Thiêng liêng, Tết Việt!

02:01, 16/01/2014

Trong khoảnh khắc chung riêng đầy cảm xúc của Mùa xuân Dân tộc, ít nhiều mỗi người trong chúng ta cũng luôn mong muốn mở lòng mình ra với mọi người, với vạn vật và với cõi đời ở chung quanh…

Trong khoảnh khắc chung riêng đầy cảm xúc của Mùa xuân Dân tộc, ít nhiều mỗi người trong chúng ta cũng luôn mong muốn mở lòng mình ra với mọi người, với vạn vật và với cõi đời ở chung quanh… Rồi mỗi cái Tết sẽ qua đi trong cuộc đời mỗi người như một dấu mốc riêng tư, nhưng đã có bao giờ chúng ta tự suy ngẫm về chính nét đẹp, nét hay của thời khắc tinh thần đang lần bước vào xuân này?!
 
Gói bánh chưng đón tết ở Trường Sa
Gói bánh chưng đón tết ở Trường Sa
 
Tết - đó là sản phẩm tinh thần rất riêng của người Á Đông trong đó có dân tộc Việt từ hằng bao đời nay. Trong cõi ta chung của đất trời hằng vĩnh và của nét đẹp văn hóa tinh thần được truyền tụng lại đã từ hằng bao thế hệ - cái tôi cá nhân của con người thật sự quá nhỏ bé trước cái chung giao hòa rộng lớn bao la của mùa xuân xứ sở… Tết Việt thiêng liêng cũng chính bởi vì như thế: Nơi vạn vật và tình thương yêu bao dung của con người đang tìm thấy tiếng nói đồng vọng chung; nơi mỗi cá thể trong toàn cộng đồng cùng chan hòa niềm vui chung trong thời khắc giao mùa thiêng liêng luôn báo hiệu một đổi thay mới, một hoài vọng mới. Người xưa nói: Tết nhất hay Tết nhứt có lẽ cũng không nằm ngoài ước vọng chung riêng đó. Bởi, khi một năm dầu dãi bôn ba cũng đã qua đi rồi, phải ưu tiên dành dụm tất cả những gì hay nhất - đẹp nhất - mới nhất - tốt lành nhất cho mình và cho mọi người ở xung quanh mình. Thế nên, phải lánh xa muộn phiền, phải tự gạt bỏ buồn đau tị hiềm hoặc những gì không hay không tốt đẹp… để đón đợi, để cầu chúc, để giao hòa và để chia sẻ cho nhau mọi điều an lành may mắn nhất. Người già - trẻ con bao giờ cũng là đối tượng ưu tiên đặc biệt nhất: Chúc phúc ông bà, sau là cha mẹ, kế là anh em… sống thọ, sống khỏe sống an vui cùng bầy cháu con; Chúc lớp lớp cháu con may mắn phát lộc phát tài, mau chóng thành đạt nên người để làm rạng rỡ tông gia. Đạo lý kính trên nhường dưới cũng nghĩa là như vậy - Tết chính là thời điểm đặc biệt nhất để mỗi chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng kính tri ân với tổ tiên - ông bà - cha mẹ - anh chị là những đại diện cho thế hệ tiền nhân đã gia ân sinh thành dưỡng dục và tạo tác ra chính chúng ta hôm nay. Đó cũng là thế hệ dưỡng nuôi cho ta biết bao nhiêu tinh hoa truyền đời mà bổn phận của ta là phải tiếp tục nâng niu gìn giữ và làm cho nó được dịp triển nở hơn lên. Tết - đó là dịp để trẻ con, những mầm non gia đình và xã hội được dịp nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích, được nhận nhiều sự chăm chút ưu tiên vì rồi ngày mai đây các cháu các em sẽ tiếp nối những chặng đường mới của cha mẹ - anh chị mình trong chức phận làm người đầy vinh hoa nhưng cũng đầy thử thách. Tết Việt là nét đẹp văn hóa được tích tụ từ nghìn đời xưa, được thể hiện sinh động qua nhiều mỹ tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chiều Ba Mươi Tết, đi xa mấy cũng về… Bận bịu bôn ba cách mấy thì ai nấy cũng phải cố thu xếp để trở về lo quét tước dọn dẹp cửa nhà, sắm sửa bàn cỗ mâm cơm tùy sức tùy tâm miễn là trang trọng để cúng tạ tiên tổ ông bà đã ra công phò trợ tinh thần giúp đỡ cháu con trên dưới thuận hòa làm ăn tấn tới, cửa nhà an vui êm ấm… Người thân trong một nhà một tộc có dịp quần tụ lại bên khói hương thiêng liêng thành kính dâng lên đấng tổ tông để rồi chén tạc chén thù chung chia nhau trong bữa cơm gia niên đặc biệt nhất trong năm. Con cái, cháu chắt buộc phải đi làm ăn nơi xa không được về hương khói cúng kiếng chiều Ba Mươi Tết thì lòng dạ cứ xốn xang chẳng yên, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ quê nhà đứt ruột… Tết Việt chứa đựng ở trong nó những giá trị tinh thần thiêng liêng đặc biệt mà không phải nơi đâu hay ở dân tộc nào trên Trái Đất này cũng có thể có được. So với nhiều dân tộc khác, người Việt quý trọng các giá trị tinh thần - tâm linh hơn là vật chất - mặc dù Tết nhứt có thể là dịp để sắm sửa vui chơi nhiều nhất trong năm; Nhiều nơi người ta cử nói gàn nói gở, cấm rầy la quở mắng trẻ con, cấm sát sinh, cố không va chạm với láng giềng xung quanh hay đánh đỗ bất cứ đồ vật gì trong nhà… Mặt khác, người Việt ý thức rất rõ sự bảo tồn các giá trị truyền thống của quê hương và gia đình (Như chấp hành tôn ti trật tự, trình tự thủ tục cúng lễ, sự nhường nhịn trên dưới - trong ngoài…). Thành ra khi ngẫm nghĩ lại câu ngạn ngữ rất quen thuộc Mồng Một - Tết Cha, Mồng Hai - Tết Mẹ, Mồng Ba - Tết Thầy… mới thấy cả một sự gói ghém đầy thâm thúy, dù Tết nhất thực sự cũng chỉ thu tóm trong dăm ba ngày đầu xuân. Chỉ có một dân tộc trọng sự thuận hòa hiếu nghĩa, biết sống đạo đức thủy chung với đấng sinh thành bảo bọc cưu mang và cả lớp người góp phần khai sáng văn hóa trí tuệ cho ta… mới tự xác lập nên một nét phong tục hay ho đến như thế! Thành thử ra đối với rất nhiều người con xa xứ, được trở về ăn tết tại quê hương mới thực sự là điều sung sướng nhất, vì chỉ có ở trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì ta mới thực sự được nếm trải dư vị ngọt bùi thiêng liêng riêng của tình cảm gia đình ruột thịt, tình nghĩa quê hương xóm giềng sâu sắc. Và lớn lao hơn tất thảy - đó là ý thức trọn vẹn về nét quí, nét thiêng của mùa xuân quê hương, của văn hóa dân tộc.
 
