Tết Nguyên đán một nét văn hóa Việt Nam

03:01, 26/01/2014

Tết Nguyên đán từ cổ xưa đã thành nền nếp, mang bản sắc riêng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Từ ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu trời, người ta đã tưng bừng sắm sửa, chuẩn bị đón tết cổ truyền...

Tết Nguyên đán từ cổ xưa đã thành nền nếp, mang bản sắc riêng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Từ ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu trời, người ta đã tưng bừng sắm sửa, chuẩn bị đón tết cổ truyền. Chiều ngày 28 tháng Chạp, nhiều gia đình đi thăm mộ để tỏ lòng biết ơn và thương nhớ những người thân đã khuất. Ngày tết ở các chùa, đình làng và đôi khi ngay trước cửa nhà, người ta trồng một cây nêu cao vút. Cây nêu là một thân tre cao, trên có treo một ngọn cờ ngũ sắc tượng trưng cho Ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim tương ứng với trắng, mộc tương ứng xanh, thủy tương ứng đen, hỏa tương ứng đỏ, thổ tương ứng vàng). Xen kẽ giữa những dải lụa ngũ sắc là những chiếc khánh làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, kim loại, đất nung, sành), những chiếc khánh này gặp gió thổi thì đung đưa tạo nên tiếng lanh canh nghe rất vui tai. Cây nêu thường được dựng đến mùng 7 tết thì người ta làm lễ cúng trời đất, còn gọi là lễ Khai hạ và hạ nêu xuống. Lễ này chính thức chấm dứt tết.
 
Hoa mai đón tết - Ảnh: THANH TOÀN
Hoa mai đón tết - Ảnh: THANH TOÀN
 
Nói chung, Tết những năm xưa được gói gọn trong đôi câu đối:
 
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
 
Bánh chưng thường được gói trước tết vài ngày. Bên giếng làng, giếng nhà, bến sông, mọi người nhộn nhịp rửa lá, rửa thịt, đãi gạo đỗ. Đó là loại bánh không thể thiếu trong ba ngày tết có ý nghĩa biểu trưng cho cả bốn mùa, trời đất, âm dương ngũ hành. Đặc biệt là trên bàn thờ mỗi gia đình không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả có vị trí và ý nghĩa quan trọng nhất trong ngày Tết Nguyên đán Việt Nam. Mâm ngũ quả gồm năm loại quả có hạt, múi và hình dáng lạ, nói lên sự tái sinh và sinh sôi bất tử. Ngũ quả truyền thống gồm: quả Phật thủ có hình tượng bàn tay Phật, là sự tập trung tinh thần, sự chế ngự thiêng liêng; nải chuối tượng trưng cho sự vững chãi ổn định, nâng đỡ tất cả; quả bưởi là hình quả đất, là sự tròn đầy; quả hồng là sự tỏa sáng, cân bằng tinh thần; quả cam tượng trưng cho sự phồn sinh thực… Để tăng thêm tính thẩm mỹ, các loại quả thường còn giữ trên mình một cành nhỏ có chừng 1 hoặc 2 cánh lá. Sau này, người ta bày thêm vào mâm ngũ quả những loại quả khác sẵn có ở các địa phương như: cành táo, cành sung, vả, khế, ổi, quýt, dưa hấu… Mâm ngũ quả trở nên đầy đặn, phong phú mà nhiều màu sắc hơn. Mâm ngũ quả miền Nam có bày thêm mãng cầu (na), dứa, xoài… Mỗi loại quả đều có dáng vẻ và màu sắc riêng, nhưng khi hợp lại nó thể hiện sự cầu mong những điều tốt đẹp nhất của mỗi một gia đình Việt Nam trong năm mới. Trong khói hương ngào ngạt ngày tết, mâm ngũ quả đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ và trang nghiêm.
 
Chiều 30 tết, mọi việc như dọn dẹp bàn thờ, quét tước nhà cửa được hoàn tất cùng với việc chế biến xong các món ăn truyền thống ngày tết; trên bàn thờ có mâm ngũ quả, tùy theo cách chọn vị trí thích hợp, mỗi nhà đều chưng cành đào hoặc mai và một số loại hoa quý… cột nhà có đôi câu đối giấy đỏ chữ đen, dán tranh tết… Ngày tết là ngày tụ họp gia đình, những thành viên đi xa cũng cố gắng kịp trở về trước đêm giao thừa. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên ngày tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên. Từ đây cho đến hết tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết.
 
