Cùng nông dân bảo vệ môi trường

03:02, 23/02/2014

Đây là chương trình do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT) triển khai với sự hỗ trợ - phối hợp của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục BVTV thuộc Bộ NN-PTNT) tại những vùng trọng điểm sản xuất rau thương phẩm sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đây là chương trình do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT) triển khai với sự hỗ trợ - phối hợp của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục BVTV thuộc Bộ NN-PTNT) tại những vùng trọng điểm sản xuất rau thương phẩm sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Trên thực tế, nhiều vùng nông nghiệp - nông thôn của tỉnh hiện đã và đang bị ô nhiễm môi trường trầm trọng do nông sản phế thải và rác thải độc hại từ quá trình sản xuất, trong đó gây ô nhiễm nặng nề nhất cho môi trường sinh thái chính là lượng thuốc BVTV tồn dư trong đất, trong nguồn nước và từ bao bì đựng thuốc BVTV sau khi đã sử dụng thuốc do nhà nông thải bỏ trên đồng ruộng. Việc nông dân bỏ lại chai lọ đựng thuốc BVTV trên đồng ruộng không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn gây tai nạn cho người và gia súc. Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho hay riêng xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) hiện có 475ha đất canh tác rau thương phẩm; mỗi năm trên 1 ha đất sản xuất người trồng rau ở đây sử dụng từ 7 - 10 lít hóa chất BVTV (cả xã mỗi năm đã sử dụng từ 3.325-4.750 lít) nên lượng bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường khá lớn. Vì vậy, sau thành công tại Đà Lạt, Chi cục BVTV đã đưa mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” về triển khai tiếp tại thôn Lạc Lâm Làng (xã Lạc Lâm) trên diện tích 57 ha đất trồng rau của 114 hộ nông dân, sau đó nhân rộng trên toàn xã. Để bà con nông dân hiểu được tác hại của hóa chất BVTV đối với môi trường, từ tháng 9/2013 tới nay, Chi cục BVTV đã phối hợp với các trung tâm nông nghiệp cấp huyện in và phát tới tận tay nông dân trong tỉnh 10.270 tờ rơi, xây dựng 432 poste tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV an toàn, cổ động cho Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Riêng tại thôn Lạc Lâm Làng, xã Lạc Lâm, 1 lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn và phương pháp thu gom xử lý bao bì đựng hóa chất BVTV đã được Chi cục BVTV tổ chức; Ban Quản lý Dự án Qseap cũng đã lồng ghép tổ chức tại thôn 1 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trong đó có cả kỹ thuật thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng; 2 buổi lễ phát động toàn dân thu gom vỏ bao bì đựng thuốc BVTV trên đồng ruộng cũng đã được tổ chức tại thôn, thu hút hàng trăm hộ nông dân trong vùng tham gia... Đã có 6 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV được Chi cục BVTV và UBND xã Lạc Lâm đặt tại Lạc Lâm Làng ở những khu sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc thu gom và tiêu hủy bao bì của nông dân. Một số hộ nông dân có đất canh tác lớn và có nhiệt tình được UBND xã Lạc Lâm giao nhiệm vụ cùng với cán bộ thôn quản lý các bể thu gom này. Nhằm thu hút sự chú ý của nông dân và cũng để tạo thêm cảnh quan cho địa phương, Chi cục BVTV và UBND xã đã tổ chức trồng hoa xung quanh các bể thu gom này.
 
Kết quả của “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại thôn Lạc Lâm Làng, xã Lạc Lâm là trên 320 kg vỏ bao bì, chai lọ đựng hóa chất BVTV độc hại sau sử dụng đã được thu gom và chờ được xử lý theo đúng kỹ thuật quy định (trong đó 180 kg được thu gom sau 2 buổi lễ phát động và 150 kg được bà con tự giác thu gom về bỏ vào các bể thu gom). Tuy nhiên, ngoài kết quả này, cái được lớn nhất từ mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ở Lạc Lâm Làng là nhận thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV và về tính độc hại của thuốc BVTV đã được nâng cao cùng với ý thức bảo vệ môi trường sinh thái nhất là từ khi việc bảo vệ môi trường được xác định là một trong những tiêu chí bắt buộc của xã nông thôn mới. Từ những kết quả đã thu được này, hiện tại, Chi cục BVTV tỉnh và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương cũng như UBND xã Lạc Lâm đang từng bước nhân rộng mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ra các thôn khác trong xã, trong huyện.
 
Đức Hưng