Anh "Năm Chiến khu"

03:01, 05/01/2014

"Anh Năm Chiến khu" là tên thân mật bà con vùng sâu, vùng xa vẫn gọi anh K' Đêu - Phó Chủ tịch thường trực, Phó Bí thư Đảng Đoàn UBMTTQVN tỉnh...

Gần 50 năm theo cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác nhưng “Anh Năm Chiến khu” tên thân mật bà con vùng sâu, vùng xa vẫn gọi anh K’ Đêu - Phó Chủ tịch thường trực, Phó Bí thư Đảng Đoàn UBMTTQVN tỉnh như thế. Anh sống và làm việc rất có trách nhiệm, có tư duy sáng tạo và trở thành một người cán bộ DTTS mẫu mực, tiêu biểu của tỉnh.
 
Ông Đàm Xuân Đêu
Ông Đàm Xuân Đêu
 
CÁCH MẠNG SOI ĐƯỜNG TÔI ĐI
 
Hồi tưởng lại quãng thời thiếu niên, anh Năm Đêu (tên khai sinh: Đàm Xuân Đêu) tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình bần nông ở vùng núi sâu thuộc lòng hồ Hàm Thuận - Đa Mi ngày nay. Thời kỳ cuối năm 1959 - 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, gia đình tôi và cả các buôn trong vùng đều bị chúng đưa đi tập trung vào ấp chiến lược (khu Bắc Ruộng) thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Ở ấp chiến lược 3 tháng thì được cách mạng giải phóng, gia đình tôi và cả đồng bào sống trong Ấp chiến lược rất vui mừng trở về buôn cũ. Lúc ấy, nhà cửa, kho lúa, nương rẫy, trâu bò đều bị chúng đốt sạch, giết sạch và không thể trở lại buôn cũ sinh sống, nên phải sống trên núi cao. Cả vùng bị đói, sống chủ yếu dựa vào củ mài, củ chụp, lá bép, măng rừng, môn thục… đốt cỏ tranh lọc nước nấu canh thay muối để ăn. Vì đói nên mẹ tôi chết, trong khi đó anh tôi đang đi vào rừng sâu đào củ mài, hái lá bép rừng chưa kịp về. Lúc mẹ tôi chết cha tôi không có mặt, do khó khăn nên ông đã về gia đình gốc (theo chế độ mẫu hệ), bỏ lại 3 mẹ con. 
 
May sao, lúc đó cách mạng về, cán bộ người Kinh đến giúp bà con, anh trai đi bộ đội, rồi khi vừa đủ 12 - 13 tuổi anh Năm được làm giao liên cho cách mạng. Anh được bác “Năm Tố La” là cán bộ nằm vùng căn cứ ở buôn thương tình và dìu dắt, cùng dạy bà con cách đánh giặc, học cái chữ và từng bước phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Buôn làng từng bước đổi thay…
 
“ANH NĂM CHIẾN KHU” CÙNG DÂN HỌC CHỮ, LÀM KINH TẾ 
 
Vào khoảng năm 1966 - 1970, những đêm theo ông “Năm Tố La” học chữ cái a, b, c… rồi ghép vần lại, đèn thì đốt bằng nhựa thông, bút thì viết bằng than củi, giấy viết bằng tấm ván do đồng bào chẻ từ cây rừng. Ấy thế mà, cứ học thuộc 24 chữ cái trước, sau đó mới ghép vần, dần dà, bà con trong buôn đã biết cái chữ, trong đó có bản thân tôi (anh Năm), đó là một thành quả lớn lao của cách mạng, bởi lúc ấy cái ăn còn không có, huống chi phải học cái chữ, ai học được cái chữ là may mắn lắm…! 
 
Biết chữ, anh Năm được làm giao liên xã Đông, ngày ấy căn cứ kháng chiến được lập ở xã Đông, xã Bắc, xã Nam, xã Măng Tố… thuộc huyện K.5 tỉnh Lâm Đồng (cũ). Mỗi xã có 3, 4 thôn, từ buôn này sang buôn kia cách nhau từ 10 - 20 cây số, toàn đồi núi, sông suối. Làm giao liên vài tuần mới có thư viết tay, chủ yếu chuyển tin bằng truyền miệng. Thường có một tốp giao liên cùng hoạt động, những khi gặp biệt kích Mỹ, hoặc máy bay Mỹ, thậm chí cả thú rừng… cả nhóm giao liên đều chui vào hang đá, khe suối ẩn núp. Cái ăn chủ yếu là củ mài, củ chụp, củ mì, măng rừng, lá bép… nhưng những cậu bé giao liên ngày ấy đều dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ.Về sau, anh Năm cùng với bộ đội hướng dẫn bà con cách vót chông, đào hầm chống địch đi càn. Hướng dẫn bà con cách phát rẫy, đốt rẫy theo trình tự từ thấp đến cao để chống địch đổ quân bằng trực thăng vào mùa khô. 
 
