Trong hội nghị góp ý dự thảo một số kiến nghị đề xuất trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo cán bộ là người dân tộc trên địa bàn tỉnh chiều ngày 15/1 tại Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số hệ cử tuyển.
Trong hội nghị góp ý dự thảo một số kiến nghị đề xuất trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo cán bộ là người dân tộc trên địa bàn tỉnh chiều ngày 15/1 tại Hội trường Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số hệ cử tuyển.
Ông K’Mát - Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho rằng vấn đề đào tạo hợp lý các cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ tạo ra nhiều khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng của các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc. Hiện nay, cán bộ người dân tộc chủ yếu được đào tạo theo chế độ cử tuyển. Đầu vào của hình thức đào tạo này được lấy rất nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thì con số này gần 900 học sinh. Ngành đào tạo chủ yếu của lực lượng này là văn và sử, những ngành đã dư thừa trong khi các ngành cần thiết như nông nghiệp, luật, kinh tế… thì rất ít. Bên cạnh đó, tư tưởng của bà con là học về phải được đi làm cán bộ dẫn tới việc giải quyết đầu ra cho lượng học sinh này rất khó khăn. Ông K’Mát đề xuất nên đào tạo theo hướng tập trung dựa trên nhu cầu của địa phương, hạn chế về số lượng để đảm bảo chất lượng đào tạo. Cũng đề cập tới vấn đề này ông Bonyosoan - Phó Ban Dân tộc Tỉnh ủy cũng cho rằng việc đào tạo cán bộ theo hình thức cử tuyển còn nhiều bất cập cả đầu vào và đầu ra. Việc tuyển đầu vào hầu như không qua thi tuyển sàng lọc dẫn tới việc chất lượng sinh viên thấp. Ngành giáo dục và ngành y tế đã có đề nghị không đào tạo cán bộ cho hai ngành này theo hình thức cử tuyển để đảm bảo chất lượng cán bộ. Theo ông Bonyosoan nên lấy học sinh cử tuyển là những học sinh thi đại học nhưng không đậu vào chuyên ngành đã chọn, lấy theo hình thức từ trên xuống, số lượng vừa phải để đảm bảo chất lượng và có thể giải quyết việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp. Phó Ban Dân tộc Tỉnh ủy cho rằng các năm học tới đây có thể tỉnh nhà sẽ dư suất học sinh cử tuyển, tuy nhiên vẫn không nên chạy theo số lượng.
Một số ý kiến đóng góp khác cũng đáng lưu tâm như ý kiến của bà K’Gléo - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh và ông Păng Ting Uốk - Cán bộ dân tộc thiểu số đã nghỉ hưu đều cho rằng, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, lượng cán bộ là dân tộc thiểu số của Lâm Đồng là ít nhất, thậm chí càng về sau số lượng này càng giảm dần, nguyên nhân do đâu? Theo đánh giá của những đại biểu trên, việc tuyển dụng, đào tạo và cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh còn nhiều bất cập. Lượng cán bộ người dân tộc kế thừa ngày càng giảm dần. Bên cạnh những hạn chế, yếu kém, tự ti mang tính chủ quan của lực lượng này còn có tư tưởng ngại giao nhiệm vụ và không tin tưởng vào cán bộ người dân tộc. Bà Ka Lệ Hợp - đại diện cho lãnh đạo huyện Bảo Lâm khẳng định, cán bộ người dân tộc thiểu số luôn đủ niềm tin để làm việc và phục vụ cho Đảng và Nhà nước, dám nhìn thẳng vào sự thật mà làm việc. Ngược lại, họ cần được làm việc trong môi trường nhịp nhàng, hòa đồng và thông thoáng, có cơ hội làm việc, cọ xát nâng cao năng lực. Khi có cán bộ là người đồng bào, niềm tin của bà con sẽ tăng lên nhiều, khối đoàn kết được củng cố, hiệu quả công tác được đẩy mạnh. Vấn đề là sự hợp lý, chính xác trong các khâu tuyển dụng - đào tạo - sử dụng - cơ cấu.
Hầu hết lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ các huyện đều rất tâm huyết và trăn trở đối với công tác đào tạo và sử dụng cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài sự hình thành một cơ chế và những quy định hợp lý thì cần phải nhìn nhận một cách khách quan để có sự đánh giá chính xác nhất về chất lượng của đội ngũ cán bộ này để có phương án tuyển dụng, đào tạo và sử dụng hợp lý. Mặc dù Nhà nước đã tạo rất nhiều thuận lợi để phát triển lực lượng này, song để có sự gia tăng về cả số lượng và chất lượng, ngoài sự hợp lý của cơ chế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quan trọng hơn vẫn là sự cố gắng trau dồi trình độ cũng như ý thức tự vươn lên khẳng định mình của con em người dân tộc thiểu số.
Ngọc Ngà