Cần nhân rộng mô hình "Tổ dân vận thôn"

03:02, 23/02/2014

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình "Tổ dân vận thôn, tổ dân phố" trên địa bàn Lâm Đồng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị tại cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong tình hình mới, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận ở địa bàn khu dân cư.   

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình “Tổ dân vận thôn, tổ dân phố” trên địa bàn Lâm Đồng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị tại cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong tình hình mới, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận ở địa bàn khu dân cư.   
 
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 771/1.565 thôn, tổ dân phố đã thành lập tổ dân vận và đi vào hoạt động. Tổ dân vận thôn là hình thức phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác dân vận ở thôn, tổ dân phố. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng ngay tại cơ sở đã được phát huy tích cực, hiệu quả. Thông qua hình thức hoạt động tổ dân vận thôn đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chi bộ. Công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị giữa Ban công tác Mặt trận, thôn trưởng, khu phố trưởng và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ dân phố tiếp tục được gắn bó chặt chẽ hơn, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả công tác vận động quần chúng ngay từ khu dân cư. Tổ trưởng tổ dân vận là Bí thư chi bộ, thường xuyên nắm bắt ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nên việc triển khai luôn thuận lợi và kịp thời.
 
Hoạt động của tổ dân vận thôn đã tích cực góp phần vận động nhân dân thực hiện dân sinh, xây dựng nông thôn mới, giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở. Nhiều nơi, tổ dân vận thôn đã tích cực cùng cấp ủy, chi bộ trực tiếp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình công cộng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tích cực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, trực tiếp vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn, tôn tạo nhà ở, bảo vệ môi trường… Tổ dân vận đã phối hợp với từng đoàn thể chính trị - xã hội tại địa bàn dân cư để triển khai các phong trào của Mặt trận, đoàn thể như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới… Qua khảo sát thực tế tại địa phương của Ban Dân vận Tỉnh ủy cho thấy, tại những thôn có thành lập tổ dân vận thì kết quả xây dựng nông thôn mới nâng lên rõ rệt, rút ngắn được thời gian hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Thôn, tổ dân phố là địa bàn gần dân, sát dân nhất, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của cộng đồng dân cư có quan hệ huyết thống, dòng họ, quan hệ tình làng nghĩa xóm, mang tính tự quản là chủ yếu, là nơi trực tiếp tập hợp, vận động quần chúng thực thi mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Vì thế công tác dân vận ở thôn có thể dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có cách vận động phù hợp như “vận động từng nhà, vận động từng người dân”. 
 
Hoạt động của tổ dân vận thôn đã góp phần xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy chế, quy ước, hương ước, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, giữ vững kỷ cương, giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở. Việc thực hiện công tác dân vận theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua  hoạt động của tổ dân vận thực sự đã đi vào nề nếp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân trước khi quyết định những chủ trương lớn của địa phương. Chính lực lượng dân vận tại thôn, tổ dân phố mới gần dân, sát dân, nắm vững tình hình tại địa bàn khu dân cư, kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung các loại quy chế, quy ước cộng đồng phù hợp với thực tế tại cơ sở, động viên nhân dân nêu cao vai trò giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… Nhiều địa phương đã vận động được cả chức sắc, tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tổ dân vận, nên đã tạo thuận lợi, chuyển biến đáng kể trong công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành đúng pháp luật, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu…
 
Đồng chí Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Đến nay, phải khẳng định tổ dân vận thôn đã phát huy những mặt tích cực, giúp cấp ủy địa phương nắm bắt những vấn đề phát sinh tại cơ sở, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tình hình tôn giáo, dân tộc ở địa bàn dân cư, hoạt động của tổ dân vận đã giúp chi bộ thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động tại cơ sở… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận một cách rõ rệt. Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình cần có tổng kết rút kinh nghiệm, lựa chọn mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo để tuyên truyền, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội địa phương.     
 
Nguyệt Thu