Nghệ nhân "đất võ" 5 lần có mặt tại Festival Hoa Đà Lạt

04:01, 08/01/2014

Tình cờ ghé vào gian triển lãm hoa và sinh vật cảnh của huyện Tây Sơn (Bình Định) trong khuôn viên vườn hoa TP. Đà Lạt trong những ngày diễn ra Festival Hoa lần thứ V, tôi đã gặp một nghệ nhân miền đất võ mà dường như cả cuộc đời ông đã gắn liền với bonsai, cây cảnh - một thú chơi tao nhã…

Tình cờ ghé vào gian triển lãm hoa và sinh vật cảnh của huyện Tây Sơn (Bình Định) trong khuôn viên vườn hoa TP. Đà Lạt trong những ngày diễn ra Festival Hoa lần thứ V, tôi đã gặp một nghệ nhân miền đất võ mà dường như cả cuộc đời ông đã gắn liền với bonsai, cây cảnh - một thú chơi tao nhã…
 
Nghệ nhân Tạ Văn Đễ bên gốc me hơn 200 tuổi
Nghệ nhân Tạ Văn Đễ bên gốc me hơn 200 tuổi
 
Từ niềm đam mê
 
Dù có vóc dáng to khỏe của một võ sư nhưng trông gương mặt rất hiền và từ tốn, nghệ nhân bonsai, cây cảnh Tạ Văn Đễ cùng mấy người bạn chào đón tôi với tình “đồng hương” chân chất của người “xứ nẩu”. Dường như quá quen với các chuyến tham gia triển lãm khắp nước của hơn 30 năm trong “làng” chơi bon sai, cây cảnh và vừa đạt một số giải thưởng của Ban tổ chức Festival Hoa - Đà Lạt trao tặng nên người đàn ông 57 tuổi này cứ tươi cười khi tiếp chuyện tôi. Anh Đễ cho biết, huyện Tây Sơn - ngoài miền đất võ, còn có truyền thống lâu đời nghề bonsai và cây cảnh của tỉnh Bình Định. Gần như tất cả các xã trong huyện đều đam mê và theo đuổi nghề này (dù vẫn biết lắm gian nan, tốn kém tiền của, thời gian, công sức…). 
 
Ông Đễ kể lại: khi còn là chàng trai chưa đầy 20 tuổi, ông đã “mê” bonsai, cây cảnh và tháng ngày lặng lẽ theo các cụ cao niên trong vùng “tập tò” học hỏi để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm… Những tưởng với niềm đam mê và có năng khiếu, sáng dạ sẽ rất thuận lợi để ông đến với nghề truyền thống của quê hương. Nhưng rồi, biên giới Tây Nam vang tiếng súng, ông Đễ đã “gác” lại dự định lên đường thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự đối với đất nước. Ông tham gia chiến trường K chiến đấu ở biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia từ năm 1978 - 1982. 
 
Giải ngũ, ông Đễ trở về địa phương lập gia đình và bắt đầu “nối lại” ước mơ bị gián đoạn. Để có kiến thức bài bản, ông tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về trồng, chọn cây, tạo dáng, cắt tỉa cành, chăm sóc… bonsai, cây cảnh. Ông cho biết, phần lớn “nguyên liệu” để tạo ra những tác phẩm bonsai trong những năm trước đó chủ yếu sưu tầm từ trong rừng, ở các khe suối, hang đá… hoặc trao đổi với nhau. Bí quyết của nghề là biết góp nhặt, tạo dáng biến những gốc cây, thân cây, hòn đá… ngoài tự nhiên theo ý tưởng của người nghệ nhân, rồi thổi hồn vào nó để tạo thành tác phẩm nghệ thuật có chủ đề và sống động.
 
Cứ vậy, suốt hơn 30 năm lặng lẽ tìm tòi, học hỏi qua sách vở, tài liệu, qua bạn bè và đi nhiều nơi để sưu tầm, góp nhặt, rồi cần mẫn chăm chút cho từng cành cây, mắt lá, dáng, thế… cho từng tác phẩm; đến nay bộ sưu tập của nghệ nhân đã có trên 200 giống, loài. Trong đó, có một số tác phẩm rất có giá trị như gốc me trên 200 năm tuổi triển lãm nhiều nơi trong nước và đạt nhiều giải thưởng cao… Hiện nay, các tác phẩm được bố trí trong khuôn viên gia đình rộng 3 ha, nghệ nhân còn gởi trưng bày và chăm sóc tại 5 xã của huyện Tây Sơn. Nhẩm tính, bộ sưu tập giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Mỗi năm, trừ chi phí công cán, ông thu nhập từ bonsai, cây cảnh trên 1 tỷ đồng. 
 
5 lần tham gia Festival Hoa - Đà Lạt
 
Sau hơn 10 năm thành công và trở thành nghệ nhân nổi tiếng trong “Làng” bonsai, cây cảnh ở Bình Định, năm 1992 Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định thành lập, nghệ nhân Tạ Văn Đễ là thành viên sáng lập và tham gia rất tích cực các hoạt động của Hội. Hiện nay, nghệ nhân là Ủy viên BCH Hội Sinh vật cảnh huyện Tây Sơn. Hơn 20 năm tham gia sinh hoạt trong Hội Sinh vật cảnh, nghệ nhân Tạ Văn Đễ đã có mặt hầu hết trong các đợt tham gia triển lãm sinh vật cảnh lớn, nhỏ tổ chức ở các tỉnh, thành trong cả... Đặc biệt, trong 5 lần tổ chức Festival Hoa - Đà Lạt, nghệ nhân đều tham gia những tác phẩm triển lãm rất ấn tượng.
 
Tại triển lãm Hoa và Sinh vật cảnh vừa diễn ra tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định tham gia 2 gian hàng trưng bày; trong đó, gian trưng bày của một nhóm gồm 6 nghệ nhân huyện Tây Sơn với 40 tác phẩm (riêng nghệ nhân Đễ có 10 tác phẩm). Qua chấm chọn của Ban tổ chức, ngoài 2 gian trưng bày của Bình Định đều đạt giải Gian hàng đẹp, Hội Sinh vật cảnh Tây Sơn do nghệ nhân Tạ Văn Đễ dẫn đầu còn đạt 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng và 1 giải khuyến khích.
 
THANH DƯƠNG HỒNG