BS Đặng Bá Soải - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã 30 năm chăm sóc sức khỏe trẻ em, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chuyên ngành nhi khoa tại Lâm Đồng.
BS Đặng Bá Soải - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã 30 năm chăm sóc sức khỏe trẻ em, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chuyên ngành nhi khoa tại Lâm Đồng.
|
BS Đặng Bá Soải cùng BS Bệnh viện Nhi Đồng tìm nguyên nhân tử vong sơ sinh |
Anh sinh năm 1957 tại xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và học Đại học Y Huế, ra trường vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng từ tháng 2/1984 đến nay. Xác định làm thầy thuốc phục vụ đồng bào Tây Nguyên, buổi đầu về khoa nhi rất ít bác sĩ, anh đã làm công tác quản lý và điều trị song song. Khắc phục mọi khó khăn, năm 2008, BS Soải đã hoàn thành chuyên khoa cấp II về nhi tiêu hóa với đề tài đạt loại giỏi. Qua nhiều năm hoạt động, BS Soải đã khẳng định được vị thế của một thầy thuốc chuyên khoa nhi hàng đầu của tỉnh, với 8 đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy lâm sàng tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, trực tiếp đào tạo đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ nhi khoa trong tỉnh.
Đóng góp quan trọng nhất của BS Soải là tổ chức thành lập đơn nguyên sơ sinh đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng từ năm 1989 đã giúp giảm mạnh tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Từ đây, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sơ sinh ban đầu cho các bệnh viện trong tỉnh. Mô hình này được đánh giá là đơn nguyên sơ sinh chuyển giao kỹ thuật đầy đủ, cụ thể: cấp cứu sơ sinh, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị sơ sinh non tháng bằng nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, thay máu, điều trị vàng da… Hiện nay, Khoa Nhi có 5 bác sĩ trong tổng số 40 cán bộ nhân viên y tế, có phòng khám nhi, hệ thống cấp cứu độc lập cho trẻ sơ sinh và 72 giường bệnh. Trung bình nằm viện có 70 bệnh nhi/ngày, thời điểm quá tải theo mùa bệnh tăng lên 100 bệnh nhi/ngày và khám bệnh cho 120 bệnh nhân/ngày. Có thể nói, việc quản lý điều hành hoạt động của Khoa Nhi chiếm một nửa bệnh viện: vừa điều trị, hồi sức cấp cứu, khám bệnh, công việc áp lực nặng như một trung tâm hồi sức sơ sinh với trang thiết bị được đầu tư đầy đủ, đội ngũ được đào tạo kỹ năng cấp cứu và hồi sức sơ sinh, hàng năm đều được đào tạo lại nâng cao trình độ chuyên môn. Có thời gian kéo dài 1 năm Khoa Nhi rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ, điều dưỡng, với vai trò Trưởng khoa, BS Soải đã cố gắng điều hành tối đa để đảm nhiệm công việc tốt.
Các bệnh dịch nguy hiểm như tay chân miệng đã được Khoa Nhi chủ động điều trị ổn định không phải chuyển tuyến trên, tại khoa có 5-7 ca trẻ em mắc bệnh tay chân miệng/ngày. Bệnh tật ở trẻ em Lâm Đồng có đặc thù riêng là viêm phổi và hen phế quản, tỉ lệ sơ sinh non tháng chiếm 10% trong tổng số trẻ sơ sinh. Từ khi có đơn nguyên sơ sinh với nhiều can thiệp tốt đã giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh xuống còn 30%. Trong năm 2014, BS Soải sẽ tiến hành đề tài nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật điều trị sơ sinh non tháng bằng bơm surfactant (thiếu chất này sẽ dẫn đến suy hô hấp khiến trẻ tử vong).
BS Soải tâm sự: “Đã chọn chuyên khoa nhi là sự đam mê yêu thương trẻ em và rất hiểu tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, điều kiện làm việc đầy áp lực của bác sĩ khoa nhi hiện nay thì không thể dành thời gian để vui chơi chia sẻ tâm lý với trẻ em trong điều trị. Mỗi ngày bác sĩ nhi khám 30-40 bệnh nên bác sĩ phải nhạy bén với bệnh cảnh lâm sàng của trẻ. Điều trị cho trẻ em nhưng phải hiểu tâm lý của người nhà bệnh nhân. Điểm đặc biệt của bác sĩ khoa nhi là phải khám kỹ bám sát bệnh nhân để thấy có gì bất thường thì khám lại. Bởi người lớn biết nói còn trẻ em không biết than phiền, diễn biến của bệnh trẻ em rất nhanh”. BS Soải chia sẻ kinh nghiệm để quản lý điều hành tốt là phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh của nhân viên mình, tạo mối đoàn kết nhất trí, có biện pháp giải quyết sự công bằng giữa cán bộ, nhân viên. Hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chú ý giao tiếp ứng xử cảm thông với nỗi đau của người bệnh, phục vụ người bệnh vô tư, không tiêu cực, nhũng nhiễu, không để sai sót ảnh hưởng tính mạng của người bệnh. Đặc thù của khoa nhi là quá đông bệnh nhân, để khắc phục điểm yếu của cán bộ, nhân viên trong khi làm việc quá tải thì phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, bố trí hợp lý ca kíp trực, nghỉ bù, theo dõi sức khỏe của cán bộ, nhân viên để không ảnh hưởng tâm lý trong khi phục vụ người bệnh.
DIỆU HIỀN