Trong buổi chiều tối 30 tết, cùng với việc chuẩn bị bữa cơm tất niên, đón giao thừa, người ta thường có lễ tắm tất niên bằng nước ấm có hương thơm của cành rau mùi hoặc hương nhu. Sau đó cả nhà quây quần sum họp bên mâm cơm tất niên. Đúng 12 giờ đêm là giờ Tý, mọi nhà trên khắp quê hương, đều đón mừng năm mới, thắp đèn hương cúng ông bà, ông vải, người thân đã khuất, ở ngoài sân cũng có bàn thờ cúng trời đất. Trong giờ khắc thiêng liêng, mọi người rủ nhau đi ra đường, có khi tới chùa, đình thắp hương nguyện cầu những điều tốt lành, có khi chỉ là đi dạo giữa thiên nhiên, cảnh vật đất trời để tận hưởng không khí xuân tươi mát. Đi ra khỏi nhà trong đêm giao thừa được gọi là đi “xuất hành”. Khi trở về nhà, người ta thường ngắt lấy một cành lá, một nhánh lộc nhỏ, tục lễ gọi là “hái lộc xuân”.
 
Sáng mùng Một, các chủ gia đình đến lễ tổ tại nhà thờ họ, “mừng tuổi” cho người trông nom nhà thờ họ. Trong các gia đình, con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc thọ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và trẻ nhỏ sẽ được nhận tiền lì xì và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt trong năm mới. Với bề dày văn hiến và bản sắc riêng của dân tộc, người Việt Nam còn có tục xin chữ trong những ngày đầu năm mới. Trong những ngày tết và những ngày sau đó, các ông đồ hay chữ, đức độ thường bày sẵn mực tàu giấy điều đỏ, mọi người tới xin ông viết cho những chữ có ý nghĩa như: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, An, Khánh, Cát tường, Như ý bằng những nét bút rồng bay phượng múa, ông đồ viết những bức thư pháp thiêng ấy để người xin chữ mang về để ở nơi trang trọng với bao hy vọng và mong ước tốt lành cho một năm mới đã về.
 
Chiều ngày mùng Ba tết, gia đình làm lễ tiễn tổ tiên trở về lại thế giới bên kia. Người ta sống rất “thiện”, lịch sự, lễ phép, tôn trọng trên dưới, vì tổ tiên, ông bà cũng cùng về dự tết với con cháu. Đó là cuộc sống vừa “tâm linh” vừa “thực tại”. Trong những ngày tết, người ta khuyên không đánh nhau, cãi nhau, xóa bỏ mọi hận thù, xích mích. Những người nghèo được bà con anh em xung quanh giúp đỡ để cũng có tết. Những người hành khất chỉ cần đứng gần cửa một gia đình rồi nói vài lời chúc tết may mắn là đã được mọi người trong gia đình mang ra cho bánh chưng, xôi, thịt. Vì thế “cực chẳng đã” mới có câu: “Nghèo đói chẳng lo ba ngày tết - giàu sang rộng mở tấm lòng thương”.
 
Ngày mùng Bảy tháng Giêng, là ngày hạ cây nêu, mọi người tụ tập gặp nhau ở các nơi như đền, chùa, đình, các bãi rộng là những nơi thường tổ chức những cuộc vui xuân, tế lễ, rước xách, hát chèo hoặc dân ca truyền thống từng vùng, miền, chơi đu tiên vv… Những ngày tết khép lại, đồng thời lại mở ra mùa lễ hội làng, chùa, đình tưng bừng kéo dài cả tháng sau đó.
 
Trong những ngày tết, người Việt sống với bốn chữ: Thiện, Khiết, Hòa, Vọng. Có nghĩa là: lương thiện, trong sạch, đẹp đẽ, hòa hợp và hy vọng. Người Việt Nam tin rằng những ngày tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Như vậy, Tết Nguyên đán là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
 
KIỀU THỊ NINH