Về với "xóm cử nhân" Đam B'ri

03:12, 31/12/2013

"Xóm 3, thôn 8, xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc) nằm khuất sâu giữa vườn cà phê xanh mướt, đường rải đất boxit nhấp nhô, học sinh phải đi bộ hoặc đi xe đạp gần 3 cây số mới tới trường. Cả xóm có 24 hộ và chỉ vỏn vẹn gần 100 nhân khẩu, nhưng có 25 người đã tốt nghiệp đại học và 17 người đang theo học đại học, cao đẳng...

“Xóm 3, thôn 8, xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc) nằm khuất sâu giữa vườn cà phê xanh mướt, đường rải đất boxit nhấp nhô, học sinh phải đi bộ hoặc đi xe đạp gần 3 cây số mới tới trường. Cả xóm có 24 hộ và chỉ vỏn vẹn gần 100 nhân khẩu, nhưng có 25 người đã tốt nghiệp đại học và 17 người đang theo học đại học, cao đẳng. Vì lẽ đó, nhiều người trong xã vẫn gọi xóm 3 (thôn 8) là Xóm Cử nhân”. Lời giới thiệu ngắn gọn, nhưng đầy tự hào của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, đã thúc giục tôi về thăm xóm 3 giữa buổi chiều mưa như trút để tìm hiểu về sự học nơi đây. 
 
Vợ chồng ông Lê Minh Tiến hạnh phúc khi nhìn lại thành tích của các con.
Vợ chồng ông Lê Minh Tiến hạnh phúc khi nhìn lại thành tích của các con.
 
HY SINH CHO SỰ HỌC
 
Về với xóm 3 dịp này, chúng tôi chỉ gặp những người nông dân quanh năm bám ruộng vườn, còn con em họ vì sự học mà tất cả đều vắng nhà. Theo như lời của ông Phó Chủ tịch xã Ðam B’ri, thì người dân của xóm 3, phần lớn là dân đến từ Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh… Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào ruộng vườn, nương rẫy và chăn nuôi là chính. Vì thế, thu nhập hàng năm của các gia đình ở đây đều phụ thuộc vào cây chè, cà phê, con heo, con gà và trồng dâu nuôi tằm. 
 
Trải qua bao thăng thầm, thế nhưng xóm này bao giờ cũng có người đỗ đạt cao vào các trường đại học Xây dựng, Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Học viện Quân y… Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm trong xóm luôn có từ 5 - 7 học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, hầu hết các gia đình trong xóm 3 đều được công nhận là “gia đình hiếu học”.
 
Khi bàn về sự học của con em trong xóm 3, nhiều người ngoài cuộc thường nói đùa với nhau, là nhờ đất ở xóm này đang “phát”. Song, kỳ thực sự học của con em ở đây, là một chuỗi dài hình thành và phát triển. Tất cả đều nhờ vào sự nỗ lực của chính bản thân các em và sự lo toan của gia đình. Vào nhà ông Lê Minh Tiến, nhìn ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, người ta khó nghĩ từ đây đã có 4 người con ăn học đại học. Vì phải lam lũ nuôi 4 con, nên năm nay ông Tiến mới tròn 50 tuổi nhưng nhìn đã quá già. Ngoài 1,5 ha cà phê trĩu quả và 5 sào chè luôn xanh tốt cùng 1 đàn heo 10 con, thì trong nhà chẳng có gì đáng giá vài triệu đồng. Ngày con trai lớn của ông Tiến đỗ vào Ðại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, bà con trong xóm ai nấy cứ bàn ra, tán vào: Tôi mà như ông Tiến, cứ cho cháu nó đi bộ đội cho yên bề, chứ để nó đi học đến lúc không nuôi nổi, dang dở thì khổ. Ấy vậy mà vợ chồng ông Tiến vẫn cắn răng, chấp nhận bán cà phê “non” để lấy tiền cho con nhập học. Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay, gia đình ông đã có 3 cậu con trai học xong đại học và đã có công việc ổn định. Còn con gái út của ông bà cũng đang học năm cuối Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. 
 
