Hành trình 60 mùa xuân…

02:01, 30/01/2014

Xuân này, "lục thập hoa giáp" lại quay vòng để tuổi 60 thêm những nụ cười mãn nguyện về hành trình cuộc đời, về quá trình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho đổi mới và dựng xây! Họ là những người cầm tinh "Giáp Ngọ" đã băng qua những chặng đường dài, dạn dày và "mã đáo thành công"…

Xuân này, “lục thập hoa giáp” lại quay vòng để tuổi 60 thêm những nụ cười mãn nguyện về hành trình cuộc đời, về quá trình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho đổi mới và dựng xây! Họ là những người cầm tinh “Giáp Ngọ” đã băng qua những chặng đường dài, dạn dày và “mã đáo thành công”…
 
Đại tá Nguyễn Đức Hiệp - UV BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Lâm Đồng: “Bước chân không mỏi về với buôn làng”
 
Đại  tá Nguyễn Đức Hiệp
Đại tá Nguyễn Đức Hiệp
Dù đã bước tới mùa xuân thứ sáu mươi của cuộc đời, sức đi của Đại tá Nguyễn Đức Hiệp vẫn được bạn bè, đồng đội “kính nể” bởi ông không nề hà và tranh thủ mọi thời gian để đến với những buôn làng vùng sâu, vùng xa nhất ở Nam Tây Nguyên. Ông đã gắn bó với rừng, với các phong tục tập quán, thông thạo ngôn ngữ và thấu hiểu cách sống, cách nghĩ của đồng bào. Mỗi lần tiếp xúc, không hề có khoảng cách của một “ông đại tá” với những người dân Tây Nguyên bao đời sống rắn rỏi trong nắng gió, ông trở thành “người nhà” của đông đảo bà con.
 
Bắt đầu làm nhiệm vụ của một trinh sát an ninh trên đất Lâm Đồng từ năm 1979, người con quê ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) có những năm tháng tuổi trẻ làm công tác bảo vệ chính trị, giữ gìn sự bình yên cho vùng đất đỏ bazan. Bám sát địa bàn, ông đã có nhiều chiến công trong quá trình đánh diệt Fulrô và giữ gìn trật tự thời kỳ “hậu Fulrô”. Thời gian sau đó, năng lực của ông còn thể hiện rõ nét khi tham gia công tác cùng Đoàn chuyên gia 179 trên đất bạn Campuchia. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Đức Hiệp trở lại Lâm Đồng, tiếp tục với nhiệm vụ bảo vệ chính trị, giữ trọng trách là Trưởng Công an Đà Lạt, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh từ năm 2010. Gánh vác trọng trách của người đứng đầu ngành công an tỉnh, với nghiệp vụ tinh thông, tinh thần làm việc quyết đoán, ông đã cùng với lực lượng cán bộ, chiến sỹ lập nhiều thành tích trên các mặt trận: An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng. Trong những năm qua, Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh ổn định nhất Tây Nguyên về mặt dân tộc và tôn giáo. Đồng thời cũng là địa phương được chọn để tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia và quốc tế, đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia đầu ngành; tổ chức rất nhiều lễ hội… Góp phần vào thành công đó, lực lượng công an đã lăn xả hết mình với nhiệm vụ để đem lại niềm vui thật trọn vẹn, xây dựng hình ảnh của một địa phương văn minh, nồng ấm và thân thiện, là điểm đến an toàn.
 
Trở lại với đời thường, người con đất Quảng có phong thái giản dị, vui vẻ và hòa đồng. Được đeo trên ngực áo ba tấm Huân chương Chiến công (trong đó, Huân chương Chiến công hạng Nhất vừa được trao cuối năm 2013), một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc… ông vẫn rất gần gũi, quan tâm đến cả những điều bình thường nhất. Tình cảm trân trọng và thương mến mà mọi người xung quanh luôn dành cho ông là điều đọng lại rất chân thành…
 
Ông Trần Mỹ Sơn - nguyên Giám đốc Viễn thông Lâm Đồng: Người lính thành công trên mặt trận công nghệ
 
Ông Trần Mỹ Sơn
Ông Trần Mỹ Sơn
Gặp ông một sáng đầu đông Đà Lạt. Ở tuổi 60, gương mặt ấy đã hằn nếp thời gian của một người đã bôn ba trên nhiều lĩnh vực nhưng phong thái vẫn rất quyết liệt và dứt khoát - phong cách của một con người chủ động và toát ra sự thẳng thắn của “dân kỹ thuật”. Người cựu chiến binh đang sống những ngày hạnh phúc bởi công trình mà ông và đội ngũ cộng sự ấp ủ hơn 20 năm đang phát huy tác dụng không chỉ ở Lâm Đồng mà đã được Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) lựa chọn để chuyển giao trên toàn quốc, đó là chương trình “Quản lý và điều hành tự động” viễn thông, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới và làm chủ bởi người Việt.
 
Trước đây, để điều hành và hoạt động mạng lưới viễn thông trên toàn tỉnh thì cần đến cả hệ thống nhân sự, việc ứng phó với các sự cố phải được trao đổi qua từng cấp bậc, làm tiêu tốn thời gian và công tác xử lý vì thế sẽ bị chậm lại. Nghiền ngẫm và xây dựng được chương trình mới, chương trình thành công đã làm thay đổi cả tư duy lẫn hành động của bộ máy viễn thông. Trong đó, khi có bất cứ sự cố nào xảy ra, ngay từ giây đầu tiên, hệ thống đã giao việc cho từng cấp, từ trưởng trạm đến phụ trách kỹ thuật của trung tâm, rồi đến các cấp bậc chuyên trách khác và giám đốc. Từ bất cứ đâu, người làm công tác quản lý đều có thể nắm bắt công việc và có những ứng xử cần thiết, phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Với thành công này, ông như trẻ lại, rong ruổi đến các vùng miền để chuyển giao kỹ thuật. Viễn thông Lâm Đồng được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trong ứng dụng công nghệ thông tin của cả nước.
 
