Nhằm thực hiện chiến lược PAL, Dự án Quỹ Toàn cầu Vòng 9 phòng chống lao Việt Nam được triển khai từ cuối năm 2011 tại 6 tỉnh.
Nhằm thực hiện chiến lược PAL (Practical Approach to Lung health - một chiến lược tiếp cận mới do Tổ chức Y tế thế giới triển khai nhằm giải quyết vấn đề bệnh lao và các bệnh hô hấp thường gặp), Dự án Quỹ Toàn cầu Vòng 9 phòng chống lao Việt Nam được triển khai từ cuối năm 2011 tại 6 tỉnh (Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai). Tại Lâm Đồng, huyện Đức Trọng và TP Bảo Lộc được tiếp cận dự án. Thông qua PAL, đã có hàng trăm bệnh nhân lao và các bệnh phổi mãn tính được phát hiện, chẩn đoán, chăm sóc và quản lí.
|
Một buổi sinh hoạt của CLB “Hơi thở xanh” xã Lộc Thanh |
PAL nhắm đến việc phát hiện, chẩn đoán, chăm sóc và quản lí 4 loại bệnh phổi cơ bản, đó là bệnh lao, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (viêm phổi cộng đồng), hen và bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bác sỹ Bùi Thị Thương - cán bộ phụ trách Tổ lao (Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc), Thư ký Dự án PAL, cho biết: “Dự án được triển khai thí điểm vào năm 2012 tại 5 xã, phường (Lộc Sơn, Lộc Phát, Lộc Thanh, Lộc Tiến, Lộc Châu) và triển khai rộng trên 11 xã, phường vào năm 2013. Sau 2 năm triển khai, thông qua tuyến y tế cơ sở, dự án đã tiếp cận và giám sát 101 bệnh nhân lao, 51 bệnh nhân hen, 46 bệnh nhân COPD và 35 bệnh nhân viêm phổi”. Ngoài ra, gần 4.500 người được tiếp cận với thông tin của dự án, thông qua các hoạt động truyền thông cộng đồng. Lực lượng chính triển khai hoạt động truyền thông này là các CLB “Hơi thở xanh”, cũng là những “cầu nối” đắc lực của PAL với cơ sở.
Mục đích chính của CLB “Hơi thở xanh” là thu hút sự quan tâm của cộng đồng dự án. Thông qua cộng đồng, giúp người bệnh tìm đến đúng địa chỉ để được tầm soát, điều trị. Hiện, Bảo Lộc đã thành lập được 4 CLB “Hơi thở xanh” tại các xã Lộc Sơn, Lộc Thanh, Lộc Châu và phường II. Thành viên cốt cán trong các CLB “Hơi thở xanh” là cán bộ lãnh đạo, nhân viên các Trạm Y tế (TYT), đại diện các đoàn thể, tổ dân phố và có cả những bệnh nhân lao đã từng được điều trị khỏi bệnh. CLB sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, với các chủ đề cụ thể trong phòng chống các bệnh phổi mãn tính; đồng thời, hướng dẫn các hình thức vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh. Ông Vũ Đức Quyển - Chủ nhiệm CLB “Hơi thở xanh” phường II, cho hay: “Thông qua các đoàn thể và các tổ dân phố, CLB đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ sở và đã vận động được khá nhiều bệnh nhân lao đến xét nghiệm và điều trị. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi đã tình nguyện tham gia CLB và trở thành những thành viên tích cực trong công tác truyền thông. Do người bệnh lao có tâm lý e ngại, thường giấu bệnh, nên sự vào “cuộc” của các thành viên này giúp ích đáng kể cho công tác phát hiện bệnh lao trong cộng đồng”.
Theo bác sỹ Bùi Thị Thương: “Người bệnh lao, khi được dự án phát hiện và tiếp cận, sẽ được giới thiệu đến các tuyến y tế cơ sở để được thụ hưởng dịch vụ điều trị miễn phí từ Chương trình phòng chống lao Quốc gia. Riêng các bệnh phổi mãn tính, PAL giúp hỗ trợ việc kiểm soát, tránh để bệnh nặng hơn bằng các phương pháp vật lý trị liệu (tập thở và tập ho hữu hiệu để cung cấp đủ oxi cho phổi và thải hết khí cặn ra ngoài), giúp người bệnh phục hồi chức năng hô hấp”. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tăng cường phát hiện bệnh lao. Chỉ tiêu phát hiện bệnh lao sau nhiều năm ở Bảo Lộc, Đức Trọng và cả tỉnh Lâm Đồng vẫn ở mức độ thấp. Đó là điểm yếu quan trọng nhất trong vấn đề kiểm soát bệnh lao. Các triệu chứng hô hấp như ho, khạc đờm, khó thở, khò khè rất hay gặp ở các bệnh lý hô hấp như hen, COPD, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, nhưng cũng có thể là lao phổi. Người bệnh khi có triệu chứng ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần đều cần làm xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao, dù người bệnh đến khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào. Đó chính là điểm nối giữa lao và bệnh phổi; đồng thời, cũng là xuất phát điểm của PAL.
Bà Đỗ Thị Hoài Phương - cán bộ chuyên trách chiến lược PAL của TYT phường II (Bảo Lộc), cho biết: “Từ khi triển khai dự án, số bệnh nhân lao đến điều trị tăng đáng kể. Hơn 90% bệnh nhân lao được điều trị đều khỏi bệnh”. PAL đưa dịch vụ chuẩn chăm sóc các bệnh hô hấp đến cơ sở, đến tất cả các điểm “dừng chân” của người bệnh. Không chỉ góp phần đẩy lùi bệnh lao, PAL còn giúp cải thiện chất lượng chẩn đoán lao thông qua quản lí tốt các triệu chứng hô hấp, góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở trong Chương trình phòng chống lao Quốc gia.
HẢI UYÊN