Công nghệ thông tin góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

04:01, 14/01/2014

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Lâm Đồng những năm qua đã làm thay đổi cách thức điều hành quản lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng.

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Lâm Đồng những năm qua đã làm thay đổi cách thức điều hành quản lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng. Nhân dịp Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xoay quanh vấn đề này.
 
Ông Nguyễn Viết Vân
Ông Nguyễn Viết Vân
 
PV: Với vai trò là chủ trì triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, xin  ông cho biết những kết quả nổi bật thời gian gần đây?
 
Ông NGUYỄN VIẾT VÂN: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, sở đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, công tác chuyên môn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các lĩnh vực chuyên ngành đều có chuyển biến tích cực, phát triển đồng đều, đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương. Qua đánh giá chung, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, bằng sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được  giao. Nhìn lại thời gian qua, sở đã tiếp tục triển khai các chương trình, dự án và kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là việc xây dựng, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, đã tham mưu triển khai việc kết nối dùng chung hạ tầng ứng dụng CNTT giữa khối Đảng và chính quyền từ cấp tỉnh đến các xã, phường và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính của địa phương. Hoàn thành việc triển khai hệ thống Văn phòng điện tử đến các đơn vị, qua đó đã có 36 đơn vị cấp sở, ngành và UBND cấp huyện thuộc dự án đã triển khai xong nâng tổng số cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng Văn phòng điện tử lên 40 đơn vị. Cùng đó là hệ thống hội nghị trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang được lắp đặt tại 15 điểm cầu, bình quân mỗi năm tỉnh tổ chức 30 cuộc họp trực tuyến thông qua hệ thống này góp phần tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Bên cạnh đó, sở đã trình ban hành quy định gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, xây dựng và đã được cấp giấy chứng nhận thực hiện quy trình ISO được niêm yết công khai thủ tục hành chính của ngành. Hoàn tất hồ sơ, phương án đền bù giải phóng mặt bằng Khu CNTT tập trung, chuẩn bị các nội dung hợp tác, kêu gọi đầu tư vào Khu CNTT tập trung và các lĩnh vực khác. Đồng thời, sở lập và được phê duyệt dự toán, tổ chức triển khai đào tạo các lớp về an ninh mạng, mã nguồn mở và xây dựng phần mềm sao lưu (backup) dữ liệu, các lớp tin học nâng cao cho cán bộ công chức và doanh nghiệp... Triển khai chữ ký số dựa trên danh sách đăng ký sử dụng chữ ký số cho các cơ quan cấp tỉnh, huyện và mở rộng đối tượng đến cấp xã, phường. 
 
PV: Người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin ra sao trong thời gian qua, thưa ông? 
 
Ông NGUYỄN VIẾT VÂN: Sau 4 năm khai trương Cổng Thông tin điện tử Lâm Đồng đến nay có thể nói rằng cổng thông tin đảm bảo nhiệm vụ cập nhật kịp thời thông tin, tin tức về các chủ trương, chính sách, hoạt động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và tuyên truyền đậm nét các sự kiện nổi bật của tỉnh (cả nội dung tiếng Việt và tiếng Anh) đến người dân trong và ngoài nước. Đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin từ nội dung tổng quan đến các nội dung hướng dẫn thủ tục hành chính, văn bản pháp luật, dịch vụ công đăng ký cấp giấy phép trực tuyến trên nhiều lĩnh vực. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị khai thác, từng bước tiếp nhận các loại thông tin (không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước), xử lý, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh đến cơ sở và ngược lại đều được luân chuyển qua môi trường mạng và được bảo đảm an toàn thông tin. Hỗ trợ các đơn vị xây dựng quy trình quản trị, vận hành, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử, đến nay đã tích hợp được 32 Trang thông tin điện tử của các đơn vị cấp sở, huyện. Chỉ riêng năm 2013, Cổng Thông tin điện tử đã có gần 1,8 triệu lượt người truy cập đến từ 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sở cũng đã xây dựng dự án đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa; bàn giao máy tính và thiết bị thuộc dự án nâng cao năng lực truy cập internet cho cộng đồng. Đặc biệt, xây dựng dự án thành phố wifi tại Đà Lạt đưa vào sử dụng thử nghiệm trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2013. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý báo chí, sở cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng công tác giao ban, thực hiện tốt việc cung cấp và quản lý thông tin báo chí, xuất bản tại địa phương. Cũng cần nói rằng, thời gian qua mạng bưu chính viễn thông hoạt động ổn định, thông suốt, chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo phục vụ tốt thông tin liên lạc cho lãnh đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, đồng thời mở rộng mạng lưới và vùng phục vụ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cước sử dụng dịch vụ cho các chủ thuê bao điện thoại cố định khu vực 3 và hỗ trợ kinh phí duy trì các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích vẫn tiếp tục được thực hiện. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có các biện pháp ngăn chặn các trang thông tin điện tử và blog chống phá Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác quản lý sử dụng Internet trên địa bàn, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng Internet với mục đích xấu, sai quy định. 
 
PV: Từ các kết quả đạt được, phương hướng, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới?
 
Ông NGUYỄN VIẾT VÂN: Năm 2014 là năm có ý nghĩa rất quan trọng tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2011-2015) mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX đề ra. Vì vậy, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2014 đó là, củng cố và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các đơn vị được hoạt động, kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần đưa kinh tế Lâm Đồng phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng các chương trình nhằm xã hội hóa CNTT, tạo sự đột phá về ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Triển khai các bước tiếp theo của dự án xây dựng Khu CNTT tập trung tại Đà Lạt, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử, tiếp tục chủ động tham mưu trong công tác triển khai quy hoạch, dự án đầu tư ngành thông tin và truyền thông tạo nền tảng và cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành, tạo điều kiện cho công cuộc cải cách hành chính của tỉnh đạt kết quả tốt. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan có các biện pháp ngăn chặn các trang thông tin điện tử và blog chống phá Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác quản lý sử dụng Internet trên địa và kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng Internet với mục đích xấu, sai quy định. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề tài, sáng kiến phục vụ sản xuất, chủ động tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hội nhập, phát triển của ngành. 
 
PV: Xin cám ơn ông! 
 
XUÂN TRUNG