Nhìn lại hành trình của mình, ông mãn nguyện vì đã gắn bó với sự phát triển của Đà Lạt. Từ năm 14 tuổi, Trần Mỹ Sơn vào rừng hoạt động cách mạng tại các vùng rừng núi của tỉnh Tuyên Đức cũ, trở thành điện báo viên. Đến ngày giải phóng, anh điện báo viên ấy quyết định học bổ túc văn hóa rồi vào đại học theo đuổi ngành vô tuyến điện. Từ công tác kỹ thuật, ông trở thành người làm công tác quản lý và là Giám đốc Viễn thông Lâm Đồng từ năm 2008 (khi Viễn thông tách khỏi Bưu điện). Trong những năm đầu, Giám đốc Trần Mỹ Sơn tập trung vào việc kinh doanh để xây dựng tiềm lực doanh nghiệp, những năm về sau, khi đã tạo công ăn việc làm và xây dựng VNPT Lâm Đồng vững mạnh, niềm đam mê kỹ thuật lại bùng lên cháy bỏng và ông có nhiều điều kiện nghiên cứu các công trình của một người làm khoa học. 
 
Ngoài việc cống hiến cho ngành Viễn thông, ông Trần Mỹ Sơn còn tham gia thực hiện các công trình khác để xây dựng một số lĩnh vực như: thực hiện sổ liên lạc điện tử VNPT School cùng ngành Giáo dục, xây dựng hệ thống quản lý thông tin nông nghiệp hỗ trợ nông dân với Hội Nông dân… Về hưu cuối năm 2013 khi vừa trọn hành trình 60 năm cuộc đời nhưng với ông, chặng đường phía trước còn khá nhiều dự định để khai thác sự vô cùng của công nghệ…
 
Ông Thái Khắc Ngọ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng: “Về đích” với doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm
 
Ông Thái Khắc Ngọ
Ông Thái Khắc Ngọ
Là dân kinh tế, ông cho rằng mệnh “Giáp Ngọ” đã vận vào mình bởi đã băng qua khá nhiều thử thách, kiên trì để vượt qua từng “chướng ngại vật” rồi đến thành công. Sinh ra tại Đà Lạt trong một gia đình làm nông nghiệp, bởi gia cảnh quá khó khăn bộn bề mà ngay tờ giấy khai sinh của ông cũng đã đăng ký muộn màng. Từ nhỏ, ông vừa đi học vừa đi làm thuê cho các vựa rau lớn nhỏ để có tiền trang trải. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp lớp 12, chàng thanh niên Thái Khắc Ngọ học sơ cấp kế toán rồi vào làm tại Ty Tài chính Lâm Đồng (nay là Sở Tài Chính). Sau khi tiếp tục học Đại học Tài chính - Kế toán TPHCM, ông tiếp tục về công tác tại đơn vị cũ và đến năm 1988 được điều động về làm Trưởng phòng Tài chính huyện Đạ Huoai - lúc đó vừa mới tách huyện với bao khó khăn bộn bề cả về cơ sở vật chất và con người. Những bài toán về thu - chi ngân sách tại cơ sở đã tôi luyện người cán bộ tài chính trưởng thành hơn, gắn bó hơn với cơ sở. Để rồi trong những chặng đường tiếp theo, ông tiếp tục làm công tác quản lý ngành tài chính của tỉnh và chính thức đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty Xổ số Kiến thiết từ năm 2004.
 
Nhận nhiệm vụ và kế thừa những người tiền nhiệm, yêu cầu về việc phát triển thị trường đối với vé số Lâm Đồng lúc ấy là bức bách. Tỷ lệ tiêu thụ vé số lúc đó chỉ khoảng 20% trên tổng số vé được in ra, mức doanh thu mới đạt 300 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách mỗi năm 100 tỷ đồng. Để “cán mốc” 500 tỷ đồng mỗi năm, ông cùng lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc quyết tâm xốc lại đội ngũ đại lý trụ cột, làm tốt công tác thị trường để có thể chen chân vào từng mảng thị trường mà các công ty đi trước của khu vực xổ số miền Nam gần như đã phủ sóng dày đặc. Với quyết tâm đó, từ lãnh đạo đến nhân viên đều triền miên với những chuyến công tác khắp 21 tỉnh, thành phố phía Nam để giới thiệu vé số của cao nguyên Đà Lạt - Lâm Đồng. Những chỉ tiêu táo bạo như: doanh thu tiêu thụ vé, nộp ngân sách hàng năm tăng khoảng từ 15% đến 18%, sau 10 năm công ty phải nâng cao được sức cạnh tranh và rút ngắn khoảng cách với các công ty vé số lớn trong khu vực… đã được từng bước thực hiện và thực hiện thành công. Đến nay, Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng đã là thành viên của Câu lạc bộ các doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm và được xếp vào nửa top đầu của 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Doanh thu năm 2013 là trên 1.340 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 381 tỷ đồng (là nguồn thu ngân sách ổn định và đạt tỷ lệ cao nhất trong các nguồn thu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh). Thành công trên thương trường nhưng ông và lãnh đạo công ty luôn song hành cùng những chuyến công tác xã hội, tài trợ cho nhiều giải thể thao của tỉnh… để trọn vẹn tấm lòng của doanh nghiệp, doanh nhân.
 
Hải Yến