Đạ Huoai đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03:02, 20/02/2014

Từ lâu, công tác tuyên truyền miệng (TTM) được xem là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm truyền bá những kiến thức, những giá trị tinh thần tác động vào đối tượng trong xã hội làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, xây dựng và bồi đắp tình cảm, ý chí...

Từ lâu, công tác tuyên truyền miệng (TTM) được xem là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm truyền bá những kiến thức, những giá trị tinh thần tác động vào đối tượng trong xã hội làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, xây dựng và bồi đắp tình cảm, ý chí; cổ vũ và thôi thúc mọi người hành động một cách tự giác theo yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư tưởng.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng nên trong 3 năm qua Đạ Huoai đã chuyển đổi được 1.960 ha cây trồng có giá trị cao
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền miệng nên trong 3 năm qua Đạ Huoai đã chuyển đổi được 1.960 ha cây trồng có giá trị cao
 
Là một huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh, Đạ Huoai có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 8 xã, 2 thị trấn, với tổng dân số 37 ngàn người, trong đó có 20% là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung ở 3 xã Đoàn Kết, Đạ P’Loa, Phước Lộc - đây đều là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Hồng Long - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Huoai cho biết: “Điều khó khăn, băn khoăn, trăn trở nhất của chúng tôi hiện nay là phải làm thế nào chuyển đổi nhận thức và hành động của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như các chương trình: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững, chuyển đổi cây trồng, xây dựng kết cấu hạ tầng… Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác TTM, thời gian qua, chúng tôi đã cụ thể hóa thành kế hoạch, hướng dẫn phù hợp với cấp mình và tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức công tác tuyên truyền vận động. Xác định công tác TTM là nhiệm vụ hàng đầu, đi trước một bước trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhất là các chương trình dự án có tác động lớn và cần sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó, huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là các báo cáo viên, tuyên truyền viên tổ chức Đảng và các đoàn thể, đảng viên, công chức”.
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Huoai cho biết thêm, nhờ làm tốt công tác TTM trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong 3 chương trình như: giảm nghèo nhanh và bền vững, chuyển đổi cây trồng, làm đường giao thông nông thôn, nên “bộ mặt” nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong huyện đã có nhiều khởi sắc. Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, nếu như đầu năm 2013, xã Phước Lộc có 150 hộ nghèo, thì đến cuối năm giảm xuống còn 82 hộ (12,75%). Tương tự, xã Đạ P’Loa giảm từ 36% xuống còn 14,11%; xã Đoàn Kết giảm từ 43% xuống còn 15,73%. Đây được xem là những con số biết nói hết sức ấn tượng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 11,54% xuống còn 5,44%... Bên cạnh đó, xuất phát từ tình hình điều kiện cơ sở hạ tầng trong huyện còn nhiều khó khăn, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn đi lại, sinh hoạt và sản xuất của bà con, Đảng bộ huyện đã triển khai chương trình làm đường giao thông theo hình thức “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư tài chính”. Từ một vài tuyến đường ban đầu thực hiện thành công, thông qua công tác tuyên truyền vận động, nhân dân đã nhận thức rõ lợi ích và hiệu quả thiết thực, từ đó xác định trách nhiệm tham gia cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Sau 3 năm thực hiện, huyện đã thi công 52 nhánh đường giao thông với tổng chiều dài 20,22 km, tổng kinh phí đầu tư 19,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 11,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 7,4 tỷ đồng (chưa tính giá trị người dân hiến đất, cây trồng và vật kiến trúc khác)…
 
Có thể nói, kết quả công tác TTM và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trên địa bàn huyện Đạ Huoai thời gian qua đã góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận ngoài xã hội, đặc biệt là đã chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng phát triển bền vững.
 
Hồng Hải