Dọc đường làm báo của riêng mình, chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ phỏng vấn khá nhiều người Việt xa xứ hay những con người vì công việc đặc biệt buộc phải ăn tết muộn hoặc thậm chí là không có tết… Hễ cứ nhắc tới gia đình người thân trong dịp tết hoặc ngay tới phút giao thừa… là y như rằng, họ lại bật trào cảm xúc, lắm người giả vờ cố lờ đi, cố quên đi nhưng trong cõi lòng thì nguôi làm sao cho được, chỉ vì Nhớ quá! Nhớ lắm!... Một lần đi công tác ở Malaisia, các công nhân nữ cứ xúm xít xung quanh nhóm nhà báo chúng tôi như bầy trẻ nhỏ đợi chung chia đòi quà. Chỉ cần biết đó là người ở Việt Nam sang, chả ngại ngần gì cứ tíu tít cả lên: “Cho chúng em gửi nhờ lá thư về nhà nha! Quê em ở xa, nhớ Tết, nhớ người thân lắm lắm!...”. Chuyến đi dài ngày trước dịp Tết, có người trong đoàn công tác Lâm Đồng mang theo ít bánh kẹo, hạt dưa… giờ giải lao ca làm việc ở một nhà máy lắp ráp điện tử nọ, tranh thủ nắm bắt hỏi thăm tình hình lao động, sẵn tiện móc ra mời các tốp thợ trẻ. Có người mếu máo: “Cho em thêm nhúm hạt dưa đỏ đi, nhớ xuân ở bên mình quá trời!”. Mới đây nhất, dọc hải trình công tác ở Trường Sa, dù ở điểm đảo nào cũng được đón được ăn tết sớm nhưng nhiều người lính khi nghe gợi ý (Anh muốn gửi gắm điều gì về cho người thân gia đình ngay lúc chờ đón xuân sang này vv…) thì dẫu thông điệp gửi gắm ngay sau đó có là gì thì cũng đều giống nhau ở một thanh âm nghèn nghẹn, như đang cố kìm nén lại… Lại nói về chuyến thực tế ở Singgapore và Malaisia cách đây vài năm, lúc đó cách Tết âm lịch không xa. Cảm động nhất là chuyện kể của mấy cô gái gốc miền Trung: Do điều kiện đặc thù ở xứ người, chi phí ăn ở mua sắm lại cao, các cô nhóm lại ở chung. Dò lại trên tờ lịch tường và trong sổ, biết ở quê nhà đã là 29-30 Tết âm lịch rồi. Vì khu trọ quy định rất nghiêm ngặt nên không thể cúng tất niên công khai, vài ba cô ra siêu thị của người Hoa sắm chút hoa quả bánh trái hương đèn gọi là… rồi về tự thắp lên trong phòng, một người đứng canh chừng ở phía ngoài cửa… Thủ tục vừa xong, phải đốt giấy vàng mã hương đèn và cất giấu thật gọn, thật nhanh xem như đã xong Lễ tất niên vậy. Tất cả đứng im lặng, mắt nhòm qua song cửa sổ dõi về phía xa xăm và tưởng tượng đâu đó cảnh trí ở quê nhà mà thầm thì khấn nguyện. Chỉ được chốc lát, có cô chịu không nổi sốc lên giường, đầu trùm kín chăn rồi rúc lên thổn thức…
 
