sau đó, nữ thanh niên Nguyễn Thị Thanh được cấp trên phân công làm giáo viên dạy kiến thức cho con em đồng bào K’Ho một lòng theo cách mạng. Mới học hết cấp 2, bà mày mò cùng từng trang giáo án, từng môn học để giảng dạy cho học sinh các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 cùng được bố trí học trong một lớp. Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa thạo tiếng nói của đồng bào, cô giáo Thanh đã lao mình vào thực tế, hăng say với những trang sách mới để truyền đạt cho học sinh. Niềm vui lớn lên khi các em hiểu bài, những cặp mắt đen láy thiết tha với thầy cô và đến lớp đều hơn. Cho đến sau ngày giải phóng, nghiệp giảng dạy đã gắn bó với cô giáo Nguyễn Thị Thanh. Bà công tác ở Trường Tiểu học Xuân Trường, được bổ nhiệm làm Hiệu phó. Sau đó, vào năm 1977, bà tiếp tục được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học thôn Trạm Hành - ngôi trường khó khăn bậc nhất lúc đó. Về cơ sở, các nữ giáo viên không có chỗ ở, đành phải ngày dạy học hai buổi, đêm về xóa phấn trắng trên tấm bảng đen, dùng bảng kê làm chỗ ngủ. Thiếu thốn từ điều kiện dạy học đến nơi ăn chốn ở, nhưng tinh thần của những nhà giáo cố kết động viên nhau để vượt khó “dạy tốt, học tốt”. Hoàn thành việc ổn định và tạo nền tảng cho ngôi trường này, bà tiếp tục được điều động về trường cũ, được cử đi học để nâng cao trình độ. Khi tốt nghiệp trở về, năm 1990, bà lại gánh vác một trọng trách khác: làm công tác vận động xóa mù chữ cho nhân dân và kiêm nhiệm cả công tác lao động - thương binh - xã hội tại xã. Nhiệm vụ mới không hề dễ dàng bởi trải qua nhiều năm gian khó - chiến đấu rồi mưu sinh, việc học đôi khi đã phai nhạt khá nhiều đối với không ít người dân. Từng đêm lặn lội đi vận động bà con ra lớp, duy trì “lửa” nhiệt tình để bà con ham học và không vì những gánh nặng cơm áo hàng ngày mà bỏ ngang, tạo ra sự kết nối giữa học sinh và các giáo viên… và nếu không phải là một người lăn xả, bà khó hoàn thành được công việc. Bên cạnh đó, nhiệm vụ song song của một cán bộ lao động - thương binh - xã hội chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình, công tác không hưởng lương, tuy vậy, công việc như thấm vào bà đầy nghĩa tình, là sự tận tâm và tận hiến. Cho đến năm 2003, chế độ chính sách đã quy định khoản trợ cấp cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Nhịp điệu công việc đối với bà vẫn thế, bà vui hơn vì đến năm 2004, Xuân Trường hoàn thành việc xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học.
 
Bước qua tuổi 60, bà vẫn lặng lẽ đi về một mình. Đời bà sống vì hạnh phúc chung và hạnh phúc riêng chưa một lần mỉm cười. Đóa hoa rừng ấy sau giờ làm việc lại cặm cụi cùng khu vườn trồng xen cà phê và những gốc hồng. Nhiều mùa hồng đi qua, dù giá trị kinh tế không nhiều nhưng bà không chặt bỏ, bởi đây là loài cây ăn trái gắn bó với mảnh đất này, với gia đình và cuộc đời bà. Dịp tháng bảy âm lịch hàng năm, mùa hồng nở rộ, khu vườn như một bức tranh đẹp, người quen có thể thoải mái đến thăm vườn, hái những quả căng mọng và chụp lại những khoảnh khắc đẹp ấy. Bước vào năm 2014, bà sẽ có một dấu ấn đặc biệt - bà đã tròn 40 năm tuổi Đảng - một dấu ấn ý nghĩa của cuộc đời. Về những thành tích đạt được, trong ngôi nhà bà có rất nhiều giấy khen của xã, của thành phố, của Hội Cựu giáo chức… Dù vậy, bà không nhớ cụ thể lắm. Chỉ có những người học trò cũ, dù giờ đã lên “chức” ông bà, vẫn nhớ về người cô giáo cũ; những gia đình chính sách vẫn mong đợi được gặp bà, dù chỉ để kể vài câu chuyện nhỏ của đời sống…Xuân Trường - cái nôi cách mạng của thành phố đang căng tràn sức sống và sức phấn đấu khi Đà Lạt bước vào tuổi 120.
 
Ký nhân vật: Hải Yến