Bà Kim Thị Hiền (vợ ông Tiến) chia sẻ: “Thấy mình làm nông vất vả, nên lúc nào trong tư tưởng vợ chồng tôi cũng xác định, chỉ có sự học mới giúp con mình thay đổi được cuộc sống. Hơn 10 năm liền nuôi các cháu ăn học đại học, hoàn cảnh gia đình tôi thiếu thốn đủ thứ. Nhưng rồi, thấy các con thành đạt, vợ chồng tôi vất vả cũng cam lòng”. Không riêng gia đình ông Tiến, bà Hiền, mà tại xóm 3 còn có hơn chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Song, họ vẫn quyết chí chăm lo cho con cái học hành tới nơi, tới chốn. 
 
TRỞ THÀNH PHONG TRÀO THI ÐUA
 
Cháu Bùi Thị Tú Linh dạy kèm em Bùi Mạnh Hùng
Cháu Bùi Thị Tú Linh dạy kèm
em Bùi Mạnh Hùng
Giờ đây phong trào xây dựng “gia đình hiếu học” ở xóm 3 đã thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, lành mạnh. Ðó là sự thi đua nhau học tập giữa con em của các gia đình; đồng thời, cũng là sự thi đua đầu tư cho con cái học hành giữa người lớn với nhau. Trong tổng số 24 hộ, Xóm Cử nhân ở xã Ðam B’ri có tới 16 hộ có con em đã và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Hầu hết học sinh trong xóm đều đua nhau nêu gương đàn anh, đàn chị để đầu tư tập trung cho việc học. Vì thế, về xóm 3 để tìm một gia đình hiếu học thật không khó chút nào. Chẳng hạn như gia đình ông Cao Xuân Thái, Bùi Văn Bảng, Nguyễn Trung Huấn, Huỳnh Thanh Bình và Lê Minh Tiến… Mỗi gia đình này, đều có từ 3 - 4 người con học đại  học. 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ðam B’ri, cho biết thêm: “Xác định rõ tầm quan trọng của sự học, nên phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển tương đối mạnh ở tất cả 14 thôn trong xã. Nhưng, xóm 3 (thôn 8) là tiêu biểu nhất, cả về phong trào lẫn hiệu quả của nó. Trong những năm qua, thành tích học tập vượt trội của con em trong xóm này, đã được chứng minh qua thực tế. Hơn nữa, sự học của xóm còn lan rộng khắp toàn xã và trở thành một phong trào thi đua”. 
 
Sau những ngày lao động vất vả, cực nhọc, người dân trong xóm thường ngồi lại với nhau để bàn về chuyện học hành của con cái họ. Câu chuyện mà họ thường đề cập là nhà nào có nhiều con học đại học nhất, đang làm những công việc gì, ở đâu… Rồi họ truyền tai nhau, năm nay con nhà ai học giỏi, thi đậu đại học và xứng đáng được nhận học bổng của trường, của Hội khuyến học xã. Cứ thế, chủ đề mà người lớn trong xóm quan tâm, đề cập chính là sự học của con em họ và đó là niềm vui chung của mọi gia đình. Từ đó, nhà nhà thi đua cùng nhau nuôi dạy con cái học tập và phong trào hiếu học của xóm cứ thế lớn mạnh dần. 
 
Ông Nguyễn Trung Huấn, một gia đình hiếu học thuộc diện hộ nghèo trong xóm 3, bộc bạch: “Xã hội đang đổi thay từng ngày, gia đình tôi dù nghèo nhưng con cái đã học được thì phải cố gắng đầu tư cho chúng học. Chỉ có học mới giúp các cháu nhà tôi nên người. Hiện, gia đình tôi đang một lúc nuôi 3 cháu học đại học, khó khăn không kể hết. Song, đây là niềm vinh dự của gia đình tôi”.
 
KHÁNH PHÚC