Nhớ rau Đà Lạt trên tàu

02:01, 26/01/2014

Tàu HQ936 đưa chúng tôi đi Trường Sa dạo ấy ngoài việc thay quân còn làm nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm và nước ngọt cho bộ đội và cho cả những con tàu khác cùng hành trình. Chuyến đi Trường Sa cuối năm đầy bão tố...

Tàu HQ936 đưa chúng tôi đi Trường Sa dạo ấy ngoài việc thay quân còn làm nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm và nước ngọt cho bộ đội và cho cả những con tàu khác cùng hành trình. Chuyến đi Trường Sa cuối năm đầy bão tố. Lịch trình lúc đầu đưa ra chỉ 25 ngày vừa đi vừa về nhưng HQ936 phải mất đến hơn tháng quần thảo giữa biển Đông mới hoàn thành chuyến đi một cách đầy gian nan, vất vả. Bởi chuyến đi kéo dài hơn dự kiến đến cả tuần nên nhiều người tỏ ra sốt ruột: Có thể lương thực, thực phẩm và cả nước ngọt sẽ thiếu hụt! Đặc biệt là rau xanh, có thể sẽ hết trong ngày một ngày hai tới đây. Nhưng, một chàng lính hải quân “rành” con tàu HQ936 thì bảo: “Các bác khỏi lo! Đây là con tàu tiếp tế cho những con tàu khác mà! Hơn tháng chứ cả hai tháng cũng không thể hết cái để ăn được đâu!”. Nói rồi, anh chàng bỗng hạ giọng: “Chỉ riêng rau xanh là thiếu! Rau vừa có số lượng quá khiêm tốn, vừa bị hư hao vì nắng nóng. Rau Đà Lạt mà...”. 
 
Tác giả (cầm đàn) cùng chiến sỹ Hải quân
Tác giả (cầm đàn) cùng chiến sỹ Hải quân
 
Nghe anh lính hải quân bảo “rau Đà Lạt mà” nên lát sau, tôi có mặt ngay trên boong đuôi tàu, nơi mấy anh lính hậu cần đang làm bếp cho bữa cơm chiều. Chiều khá muộn rồi mà trên đầu nắng vẫn đang đổ lửa. Bên mạn tàu, những con sóng bạc đầu ầm ào vỗ tung bọt nước bỏng mặn màu nắng cháy giữa trùng khơi. Mấy anh lính nuôi quân cởi trần phơi những tấm lưng to bè và những dòng mồ hôi ròng ròng kết hạt trắng hều trên da thịt. Mấy chảo cơm to đùng bốc khói nghi ngút trên bếp gas. Trên một bếp gas khác là chảo nước to cứ như là... chứa được cả đại dương vừa được bắc lên. Con tàu lắc lư, chao đảo. Chảo nước cũng rung lắc chao nghiêng đến mức tràn cả nước ra ngoài. Trong khi chờ nước sôi, hai anh lính hậu cần bước ra phía bên ngoài và cầm lấy con dao. Một giỏ cà xé rau sú tủ đậy khá kỹ ở bên trong mái che được kéo ra. Chúng tôi quan sát kỹ: Lật tấm che lên, thấy vài chiếc lá sú bám theo, anh lính hải quân đặt con dao xuống sàn và cẩn thận gỡ ra cho bằng hết. “Nó không được bỏ đi đâu cả! Thế là phí phạm!” - một trong hai anh lính hải quân hậu cần nói khi thấy tôi “dán” mắt vào mấy lá sú. “Rau Đà Lạt đấy, bác ạ!” - anh chàng lại lên tiếng. Gỡ xong mấy lá sú, anh lính thận trọng nâng vài trái sú từ trong giỏ cà xé đặt ra rổ. Tiếp đến, anh nhặt trái sú lên nâng ngang tầm mắt và đưa con dao ghé vào gọt thật nhẹ những chỗ mềm nhũn, chỉ những chỗ thật mềm nhũn mà thôi. Vừa quăng chỗ sú nhũn ra ngoài, anh chàng vừa nói: “Phí thật đấy bác ạ! Tàu đi đã hơn hai mươi ngày rồi nên sú nó mới như thế này. Còn không, ta dùng tất, chả bỏ tí nào cả!”. Xong, giờ là đến lúc thái sú. Thật không thể tưởng tượng nổi: Con dao không đến mức sắc lém lẹm nhưng bàn tay của anh chàng hậu cần điêu luyện đến mức thái trái sú thành những cọng không thể mỏng mảnh hơn thế được nữa! Rau Đà Lạt trên tàu được dùng đến mức tiết kiệm tối đa, đến mức không thể tiết kiệm hơn! Đến bữa, chúng tôi nhìn vào thau canh: Những cọng sú Đà Lạt đã chín và đã nở ra nhưng nó không khác nào những sợi tóc nổi lềnh bềnh trên nước. Và hơn thế, vào mấy ngày cuối của chuyến đi, bữa cơm của chúng tôi trên tàu không còn chậu canh như trước. Bởi đơn giản một điều là trên chiếc tàu “lương thực, thực phẩm” HQ936 ấy không còn trái sú Đà Lạt nào! 
 
Sống ở Đà Lạt mấy chục năm, thỉnh thoảng tôi lại chứng kiến cảnh nhà vườn Đà Lạt chất đống rau ngay trên ruộng rồi cày dập làm phân xanh cho đất. Ấy là những khi rau Đà Lạt ế ẩm...
 
Khắc Dũng