(LĐ online) - Theo kế hoạch các đoàn liên ngành Trung ương và địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.
*Đặt mục tiêu 3 giảm: giảm số vụ, số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm
(LĐ online) - Ngày 2/1/2014, Hội nghị trực tuyến triển khai công tác an toàn thực phẩm năm 2014 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Tại đầu cầu Lâm Đồng, đồng chí Đoàn Văn Việt – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đây là năm thứ hai cả nước phát động Tháng cao điểm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội, từ ngày 25/12/2013 -25/2/2014. Theo kế hoạch các đoàn liên ngành Trung ương và địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm qua thanh kiểm tra. Tập trung vào 3 nhóm: Thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả…); nhóm rượu, bánh kẹo; nhóm phụ gia thực phẩm.
Năm 2013, cả nước xảy ra 163 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.348 người mắc và 28 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngộ độc do rượu làm 14 người tử vong.Ước tính trung bình mức tiêu thụ bia rượu của người dân trong nước đáng báo động: 5 lít rượu và 20 lít bia/người.
Tỉ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm giảm từ 21,2 (năm 2012) xuống 20,1% (năm 2013). Số mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8% (năm 2013). Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết.
Tại hội nghị, Bộ Y tế đưa ra 2 kiến nghị: Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng đề án điểm về thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm và quy hoạch lại hệ thống kiểm nghiệm.
Riêng đối với Lâm Đồng, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm năm 2014, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND các cấp huyện – thành phố, xã – phường – thị trấn. Trong năm 2013, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 70 người mắc, 1 ca tử vong.
333 đoàn thanh kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm tuyến tỉnh và huyện, thành phố đã tiến hành thanh kiểm tra 13.653 cơ sở, có 8.906 cơ sở đạt và 3.747 cơ sở vi phạm, xử lý 1.977 cơ sở. Giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm với 411 mẫu, có 103 mẫu không đạt.
Để đạt mục tiêu 3 giảm: giảm số vụ mắc, số người mắc và tử vong liên quan đến thực phẩm, các hoạt động thanh kiểm tra đã góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm.
DIỆU HIỀN