(LĐ online) - Hoa là cây trồng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai sau cà phê ở tỉnh Lâm Đồng, chiếm trên 75% thị phần xuất khẩu hoa của cả nước. Quá trình xây dựng thương hiệu hoa Đà Lạt cũng gặt hái thành công lớn khi có 6 chủng loại được cấp thương hiệu…
(LĐ online) - 120 năm từ ngày được khai mở, trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió Đà Lạt, hoa gần như gắn liền với thời gian hình thành và phát triển của vùng đất kỳ diệu, tình hoa luôn gắn với tình người và đất. Hình thành từ những năm 1940, nghề trồng hoa cũng nhanh chóng phát triển, góp phần đổi thay cuộc sống người Đà Lạt, xây dựng nên thương hiệu thành phố Festival Hoa nổi tiếng.
|
Nghề trồng hoa đang dần khẳng định vị thế và vươn xa. Ảnh: Văn Báu |
Sau bao thời gian cùng với nhiều biến cố của lịch sử nhưng nghề trồng hoa Đà Lạt luôn phát triển với tốc độ nhanh cả về chất lượng lẫn quy mô. Cây hoa đã nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chính, mang ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội. Lần theo lịch sử, từ những ngày đầu tiên hoa được ươm mầm trên vùng đất lạnh, mới hiểu hết khăng khít của hoa với sự phát triển của Đà Lạt.
Nói đến sự hình thành và phát triển của nghề trồng hoa Đà Lạt không thể kể đến những ngày đầu lập ấp của Làng hoa Hà Đông. Được coi là những người khai hoang mở cõi, 35 hộ dân đến từ Hà Nội là những người đầu tiên vào lập ấp Hà Đông- làng hoa chuyên canh đầu tiên của Đà Lạt. Theo nhiều tài liệu ghi lại nghiên cứu và lời kể của những người đi trước đã cho rằng, nghề trồng hoa ở Đà Lạt bắt đầu từ ấy, từ hơn 70 năm trước ở ấp Hà Đông, nay là Làng hoa Hà Đông. Kế đến là sự hình thành của các làng hoa Thái Phiên, Đa Thiện, Vạn Thành và dần dần hoa được trồng ở khắp vùng trong thành phố.
Các làng hoa định hình và phát triển qua hơn nửa thế kỷ, gắn với sự phát triển của một vùng trù phú, nơi hội tụ của những con người hiền lành, cần cù, chất phác. Anh Vũ Nhuần - nông dân trồng hoa làng hoa Hà Đông chia sẻ: “Từ những câu chuyện của những thế hệ trước, tôi tự hào khi được kế tiếp phát triển nghề trồng hoa. Cây hoa Đà Lạt nay đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, nhưng những người trồng hoa chúng tôi vẫn luôn nhắc nhau trau dồi kiến thức trồng hoa, đem đến cho mọi người những cành hoa đẹp nhất”.
Sau hơn 70 năm hình thành, nghề trồng hoa đến nay đã phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích hoa Lâm Đồng tăng nhanh từ 3.115ha năm 2008 đến 2013 ước đạt 6.290ha, sản lượng ước 2 tỷ cành/ năm. Là địa phương chủ lực, trong năm 2013, diện tích hoa của Đà Lạt chiếm 69.3% diện tích sản xuất và 74% sản lượng hoa cả tỉnh, riêng trong 2 năm 2012-2013, diện tích hoa tăng mạnh hơn 47,5% so với 2011.
Hiện nay, Đà Lạt có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt, hay xuất xứ từ châu Á, châu Âu, châu Úc…trong đó Cúc và Lay ơn là 2 loại hoa chiếm diện tích nhiều nhất. Hoa là cây trồng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai sau cà phê ở tỉnh Lâm Đồng, chiếm trên 75% thị phần xuất khẩu hoa của cả nước. Quá trình xây dựng thương hiệu hoa Đà Lạt cũng gặt hái thành công lớn khi có 6 chủng loại được cấp thương hiệu là địa lan, cúc, hồng, cẩm chướng, lay ơn, cát tường.
Cô Ngọc Huyền (54 tuổi, du khách từ Vũng Tàu) cho biết: “Bao nhiêu lần đến Đà Lạt là bấy nhiêu lần tôi thêm ngạc nhiên vì hoa Đà Lạt ngày càng đẹp và nhiều loại. Thật xứng đáng với tên gọi thành phố ngàn hoa”.
Thật vậy, hơn 70 năm phát triển nghề trồng hoa Đà Lạt đã có những bước tiến đáng kể. Trong những năm gần đây, hoa Đà Lạt ngày càng được thị trường trong nước và ngoài nước biết đến với nhiều thành tựu nổi bật. Đà Lạt là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lĩnh vực cấy tạo giống mới, lưu trữ nguồn gen hoa cũng phát triển đã làm cho hoa Đà Lạt thêm phong phú.
TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định: “Ngành sản xuất hoa Đà Lạt đã hoàn thiện và phát triển thương hiệu hoa Đà Lạt. Đây là điều kiện tốt để hoa Đà Lạt nâng cao sức cạnh tranh, là cơ hội để hoa Đà Lạt- Lâm Đồng vươn xa trên trường quốc tế và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho ngành du lịch phát triển”.
Với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay, sẽ là cơ hội thuận lợi để các sản phẩm hoa Đà Lạt tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Mong rằng trong thời gian tới, nghề trồng hoa ngày càng làm tròn xứ mệnh của thành phố ngàn hoa và được tôn vinh xứng đáng mỗi mùa lễ hội Festival Hoa về.
Diễm Thương