Nhập ngũ ngày 23/6/1970 tại huyện đội K.5 tỉnh Lâm Đồng ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng với anh Năm lúc ấy người gầy nhom, bụng to óng, da nhăn đen xanh như da cóc do suy dinh dưỡng từ nhỏ. Anh Năm kể lúc đó được đơn vị giao cây sung K44, loại súng trường của Nga cao hơn đầu 20 phân, lại được lắp thêm nòng phụ để bắn AT tăng, phát 35 viên đạn, thêm 3 quả AT tăng để bắn tỉa bộ binh, đi bộ đội sau 2 năm mới có dép mang được cắt từ lốp xe. Nhiệm vụ chính của anh Năm lúc bấy gờ là bảo vệ vùng căn cứ, các cơ quan của Quân khu đóng trên địa bàn. Anh đã cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ trở về vùng căn cứ Gia Bắc - Di Linh ngày nay an toàn.
 
HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC PHỤC VỤ NHÂN DÂN 
 
Hòa bình lập lại, đất nước giải phòng, anh Năm được cử đi học bổ túc văn hóa, học Trường Tuyên huấn Trung ương III và trở về công tác tại huyện Đạ Huoai với chức vụ Trưởng Ban Tuyên Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, rồi Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Bí thư huyện, đại biểu HĐND tỉnh từ 1989 đến 1996, Phó và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh từ 1996 đến 2004 và từ 2004 đến nay làm Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực, là Tỉnh ủy viên từ 1991 đến 2010… Ở mọi cương vị công tác anh Năm đều rất có trách nhiệm, tận tâm với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân. Theo đánh giá của ông Phạm Kim Khang - UVBTV - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh: “Bản thân tôi và anh em trong cơ quan, trong khối Mặt trận đều phải học ở anh Năm rất nhiều, từ lĩnh vực Đảng Đoàn đến tinh thần tận tụy, trách nhiệm trong công tác. Với lối sống liêm khiết, giản dị, gần gũi, thái độ thắng thắn, trung thực anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nổi bật nhất là tinh thần tự học, tự khẳng định mình được anh quan tâm đầu tư nhiều nhất. Thậm chí đến bây giờ, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng anh vẫn đến cơ quan làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật khi cần xử lý công việc. Mặc dù tuổi khá cao, nhưng anh đã tự học công nghệ thông tin, nhiều năm gần đây đáp ứng yêu cầu công việc rất tốt, sử dụng thành thạo trên mạng điện tử, chỉnh sửa văn bản, báo cáo rất khoa học, kịp thời”.
 
Trong suốt quá trình công tác, Anh Năm Đêu tâm sự: muốn được lòng dân, cán bộ phải gần dân, thương dân, có trách nhiệm với công việc mình làm. Từ chỗ làm cho dân hiểu, dân tin rồi từ đó dân mới nghe, mới làm theo và mới dẫn đến thành công. Muốn thành công trước hết người cán bộ phải tự khẳng định được mình, cần chủ động, sáng tạo, tự học, tự tìm tòi để có cách làm hay, phù hợp với địa phương. Mặt khác, nhất thiết làm việc phải gắn với lợi ích tập thể, tinh thần tập thể. Dựa vào tập thể để tự rèn luyện phấn đấu bản thân, nếu ý thức kém sẽ không bao giờ hoàn thành nhiệm vụ, không bao giờ thành công…!
 
Với gần 50 năm theo cách mạng, luôn tận tâm, tận tụy, hết lòng vì nhân dân, “anh Năm Chiến khu” đã xứng đáng được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Huân chương Chiến sỹ giải phóng Hạng III, Huân chương Kháng chiến hạng III, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều huy chương, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, đoàn thể trao tặng; trở thành người cán bộ dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh qua nhiều giai đoạn.
 
NGUYỆT THU