Tranh thêu chữ thập "hút hồn" phái nữ

03:12, 29/12/2013

Khoảng vài năm trở lại đây, tại Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tranh thêu chữ thập được nhiều phụ nữ biết đến.

Khoảng vài năm trở lại đây, tại Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tranh thêu chữ thập được nhiều phụ nữ biết đến. Với chủ đề đa dạng, thao tác đơn giản, bộ môn nghệ thuật vốn đòi hỏi khá nhiều thời gian này không chỉ giúp phái nữ giải toả căng thẳng sau giờ làm việc mà còn là món quà quý gửi tặng người thân, bạn bè và trước hết, đó còn là tác phẩm nghệ thuật mà người làm “tự thưởng” cho mình.
 
Tranh thêu chữ thập được chị em tranh thủ thêu bất cứ khi nào có thời gian rảnh
Tranh thêu chữ thập được chị em tranh thủ thêu bất cứ khi nào có thời gian rảnh
 
Anh Trần Quốc Dũng, chủ cửa hàng Tranh thêu chữ thập  Bàn Tay Việt (155 Trần Hưng Đạo, thị trấn Liên nghĩa, Đức Trọng) cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng của anh bán được từ 30-40 bức tranh thêu chữ thập. Đối tượng khách hàng là phái nữ ở mọi lứa tuổi, từ các em học sinh, dân văn phòng, các chị buôn bán tiểu thương ở chợ cho đến các bác trung niên ở nhà nội trợ. Anh Dũng cho biết, để thực hiện một bức tranh, người thêu phải mua một “bộ kit” gồm: kim, chỉ, vải Aida, bộ chat (sơ đồ hướng dẫn cách thêu). Giá cả của các “bộ kit” dao động từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng/bộ. Thêu tranh chữ thập có những nét thêu hình chữ X theo nguyên tắc “nét sắc” trước, “nét huyền” sau rất đơn giản. Mẫu thêu với đường nét đã được định sẵn, bảng màu đã được phối sẵn nên người thêu không phải mất thời gian thiết kế bản vẽ, nghĩ cách phối màu, mà chỉ việc thực hiện các mũi thêu sao cho đúng mẫu. Mỗi bức tranh sau khi thêu xong được nhúng vào nước để các hoạ tiết in sẵn trên vải tự phai màu, chỉ còn màu của các đường chỉ. Sau đó, người thêu sẽ mang những bức tranh này ra tiệm để đặt khung, nẹp tranh. Tuỳ theo kích cỡ, chất liệu khung mà giá của các khung tranh cũng khác nhau. Thông thường, giá khung tranh kích cỡ nhỏ nhất khoảng 30 x 30cm là 70.000 đồng/khung; kích cỡ lớn nhất 250 x 250 cm có giá tới 1,8 triệu đồng/khung… 
 
Còn chị Nguyễn Thị May, chủ một cơ sở tranh thêu chữ thập tại thị trấn D’Ran (Đơn Dương) cho biết, trước đây, cửa hàng của chị buôn bán tạp hoá. Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người buôn bán các loại mặt hàng này, cửa hàng tạp hoá của chị trở nên ế ẩm nên chị quyết định chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác để buôn bán mong “dễ thở” hơn. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi, chị được một người bạn ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu cho loại hình tranh thêu chữ thập này và chị quyết định thử nghiệm loại hình kinh doanh mới này từ đó. Hiện, cửa hàng của chị May có vài trăm mẫu tranh thêu chữ thập, đa dạng từ các mẫu về khung cảnh thiên nhiên, phong thuỷ, các bức tranh về con người, đồng hồ, gối, khăn trải bàn đến chữ thư pháp: Nhẫn, phúc, lộc, thọ... “Sau khi chuyển qua kinh doanh loại mặt hàng này, tôi thấy chị em đến với cửa hàng cũng ngày càng nhiều. Nhưng hiện tại, tôi chỉ bán bộ tranh thêu cho chị em thôi, chứ chưa nhận hoàn thiện bức tranh sau khi đã thêu xong. Nhưng chắc mai mốt phải kiếm một vài thợ để làm luôn các khâu, để khách hàng đỡ phải đi lại nhiều chỗ, mà mình cũng có thêm chút thu nhập” - chị May nói. 
 
Chỉ cần có thời gian rảnh, tranh thêu chữ thập có thể thêu ở mọi nơi, mọi chỗ. Đây thật sự là cách xả stress hay “giết” thời gian rảnh hữu ích, cũng như giúp chị em rèn luyện sự khéo léo, tính kiên nhẫn. Chị Mai Thảo, buôn bán tại chợ cư xá (Liên Hiệp, Đức Trọng) chia sẻ: “Tôi biết đến tranh thêu chữ thập chỉ vài tháng nay nhưng càng thêu càng thấy ghiền. Tôi thường thêu vào lúc buôn bán rảnh rỗi, hay vào buổi tối, sau khi đã cơm nước xong xuôi, vừa coi ti vi, tôi vừa tranh thủ thêu. Bức tranh đầu tiên tôi thêu trong vòng 15 ngày, còn bức tranh thứ 2 về hoa đào tôi dự tính cũng sẽ hoàn thành xong trước tết để đón năm mới”. Còn cô Nguyễn Thị Minh, nội trợ (xã Hiệp An, Đức Trọng) cũng cho biết, cô biết đến tranh thêu chữ thập hơn một năm nay và từ đó đến nay cô đã thêu được 3 bức tranh, bức thì để treo trong nhà, bức tặng con gái và bạn thân. “Mỗi khi hoàn thành xong một bức tranh, tôi thấy vui lắm, nhất là khi nghĩ tới niềm vui của người được nhận tranh, mọi mệt mỏi trong một thời gian dài ngồi thêu tranh trong tôi bỗng tan biến hết”- cô Minh nói.
 
Thy Vũ