Từ Luật Hồi tỵ - nhìn về công tác cải cách hành chính hiện nay

03:01, 15/01/2014

Cải cách hành chính là vấn đề mang tính toàn cầu. Cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội.

Cải cách hành chính là vấn đề mang tính toàn cầu. Cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội.
 
Hồi tỵ là từ Hán Việt cổ, “hồi” là trở về; “tỵ” là lách ra. Hồi tỵ nghĩa là tránh ra, lánh đi. Luật Hồi tỵ là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền thời phong kiến, bắt đầu được đặt ra từ thời vua Lê Thánh Tông và hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn), tiếp tục được thực hiện vào các triều vua Nguyễn sau đó. 
 
Trong các triều đại phong kiến, vua Minh Mạng là người thực hiện Luật Hồi tỵ triệt để hơn cả. Năm 1831, Luật Hồi tỵ được vua ban hành, trong đó quy định: Khi bố trí quan về trị nhậm tại các địa phương cần phải tránh những nơi: quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời; trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ)...
 
Đến năm 1836, Luật lại bổ sung khắt khe hơn, các quan đầu tỉnh như: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng Bộ, Nha, Sở, Cục không được bố trí những người có quan hệ cha - con, anh - em, thầy - trò, họ hàng thân thiết. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở những nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thí.
 
Quy định Hồi tỵ là nhằm tránh sự làm việc không khách quan, nể nang, né tránh hoặc bao che, nâng đỡ cho nhau giữa những người thân thuộc, đồng thời hạn chế việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tiêu cực. Thực tế quy định đã có tác dụng rất tích cực góp phần ngăn chặn tình trạng “một người làm quan, cả họ nhờ”.
 
Tất nhiên, trong những nghề nghiệp không có khả năng xảy ra tham nhũng, như công việc nghiên cứu chuyên môn thuần túy và cần những người có kinh nghiệm gia truyền cùng làm việc theo kiểu cha truyền con nối, thì không cần áp dụng những quy định Hồi tỵ.
 
Qua Luật Hồi tỵ như trên đã nêu và sự quyết tâm cải cách hành chính hiện nay của Đảng và Nhà nước ta một cách toàn diện và triệt để, thì cần phải: 
 
Nếu chúng ta không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây là sự việc phức tạp, vì vậy việc đổi mới phải chặt chẽ nhưng không vì thế mà không dám làm, mà phải quyết tâm làm. Chúng ta cần áp dụng ngay việc thi công chức qua phương pháp trực tuyến, công khai, minh bạch; triển khai xác định vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức.
 
Đồng thời, phải tính dần đến phương án khoán quỹ lương. Một bài toán rất đơn giản: 10 người cũng quỹ lương như thế, nay sử dụng 5 người thì 1 người có thể hưởng mức lương gấp đôi. Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ quan nhà nước đang tồn tại những lãng phí lớn, có lãng phí vô hình, có lãng phí hữu hình. Một trong những lãng phí lớn nhất là thời gian, con người và chất xám. Đáng buồn là việc này lại tương đối phổ biến. Các cơ quan hành chính tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tuyển chọn những người đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng các yêu cầu công việc được giao; thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng.
 
Đồng thời, đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở phải thật sự mạnh mẽ, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, là sự mong muốn của các doanh nghiệp, của tổ chức, của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ cần phải xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
 
Ngoài ra, việc đưa và nhận hối lộ vốn là việc làm rất kín đáo, chỉ có người đưa và người nhận biết. Trong khi đó, một người không bao giờ nói ra còn một người thì không dám nói ra. Hậu quả là tệ nạn này tràn lan mọi nơi, mọi lúc nhưng rất ít vụ việc được đưa ra ánh sáng.
 
Điều 289 Bộ luật Hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009) của ta qui định hình thức cao nhất của tội đưa hối lộ là tù chung thân, thì ở một số nước như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… không chỉ không xử lý người đưa hối lộ mà họ còn được thưởng 20% số tài sản hối lộ để khuyến khích tố giác tội phạm. Đây cũng là những nước được nhiều tổ chức quốc tế xếp ở nhóm minh bạch nhất, thậm chí thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng như Singapore.
 
Trong khi đó ở ta, nạn tham nhũng, hối lộ đã biến dạng hết sức tinh vi, thành “nghệ thuật” và đang được “hợp thức hóa” như một nét “văn hóa độc đáo”. Ví dụ như doanh nghiệp hối lộ quan chức để giành công trình, dự án. Người bất tài dùng tiền để chạy chức, chạy quyền. Những kẻ làm việc sai trái chạy tội... Vì vậy, không nên xử lý người đưa hối lộ, vì xử lý họ sẽ là rào cản, thậm chí có thể còn là nguyên nhân khiến công cuộc phòng, chống tham nhũng kém hiệu quả; đồng thời để khuyến khích người dân nói ra sự thật.
 
Trong điều kiện nước ta hiện nay, với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, thì việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ là rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, đảm bảo hiệu quả công việc thực sự “do dân, vì dân” vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Hồ Chí Minh).
 
THANH TRUYỀN