Đào Nhật Tân trên đất B'Lao

04:01, 23/01/2014

Nếu mai vàng là "đặc sản" ngày tết của đất phương Nam, thì cây đào đỏ lại là niềm tự hào của những người dân phương Bắc mỗi dịp xuân sang. 

Nếu mai vàng là “đặc sản” ngày tết của đất phương Nam, thì cây đào đỏ lại là niềm tự hào của những người dân phương Bắc mỗi dịp xuân sang. Đây là sự “mặc định” của tự nhiên. Vì mỗi loài hoa có một đặc trưng riêng và chỉ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của một vùng miền. 
 
Anh Hồng chăm sóc những gốc đào
Anh Hồng chăm sóc những gốc đào
 
Thế nhưng, cách đây tròn 10 năm, anh Nguyễn Tiến Hồng, chủ nhân 1.500 gốc đào Nhật Tân ở TP Bảo Lộc, đã dám “cãi” lại quy luật tự nhiên ấy, bằng việc “bắt” những cây đào của đất Bắc nở hoa khoe sắc giữa trời Nam nắng nóng. “Mặc dù không phải người của Làng đào Nhật Tân (anh Nguyễn Tiến Hồng quê ở Gia Lâm - Hà Nội), nhưng tôi mê đào từ nhỏ. Tết năm nào cũng chọn mua một cành đào Nhật Tân về chưng. Ra tết, tôi mang gốc đào ra vườn trồng thử, không ngờ cây phát triển khá tốt và lại còn cho cả hoa. Từ đó, tôi mới nảy ra ý định trồng hẳn một vườn đào Nhật Tân trên đất B’Lao” - Anh Hồng chia sẻ. 
 
Tôi hiểu trong niềm suy nghĩ ấy, chính là nỗi tư hương, niềm hoài thức về cố xứ, chứ không đơn thuần chỉ vì “mê” đào. Năm 2003 là năm anh Nguyễn Tiến Hồng trồng thử nghiệm gốc đào Nhật Tân đầu tiên tại xứ trà B’Lao. Từ gốc đào thử nghiệm này, anh đã nhân lên 5 gốc, năm sau thành 30 gốc, năm tiếp theo 300 gốc và hiện nay là 1.500 gốc. “Mới đầu trồng, ai cũng gàn, bởi theo kinh nghiệm dân gian, vùng đất này chỉ phù hợp với cây chè, chứ việc “ép duyên” cây đào bén rễ trên đất B’Lao, từ trước tới giờ chưa có người trồng thử” - Anh Hồng chân tình. 
 
Dẫu biết vậy, nhưng Nguyễn Tiến Hồng vẫn nhất quyết trồng đào và khó khăn, thất bại là điều khó tránh khỏi đối với một người mới chập chững vào “nghề”. “Năm đầu tiên, tôi đã bỏ ra 150 triệu đồng mua phôi đào về làm giống. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, nên 2/3 số phôi đào giống đã chết sạch!” - Anh Nguyễn Tiến Hồng nhớ lại. Không nản lòng, anh Hồng tiếp tục đầu tư công sức, tiền bạc để học hỏi cách trồng, chăm sóc đào, qua các nghệ nhân trồng đào lão luyện ở Làng đào Nhật Tân (nghệ nhân Lê Hàm, anh Phương, anh Thắng, anh Hùng, anh Thiện) cũng như những người có kinh nghiệm trồng đào kinh doanh tại đất Lâm Đồng (anh Lâm - Lâm Hà, ông Phong - Đức Trọng) và tìm hiểu thêm về kỹ thuật thuần hóa đào, bằng cách cho đào Nhật Tân quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của B’Lao, rồi mới ghép cành nhằm tạo ra cây đào lai gốc khỏe. 3 năm sau, giống đào Nhật Tân đã trụ vững ở đất B’Lao. 
 
Có được thành công ban đầu, anh lại mày mò cách sửa tán, tạo dáng và “học lỏm” cả bí quyết “hãm đào” cho nở đúng vào dịp tết. Đến nay, có thể nói anh Hồng là người duy nhất ở Bảo Lộc muốn cho đào nở ngày nào thì đào sẽ nở ngày đó. Theo anh, đào Nhật Tân trồng ở đất B’Lao phát triển rất tốt, hầu như quanh năm cây đều cho cành lá xanh tươi và nở hoa lác đác. Tuy nhiên, nếu muốn đào nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán trong điều kiện thời tiết nắng nóng phương Nam thì lại là một kỳ công, đòi hỏi phải có kỹ thuật và cách chăm sóc đặc biệt. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, anh Hồng tung ra thị trường khoảng 200 gốc đào. Một gốc đào cho thuê có giá từ 700 đến 800 ngàn đồng. Nếu mua nguyên cây, giá dao động từ 5 - 7 triệu đồng. Còn những gốc đào ươm lâu năm, có dáng và thế đẹp, giá bán hơn 10 triệu đồng. 
 
Mới đây, anh Nguyễn Tiến Hồng đã ghép thành công giống đào Nhật Tân với gốc đào rừng của đất Lâm Đồng. Anh Hồng bảo: “Đấy là thành công nhất của tôi!”. Cũng theo anh, loại đào ghép mới này có bộ rễ rất khỏe, hoa đẹp, đều và trong thời gian tới, đây sẽ là giống chủ lực của vườn đào nhà anh. Nhìn cách anh Hồng tất bật cắt tỉa, chăm chút những gốc đào, tôi chợt nhớ đến ông bạn già của tôi ở Đà Lạt. Tết năm ngoái, tôi có ghé thăm ông và lấy làm lạ khi thấy ông chưng một gốc đào bích rất đẹp ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, với giá cả triệu đồng. Cho dù gia cảnh của ông khá chật vật và ông không phải là người yêu cây cảnh. Rồi như hiểu được sự thắc mắc của tôi, ông bạn phân trần: “Mình người làng Nhật Tân, ngày Tết không nhìn thấy cây đào trong nhà, nó cứ thế nào ấy!”. Thế rồi, chẳng quản ngại đường sá xa xôi, tuổi cao, sức yếu, ông bạn tôi đã lặn lội xuống tận Lâm Hà, nơi có người quê gốc Nhật Tân đang trồng đào, để chọn cho mình một gốc đào đẹp nhất, ưng ý nhất về chưng trong mấy ngày Tết. 
 
Hóa ra, trong bất cứ người dân miền Bắc nào xa quê, việc được ngắm nhìn những sắc đào tươi hồng, rạng ngời trong những ngày đầu năm không chỉ đơn thuần là nhìn ngắm mà còn để thấm thía nỗi nhớ quê hương da diết. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc), người mà tình cờ tôi gặp tại vườn đào của anh Hồng, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào tầm này, tôi lại đến đây mua một cành đào về thắp hương cúng tổ tiên và trang trí nhà cửa cho có không khí Tết”.
 
Tết Nguyên đán năm nay, một lần nữa, những cành đào danh tiếng của đất Nhật Tân lại nở hoa giữa trời Nam rực rỡ nắng vàng trong khu vườn rộng 6.000 m2 của một người nặng nợ với hoa đào ở vùng đất của xứ trà B’Lao.
 
TRỊNH CHU