7 sự kiện văn hóa Lâm Đồng năm 2013

04:01, 26/01/2014

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng được tổ chức mỗi năm một lần và được tổ chức luân phiên tại địa bàn các huyện. Năm 2013, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VII được huyện Cát Tiên đăng cai với chủ đề "Tuổi trẻ với văn hóa cồng chiêng" đã quy tụ được hơn 300 nghệ nhân người dân tộc thiểu số của 12 đội chiêng đến từ tất cả các huyện và thành phố trong cả tỉnh (khai mạc ngày 26/4).

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng lần thứ VII: Trẻ hóa đội ngũ nghệ nhân
 
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng được tổ chức mỗi năm một lần và được tổ chức luân phiên tại địa bàn các huyện. Năm 2013, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VII được huyện Cát Tiên đăng cai với chủ đề “Tuổi trẻ với văn hóa cồng chiêng” đã quy tụ được hơn 300 nghệ nhân người dân tộc thiểu số của 12 đội chiêng đến từ tất cả các huyện và thành phố trong cả tỉnh (khai mạc ngày 26/4). Hạt nhân của chủ đề tại liên hoan văn hóa cồng chiêng lần này đã được các nhà tổ chức chọn lựa là nghệ thuật dân gian cồng chiêng trong văn hóa Mạ - tộc người thiểu số chủ nhân của vùng thánh địa Cát Tiên bên sông Đồng Nai đầy trầm tích. Chiêng Mạ là một trong 3 loại chiêng đại diện cho Lâm Đồng (cùng với chiêng Cơho và chiêng Churu) góp phần làm nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005. Chi phối bởi chủ đề “Tuổi trẻ với văn hóa cồng chiêng” nên tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VII được tổ chức tại Cát Tiên hồi tháng 4/2013, không những các đội chiêng đã tự “trẻ hóa” đội ngũ nghệ nhân (có đến 2/3 nghệ nhân các đội tuổi chỉ từ 16 - 30) mà những nghệ nhân trẻ tuổi này cũng đã được trang bị một vốn kiến thức khá “dày” về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và cồng chiêng Nam Tây Nguyên nói riêng (đặc biệt là văn hóa cồng chiêng người Mạ) để có thể trả lời mọi câu hỏi của Ban Giám khảo cuộc thi Kiến thức văn hóa cồng chiêng trong khuôn khổ Liên hoan. 
 
 
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương: Tâm thành hướng về nguồn cội
 
Năm 2013, lễ Giỗ tổ Hùng Vương rơi vào hai ngày 18 và 19/4 dương lịch (19/4 là mùng 10 tháng 3 âm lịch). Điều thuận lợi là lễ giỗ tổ vua Hùng vừa rồi, hoạt động văn hóa truyền thống tiêu biểu có từ lâu đời này của người Việt đã được Nhà nước công nhận là quốc lễ và đồng ý cho phép các địa phương có đền thờ vua Hùng được tổ chức lễ vọng hằng năm. Hơn thế, năm 2013, Lâm Đồng cùng với cả nước tổ chức lễ giỗ tổ vua Hùng trong bối cảnh UNESCO vừa công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng như mọi năm, năm 2013, lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ở Lâm Đồng được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Đà Lạt tổ chức tại đền thờ Âu Lạc thuộc khu du lịch thác Prenn (Đà Lạt) với sự tham dự của hàng vạn du khách và khách thập phương đến từ khắp mọi miền đất nước. Tại đây, về phần lễ, các hoạt động chính đã được tổ chức, đáng chú ý là lễ cáo yết, tế lễ truyền thống, dâng hương quốc tổ Lạc Long Quân, đám rước lễ vật dâng cúng... Bên cạnh lễ, cũng trong khuôn khổ lễ hội, phần hội là các hoạt động hội thi trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật dân gian, hội thi ẩm thực dân gian... đã thu hút được đông đảo du khách. 
 
Liên hoan gia đình nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ nhất: Sắc màu hạnh phúc
 
“Sắc màu hạnh phúc” là chủ đề của liên hoan Gia đình nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) đã diễn ra vào ngày 27/6 tại Đà Lạt với sự tham gia của 150 diễn viên thuộc 10 gia đình tiêu biểu đến từ các huyện, thành trong tỉnh. Như tên gọi của liên hoan - “gia đình nghệ thuật”, 150 thành viên của 10 gia đình này là những diễn viên tuy không chuyên nhưng có khả năng làm nghệ thuật như ca hát, múa, sử dụng nhạc cụ, diễn kịch... để trình bày những tác phẩm nghệ thuật theo các loại hình đã chọn. Điều đáng nói nữa, không chỉ là những diễn viên mà những hạt nhân của các gia đình đến với liên hoan còn phải trình bày, thể hiện những tác phẩm nghệ thuật theo đúng chủ đề về gia đình đã được các nhà tổ chức chọn là “sắc màu hạnh phúc”. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, liên hoan gia đình nghệ thuật lần thứ nhất này của tỉnh Lâm Đồng không những chứng tỏ khả năng làm nghệ thuật của các diễn viên là thành viên các gia đình, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, mà qua đó còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa cao của “tế bào xã hội”, thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển, xây dựng bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
 