Tuổi thơ trên đảo Sinh Tồn
Tuổi thơ trên đảo Sinh Tồn
 
Tết Việt thiêng liêng còn là vì nhiều lẽ đời chung riêng khác nữa. Một dân tộc ngoan cường với nền văn hiến lâu đời, với truyền thống dựng nước và giữ nước suốt bề dày lịch sử ngót bốn nghìn năm qua đi vẫn cứ vẹn nguyên một tinh thần kiên định, quyết bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần phong phú mà Tết Cổ truyền là một biểu hiện đẹp đẽ và rực rỡ nhất vậy. Người Việt Ăn Tết, Chơi Tết, Vui Tết nhưng không bao giờ lãng quên phận sự thiêng liêng của mình trước khói hương ông bà, cha mẹ và cả lớp người đã khuất vì nghĩa khí của quốc gia, dân tộc. Mỗi một vùng miền đất nước, mỗi một tộc họ thường cử hành những lệ nghi tục lệ theo cách thức tuy có khác nhau nhưng tựu trung vẫn đọng lại một ý thức cội nguồn sâu sắc. Nhánh mai vàng phương Nam hay cành đào hồng phương Bắc đều là tặng phẩm tích tụ lộc biếc khí thiêng đất trời để nhuộm sắc cho thời khắc quan trọng khởi đầu một năm mới. Bánh chưng vuông hay bánh tét tròn đều xanh ngời tấm lòng thơm thảo dâng tưởng lên khắp cõi tổ tông giống nòi trong dăm ngày xuân tới. Tùy theo tín ngưỡng đức tin tự do tự nguyện tự tâm của riêng mình, người người lại trảy nhau lên chùa hái lộc cầu an hoặc đi rước lễ nhà thờ nhà họ để nguyện xin dăm ba điều hạnh ước trong ngày đầu năm mới… Nhưng chuyện chăm chút lại mộ phần người thân quá cố, sửa sang tu bổ lại bàn thờ gia tộc, thu dọn thật tươm tất cửa nhà ngõ lối… thì ai ai cũng phải như nhau. Thành thử ra, tết đến nhìn cái gì cũng hay, cũng đẹp, cũng mới và ăm ắp bao sự chiu chắt nâng niu riêng. Nhớ thời đất nước còn khó khăn, cha mẹ bấm bụng nhịn nhường, cách gì thì cách cũng cố chạy vạy lo toan cho con cái mảnh áo, tấm quần lành lặn để ăn vận tinh tươm giữa bao người. Còn hiện giờ, người nghèo trong xã hội cũng luôn được cộng đồng chung tay chăm lo san sớt để cũng đầy đủ dăm ba thứ gọi là sắm sửa tết… Những lễ hội mừng xuân ở khắm ba miền chính là sự tiếp nối của tinh thần thượng võ, tính cách trượng nghĩa và mang đậm ý nghĩa văn hóa cộng đồng sâu xa.
 
Đà Lạt một Cao Nguyên xanh quần tụ cư dân khắp nơi về lập nghiệp cũng là nơi hình thành một phong tục đẹp trong ngày Mồng Một Tết: Hầu hết các gia đình sắm sửa hương đền lễ vật, trang phục chỉnh tề tươm tất để đi cúng mộ người thân ở các nghĩa trang trong thành phố - khác với nhiều nơi thường rơi vào tiết Thanh Minh. Đi mộ tết cũng đông vui như đi hội vậy, có lẽ sự tinh tươm trinh nguyên nhất của lòng người đang hiện hữu và đất trời đang bừng sáng đều dành để tưởng nhắc hương linh những người quá vãng. Người ta đi mộ tết chẳng phải để khóc kể vu vơ mà là để tạ ơn, để tri ân người đã khuất và để cầu để tích thêm phúc phận cho gia đình mình…
 
Rồi cứ mãi xôn xao, chộn rộn suốt bao ngày cận Tết cho tới khoảnh khắc ngưng đọng của một chiều tất niên. Thế rồi tất cả lại dồn lắng, nôn nao đón đợi khoảnh khắc đặc biệt nhất của đêm giao thừa khi múi giờ linh thiêng đã điểm, tiết tấu rộn ràng của bao lời chúc tụng lại vang lên… Cả đất trời như vừa chuyển xoay sau một đêm nhà nhà bừng tỉnh giấc. Ôi, thiêng liêng Tết Việt - tết của quê hương…
 
MINH LÂN