Quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam

03:01, 09/01/2014

Sự ra đời và hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam trong 10 năm qua đã đáp ứng được sự mong đợi của gần 5 triệu nạn nhân da cam Việt Nam sau gần 30 năm chiến tranh chống Mỹ kết thúc.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/1/2004 theo Quyết định số 84/2003 /QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội. Ngày 6/12/2008, Đại hội lần thứ II đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Rinh - nguyên UVBCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội nhiệm kỳ 2008-2013. Ngày 20/12/2013, Đại hội lần thứ III đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Rinh được tái cử giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội nhiệm kỳ 2013-2018.
 
Đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam. Ảnh internet
Đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam. Ảnh internet
 
Sự ra đời và hoạt động của Hội trong 10 năm qua đã đáp ứng được sự mong đợi của gần 5 triệu nạn nhân da cam Việt Nam sau gần 30 năm chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Tuy còn non trẻ so với nhiều hội xã hội khác, nhưng trong 10 năm qua, với sự nỗ lực chủ quan của mình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/di-ô-xin Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, tập trung thực hiện có kết quả chức năng - nhiệm vụ chủ yếu của mình, đó là chăm sóc - giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam. Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình nghiên cứu khoa học, Hội thảo quốc gia và quốc tế; chương trình tẩy rửa các điểm nóng về chất độc hóa học, cấp bảo hiểm y tế, học bổng, làm mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà, hỗ trợ tìm việc làm, giúp cho hơn 200 ngàn nạn nhân chữa bệnh; miễn thuế cho nạn nhân sử dụng đất phi nông nghiệp; hàng năm Nhà nước đã chi 50 triệu USD chi trả trợ cấp cho nạn nhân, chưa kể sự giúp đỡ của toàn xã hội trong các dịp lễ, tết và ngày 27/7, 10/8 hàng năm mà các cấp Hội đã vận động, quyên góp xây dựng 22 trung tâm chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho hàng ngàn nạn nhân da cam trong cả nước. 
 
Những chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết căn bản thảm họa chất độc hóa học của Mỹ sau chiến tranh Việt Nam mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, không những góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp sức niềm tin - khát vọng cho nạn nhân da cam mà còn có ý nghĩa động viên, nuôi dưỡng ý chí cách mạng cho lớp lớp người trẻ tuổi hôm nay noi gương lớp người đi trước: “Sẵn sàng cống hiến, hy sinh tuổi xuân khi Tổ quốc cần”; vun đắp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,“Thương người như thể thương thân” của dân tộc ngày càng thêm phong phú.
 
Song song với việc chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân da cam, cuộc đấu tranh đòi công lý cũng được Hội kiên trì thực hiện và đã giành được những thắng lợi bước đầu. Được thành lập 10/1/2004 thì ngày 30/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ di-ô-xin Việt Nam đã gửi đơn kiện tại Tòa án sơ thẩm quận Brooklyn bang New Yok, Hoa Kỳ, kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất hóa chất độc và cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam những năm 1961 - 1971. Trong hơn 5 năm (2004-2009), qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ qua giai đoạn tiền xét xử và Tòa phúc thẩm. Tòa án tối cao đã từ chối thụ lý vụ kiện của nạn nhân da cam Việt Nam. Sau khi Tòa án Hoa Kỳ từ chối thụ lý vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế về CĐDC đã được tổ chức tại Paris (Pháp) từ ngày 15 đến 16/5/2009. Dựa trên các điều luật quốc tế, Tòa khẳng định việc sử dụng diôxin là một tội ác chiến tranh chống loài người. Tòa phán quyết: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất diôxin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp CĐDC phải bồi thường toàn bộ cho các NNCĐDC và gia đình họ, phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt là các “điểm nóng” xung quanh các căn cứ quân sự cũ của quân đội Mỹ. 
 
Việc Tòa án Mỹ từ chối thụ lý đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không chấm dứt cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ. Thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu; Tư cách pháp lý của nguyên đơn da cam Việt Nam (VAVA) được Tòa án Mỹ thừa nhận; Lý do khởi kiện không bị bác bỏ. Đây là những tiền lệ tư pháp để các nguyên đơn Việt Nam có thể tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng để đòi công lý cho nạn nhân da cam tại Mỹ.
 
Vì nhiều lý do chính trị, pháp lý, kinh tế… mà chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ không dám công khai thừa nhận trách nhiệm pháp lý của họ. Nhưng trên thực tế chính giới Mỹ đã có những động thái chuyển biến bước đầu. Trước năm 2000, Mỹ lảng tránh trách nhiệm về việc họ sử dụng chất độc hóa học trong đó có chất diôxin ở Việt Nam. Tháng 11/2006, Hội nghị APEC, Việt Nam - Hoa Kỳ ra tuyên bố chung khẳng định “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”. Tháng 2/2007, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam họp báo thừa nhận có nhiễm độc diôxin tại sân bay Đà Nẵng. Từ năm 2007-2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Năm 2011, Chính phủ Mỹ thông qua khoản tài trợ 34 triệu USD để tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Tuy Hoa Kỳ đã có chuyển biến trong nhìn nhận, đánh giá về hậu quả của cuộc chiến tranh và tham gia khắc phục chất độc da cam. Song, còn quá nhỏ bé so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Vấn đề chất độc da cam không chỉ là vấn đề của riêng các nạn nhân da cam Việt Nam, cũng không chỉ là vấn đề khoa học, pháp lý mà còn là vấn đề mang tính chính trị, nhân đạo và sự sinh tồn của nhân loại. Vì vậy, cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam vẫn còn tiếp diễn.
 
NGUYỄN KIM BIÊN
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin Lâm Đồng