Lễ hội mùa hè: Nhịp điệu phố núi
 
Một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý ở Lâm Đồng hồi cuối tháng 7 vừa qua là “Lễ hội mùa hè 2013” có chủ đề “Phố núi mùa hè” được tổ chức tại khu Hòa Bình, Đà Lạt. Có thể nói, bởi tính chất của sự kiện nên “Lễ hội mùa hè 2013” đã thu hút sự chú ý và sự tự giác tham gia của hàng ngàn bạn trẻ - đối tượng chính của các hoạt động tại “Lễ hội mùa hè 2013”: Không gian nghệ thuật đường phố, đường ảnh nghệ thuật, hội thi người Đà Lạt thanh lịch...; sân khấu hiphop, rượu vang - rock - DJ, ẩm thực teen...; ảo thuật đường phố, biểu diễn khí công, tâng bóng nghệ thuật, thời trang dã ngoại... Theo Ban Tổ chức, “Lễ hội mùa hè 2013” với chủ đề “Phố núi mùa hè” không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho tuổi trẻ trong dịp hè mà còn là đợt “tập dợt” cho chương trình “Đêm hội đường phố” nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch 2013 được tổ chức tại Đà Lạt trong các ngày 27 - 31/12/2013. 
 
Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa: Giáo dục lòng yêu nước
 
Triển lãm do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phối hợp với Sở VH-TT-DL Khánh Hòa tổ chức tại Đà Lạt từ 26/8 - 14/9 với hơn 100 bản đồ, hình ảnh và văn bản về Hoàng Sa và Trường Sa đã được trưng bày. Đây là nguồn tư liệu được tập hợp từ các nhà nghiên cứu, sưu tầm, các kho lưu trữ... trong nước và cả nước ngoài đã được công bố từ trước đến nay. Cùng với nguồn bản đồ và các thư tịch có giá trị cao về mặt lịch sử, những châu bản và ghi chép cổ được trưng bày tại triển lãm còn có giá trị khẳng định cao hơn nữa về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Cùng đó, nguồn tư liệu này còn là minh chứng về sự quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách chặt chẽ của Việt Nam từ trước đến nay. Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày 4 cuốn atlas Trung Quốc địa đồ và Trung Quốc bưu chính dư đồ do nhà nước Trung Quốc ấn hành trong những năm 1908, 1917, 1919 và 1933 rất có giá trị về mặt lãnh thổ quốc gia: Cả 4 ấn phẩm cho thấy biên giới cực nam Trung Quốc không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Tuần lễ pháp tại Đà Lạt: Tăng cường mối quan hệ hữu nghị
 
Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt đã diễn ra trong các ngày từ 9 - 15/12 do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt được mở đầu với triển lãm “Đà Lạt, lịch sử hình thành và phát triển qua bản đồ” do Trường Viễn đông Bác cổ thực hiện. Cùng với triển lãm, đêm 11/12 tại khu Hòa Bình (Đà Lạt) còn diễn ra buổi tọa đàm với nhà văn người Pháp Patrick Deville cùng buổi ra mắt toàn quốc bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Yersin: Dịch hạch và thổ tả” tôn vinh người có công lớn trong việc đề xuất thành lập trung tâm nghỉ dưỡng Đà Lạt cách nay 120 năm - nhà thám hiểm, bác sỹ Alexandre Yersin - của nhà văn. Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt còn có Festival phim Pháp được tổ chức trong hai ngày 9 và 10/12 tại Đà Lạt. Và, trước chương trình ánh sáng nghệ thuật “Tầm nhìn chéo” vào đêm 15/12 do các nghệ sỹ Pháp phối hợp với các nghệ sỹ Việt Nam đảm trách để kết thúc Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt, tại siêu thị BigC Đà Lạt vào ngày 12/12 cũng đã diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật “Thành phố ban đêm” của nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp Sébastien Laval. 
 
 
Tuần Văn hóa - Du lịch 2013: Tỏa sáng đại ngàn Tây Nguyên
 
Tuần Văn hóa - Du lịch 2013 được diễn ra trong các ngày từ 27 - 31/12 tại Đà Lạt được xem là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu của Lâm Đồng. Sự kiện có quy mô quốc gia và tầm quốc tế “Tuần Văn hóa - Du lịch 2013” này nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Sự kiện này còn được xác định: “Là cơ hội để Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung củng cố, hoàn chỉnh cơ ở hạ tầng du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về phát triển du lịch; tận dụng, phát huy thế mạnh của vùng đất đầy tiềm năng kinh tế, giàu bản sắc văn hóa, thúc đẩy du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung phát triển...”. Tuần Văn hóa - Du lịch 2013 là sự kiện “ba trong một”: Công bố Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, Festival hoa Đà Lạt lần thứ V và Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Tuần Văn hóa - Du lịch 2013 bao gồm 9 chương trình chính và 10 chương trình hưởng ứng; trong đó, 9 chương trình chính là: Triển lãm hoa Đà Lạt và sinh vật cảnh, Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch 2013, Đêm phố Hòa Bình, Tọa đàm về hoa Đà Lạt và du lịch, Carnaval hoa Đà Lạt 2013, Triển lãm tour du lịch Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, Đêm nghệ thuật Tây Nguyên, Đêm hội 120 năm Đà Lạt và Đêm hội tụ sắc hoa Đà Lạt.
 
Ảnh: Thụy Trang
Ảnh: Thụy Trang
KHẮC DŨNG