Chú trọng hàng đầu công tác phòng chống dịch bệnh

03:02, 20/02/2014

Hiện nay có 17 chương trình y tế do Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng thực hiện, trong đó có 2 chương trình mới là phòng chống ung thư và tăng huyết áp. Trung tâm Y tế Dự phòng luôn chú trọng hàng đầu công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn với mục tiêu chính không để dịch bệnh xảy ra. 

Hiện nay có 17 chương trình y tế do Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng thực hiện, trong đó có 2 chương trình mới là phòng chống ung thư và tăng huyết áp. Trung tâm Y tế Dự phòng luôn chú trọng hàng đầu công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn với mục tiêu chính không để dịch bệnh xảy ra. 
 
BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng cho biết: Năm 2014 nguồn kinh phí cắt giảm từ 40%-70%/chương trình, nhân lực không tăng, các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm như cúm A (H1N1, H5N1, H7N9, H6N1, H10N8) là khó khăn thách thức cho hoạt động y tế dự phòng. Từ cuối năm 2013, Trung tâm Y tế Dự phòng đã tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các địa phương từ tuyến tỉnh đến tuyến xã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, kiểm soát tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tích cực. 
 
Trước tình hình các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm như: cúm A (H10N8, H6N1, H7N9) xảy ra ở Trung Quốc, Campuchia và mới nhất là ca nhiễm cúm A (H1N1) ở Khánh Hòa, dịch sởi lan rộng ở một số địa phương trong nước, sốt rét kháng thuốc ở Bình Phước, hệ thống Y tế dự phòng Lâm Đồng đã tăng cường giám sát hàng ngày, theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh thế giới, trong nước, các tỉnh xung quanh, vùng giáp ranh Lâm Đồng để chủ động chống dịch. Bệnh cúm A được giám sát chặt chẽ, năm 2013 có 8 ca bệnh viêm phổi nặng nghi virus, trong đó 2 ca cúm A/H1N1 (1 ca tử vong ở Đơn Dương), 2 ca cúm A/H3. Lâm Đồng chưa phát hiện ca bệnh cúm A/H5N1, H7N9 trên người. Hiện nay Lâm Đồng ghi nhận có 2 ca mắc bệnh sởi mức độ nhẹ nhưng cũng phải theo dõi giám sát chặt chẽ. Tích cực giám sát dịch bệnh ở các điểm đầu mối như sân bay, khách du lịch đến Đà Lạt, cửa ngõ Madagui… Tăng cường thông tin liên lạc, báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày, hàng tuần để kịp thời phát hiện ca bệnh dịch, có giải pháp xử lý kịp thời. Trung tâm Y tế Dự phòng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, vật tư, thuốc men phòng chống dịch, đã cấp phát 4 tấn hóa chất cho các huyện phòng chống dịch ngay từ đầu năm 2014. 
 
Các dịch bệnh cần đặc biệt chú ý là: Sốt rét, sốt xuất huyết do đặc thù địa phương nằm trong vùng lưu hành các dịch bệnh này. Năm 2013 có 19 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh có tình hình sốt rét biến động. Số người mắc sốt rét tăng nhẹ ở một số địa phương (431 ca, tăng 69 ca so với năm 2012) tập trung các vùng giáp ranh các tỉnh lân cận, đối tượng là người di dân, làm rừng, ngủ rẫy. Vùng có biến động sốt rét là: xã Phước Cát I (Cát Tiên), Lộc Bắc, Lộc Bảo (Bảo Lâm), Tân Nghĩa, Gia Hiệp, Tâm Châu, Tam Bố (Di Linh), Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, Tà In, Đạ Quyn (Đức Trọng), Đ’Ran, P’Ró, Tu Tra (Đơn Dương), Liên Hà, Đạ Đờn, Đan Phượng (Lâm Hà), Phi Liêng (Đam Rông). Đặc biệt, do Lâm Đồng có nguy cơ xâm nhập sốt rét kháng thuốc từ vùng giáp ranh của tỉnh Bình Phước vào Cát Tiên nên hai năm qua Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế Cát Tiên đã triển khai nhiều hoạt động ngăn chặn sốt rét kháng thuốc. Đối với bệnh sốt xuất huyết năm 2013 trong khi các tỉnh xung quanh như Bình Phước, Đồng Nai, Tp.HCM xảy ra dịch lớn thì Lâm Đồng chủ động khống chế không để xảy ra dịch và giảm thấp số mắc sốt xuất huyết (có 153 ca, giảm 10 ca so với năm 2012), xử lý kịp thời 21 ổ dịch nhỏ tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh và đã tổ chức 10 chiến dịch diệt lăng quăng tại 9 huyện lưu hành sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng chủ động kiểm soát các bệnh có số mắc tăng đột biến như: Tay chân miệng (năm 2013 ghi nhận 1.478 ca) và viêm kết mạc mắt (năm 2013 có 14.386 ca) khống chế không để xảy ra dịch. 
 
Lĩnh vực y tế dự phòng có nhiều việc phải làm trong đó nhiệm vụ nặng nề là tập trung cho hoạt động tiêm chủng mở rộng, trong tình hình tai biến sau tiêm chủng cho trẻ em đã ảnh hưởng nhiều đến việc vận động người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Theo thống kê 13 chỉ tiêu của dự án tiêm chủng mở rộng tại Lâm Đồng thì có 3 chỉ tiêu năm 2013 không đạt, đó là: Tiêm chủng đủ liều phòng 8 bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi (đạt 74,8% so với chỉ tiêu trên 95%), tiêm viêm gan B mũi đầu tiên cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh (mới đạt 61,5% so với chỉ tiêu trên 80%), tỉ lệ mắc ho gà dưới 0,1/100.000 dân (Lâm Đồng có 2 ca chiếm 0,16/100.000 dân). Theo BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho rằng chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng là chỉ tiêu mở - không bắt buộc bằng mọi giá phải đạt chỉ tiêu nhưng với trách nhiệm của ngành, Trung tâm Y tế Dự phòng cố gắng đến mức tối đa để tăng tỉ lệ tiêm chủng. 
 
Vắc xin có nhiều loại trong tiêm chủng trẻ em vì vậy người dân có nhiều sự lựa chọn, bên cạnh đó ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền cho các bà mẹ hiểu được lợi ích sống còn của tiêm chủng trẻ em, đồng thời tăng cường năng lực cán bộ, tập trung nguồn lực cho hoạt động tiêm chủng đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bởi nếu không chú trọng đến tiêm chủng trẻ em thì các dịch bệnh nguy hiểm sẽ quay trở lại, điển hình là dịch sởi đang quay trở lại là do lỗ hổng trong tiêm chủng trên số trẻ chưa qua chủng ngừa sởi. Với trách nhiệm nặng nề, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã không ngừng bám trụ cơ sở giám sát phòng chống dịch bệnh để giữ cho sức khỏe cộng đồng an toàn không bị đe dọa bởi dịch bệnh.
 
AN NHIÊN