Quản lý chặt dư lượng thuốc BVTV trên cây rau

03:01, 19/01/2014

Quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản nói chung và trên cây rau nói riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục BVTV Lâm Đồng trong thời gian qua.

Quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản nói chung và trên cây rau nói riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục BVTV Lâm Đồng trong thời gian qua. Đặc biệt, triển khai chương trình dự án Cạnh tranh nông nghiệp, năm 2013 vừa qua, công tác quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây rau đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
 
Nhận thức của nông dân được nâng cao
 
Kết quả quản lý dư lượng thuốc BVTV trên cây rau trong năm 2013 của Chi cục BVTV Lâm Đồng được thể hiện rõ trên các mặt: Lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV; thực hiện kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản; kiểm tra định kỳ hằng tháng về tình hình dư lượng thuốc BVTV đối với các cơ sở tham gia chuỗi rau an toàn; thực hiện giám sát theo chương trình dự án Cạnh tranh nông nghiệp... Từ kết quả này, có thể đưa ra nhận định: Nông dân trồng rau trong tỉnh Lâm Đồng đã ngày càng chủ động hơn trong việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV đối với sản phẩm của mình làm ra trước khi sản phẩm đó được đưa ra tiêu thụ ở thị trường.
 
Trong năm 2013, trên địa bàn hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng cùng với Đà Lạt đã có 400 hộ nông dân được Chi cục BVTV đưa vào diện được điều tra để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV theo chương trình của dự án Cạnh tranh nông nghiệp. Theo đó, có gần 80ha rau của 400 hộ nông dân này được kiểm soát và 8 loại rau và đặc sản nằm trong vùng thực hiện chương trình giám sát là cải bắp, cải thảo, hành lá, cà chua, đậu cove, ớt ngọt, khoai tây và dâu tây.
 
Từ kết qua kiểm tra, giám sát 400 hộ nông dân trồng rau và đặc sản nói trên, Chi cục BVTV Lâm Đồng đưa ra đánh giá: Việc hiểu biết của nông dân tham gia chương trình đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, nhà nông trong trồng rau và đặc sản đã tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” - đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng (nồng độ) và đúng cách. Ví dụ như về vấn đề “đúng thuốc”, kết quả kiểm tra cho thấy có 97,5% nông dân nhận dạng được các đối tượng dịch hại chính trên các loại cây trồng để lựa chọn thuốc trong phòng trừ; hơn 92% hộ nông dân có kiểm tra kỹ thuốc BVTV trước khi sử dụng; đồng thời, có 86,5% nông dân phun thuốc BVTV khi thấy sâu bệnh hại vừa xuất hiện (đúng lúc)...
 
Mặt hàng khoai tây là một trong những đối tượng được quản lý chặt về dư lượng thuốc BVTV của Chi cục BVTV Lâm Đồng
Mặt hàng khoai tây là một trong những đối tượng được quản lý chặt về dư lượng thuốc BVTV
của Chi cục BVTV Lâm Đồng
 
Kiểm soát chặt
 
Trong năm 2013 vừa qua, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã lấy 2.920 mẫu rau từ 27 chủng loại (trong đó có 8 chủng loại nằm trong chương trình dự án Cạnh tranh nông nghiệp) và đã đưa đi phân tích 2.800 mẫu cho kết quả: 96,93% mẫu đạt an toàn, chỉ còn 3,07% mẫu không an toàn. Như vậy, so với năm 2012, tỷ lệ mẫu không an toàn của năm 2013 đã giảm 1,84%. Phân theo nhóm đối tượng, mẫu tại các cơ sở tham gia chuỗi rau an toàn chiếm tỷ lệ mẫu không an toàn chỉ là 0,56%; trong khi đó, mẫu không an toàn ở hộ nông dân nói chung là 5,36%, ở các chợ đầu mối là 4,69% và tỷ lệ này ở các cơ sở khác là 1,21%. Phân theo sản phẩm, hành poireau chiếm tỷ lệ cao nhất - 5,88%, hành lá 5,80%; tiếp đến là dâu tây 4,86%, hành tây 3,6%, cần tây 3,33%, ớt ngọt 2,25%, đậu leo 2,14%, cải thảo 1,71% và cà chua là 1,18%. Cũng trong năm 2013, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã lấy 120 mẫu của 6 chủng loại rau gửi Trung tâm Phân tích thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân phân tích cho kết quả: 98,33% mẫu an toàn, chỉ có 1,67% mẫu vượt ngưỡng (hoạt chất cypermethrin có dư lượng vượt ngưỡng ở 2 mẫu hành lá). 
 
Cùng đó, định kỳ hằng tháng, Chi cục đã thực hiện tốt việc kiểm tra và lấy mẫu rau của 6 cơ sở tham gia chuỗi hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với TP HCM là Doanh nghiệp tư nhân Phú Sỹ Nông, trang trại Phong Thúy, HTX Xuân Hương, cơ sở kinh doanh rau quả Đức Thành, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào và HTX Thạnh Nghĩa. Cụ thể, Chi cục BVTV Lâm Đồng trong năm 2013 đã lấy 716 mẫu thuộc 9 loại sản phẩm rau củ ở 700 lô hàng (320 tấn) của 6 cơ sở này để phân tích nhanh dư lượng thuốc BVTV; kết quả là chỉ có 4 mẫu (chiếm 0,56%) không an toàn (trong đó gồm 2 mẫu hành poireau, 1 mẫu cải thảo và 1 mẫu cần tây). Trên cơ sở đó, Chi cục đã kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở này điều chỉnh quy trình sản xuất đối với 3 loại sản phẩm có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng đó. Đặc biệt, với những hộ nông dân thuộc vùng triển khai dự án Cạnh tranh nông nghiệp, kết quả của việc thực hiện giám sát dư lượng thuốc BVTV đã giúp cho các hộ nông dân tích cực hơn trong việc vận dụng những kiến thức về sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất; nhờ đó, tỷ lệ mẫu có dư lượng thuốc BVTV không an toàn đã giảm từ 5% năm 2012 xuống còn 3,07% năm 2013.
 
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận kể trên, vấn đề sản xuất rau an toàn nói chung và với những hộ nông dân tham gia chương trình dự án Cạnh tranh nông nghiệp nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định và đã được Chi cục BVTV Lâm Đồng thẳng thắn chỉ ra: Nhiều hộ nông dân vẫn tăng nồng độ và liều lượng thuốc BVTV khi sử dụng (62,5% số hộ); tỷ lệ hộ dùng thuốc BVTV ngoài danh mục trong sản xuất rau còn cao (22,2% - 37,5%); tuy đã qua tập huấn và được khuyến cáo về việc cần thiết cắm biển báo sau khi phun thuốc BVTV nhưng hầu hết các hộ nông dân chưa thực hiện...
 
KHẮC DŨNG