Từ khi tách ra khỏi xã Triệu Hải vào năm 2002, xã Đạ Pal của huyện Đạ Tẻh được xem là vùng kinh tế mới của dân Nam Định. Người Nam Định vào đây "dày" nhất là khoảng năm 1986 - 1987. Như vậy, nói là xã non trẻ của huyện nhưng người dân ở đây cũng đã có đến hơn một phần tư thế kỷ gắn với đất này rồi đấy...
Cuối năm, chợt nhớ đến vùng đất vừa thuộc vùng sâu, vùng xa và vừa là vùng đất “non trẻ” nhất huyện Đạ Tẻh, tôi phóng xe một mạch từ thị trấn Đạ Tẻh lên xã Đạ Pal. Đoạn đường chỉ dài 12km nhưng hầu hết là xuyên qua những cánh rừng nên cứ thấy sao mà thăm thẳm thế này! Cuối năm, bận rộn là vậy nhưng Chủ tịch xã Đạ Pal, anh Phạm Khắc Luyến, vẫn dành cho tôi “một phút xả hơi” (theo cách nói của anh) để tâm tình chuyện xưa chuyện nay của xứ “tận cùng của núi non” Đạ Tẻh là Đạ Pal này.
Anh Luyến bảo: “Từ khi tách ra khỏi xã Triệu Hải vào năm 2002, xã Đạ Pal của huyện Đạ Tẻh được xem là vùng kinh tế mới của dân Nam Định. Người Nam Định vào đây “dày” nhất là khoảng năm 1986 - 1987. Như vậy, nói là xã non trẻ của huyện nhưng người dân ở đây cũng đã có đến hơn một phần tư thế kỷ gắn với đất này rồi đấy. Còn nếu tính theo kiểu đơn vị hành chính thì Đạ Pal cũng đã có mười năm có dư hiện hữu trên bản đồ hành chính của Đạ Tẻh. Như vậy, nói là “non trẻ” nhưng trên đất này cũng đã có biết bao nhiêu lớp người sinh ra rồi...”.
|
Chị Nguyễn Thị Dân đang chăm tằm con |
Đất mới... một phần tư thế kỷ
Tôi hỏi anh Luyến: “Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của xã mình ước khoảng bao nhiêu?”. Vị chủ tịch xã trả lời không cần nghĩ ngợi: “Còn thấp so với bình quân chung cả huyện, càng thấp hơn so với mức bình quân chung của tỉnh. Cụ thể là ước chỉ 15 triệu đồng trên đầu người. Tuy nhiên, đạt được mức này, không dễ dàng gì đâu! Phải cố gắng vượt bậc đấy!”. Tôi lại hỏi anh Luyến về vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Anh nói: “Xã có vùng Tôn Klong là vùng bà con dân tộc thiểu số sống tập trung. Vẫn biết là trong vài năm gần đây, cuộc sống của bà con có đỡ hơn nhưng nhìn chung thì vẫn còn khó khăn lắm”.
Tính cho đến lúc này, toàn xã Đạ Pal có 770 hộ (2.995 khẩu); trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 284 hộ với 1.180 khẩu. Để giúp tôi hình dung tình hình KT-XH của địa phương, Chủ tịch xã Phạm Khắc Luyến khái quát cho tôi một vài con số của năm 2013: Thu ngân sách nhà nước 4 tỷ 277 triệu đồng, chi: 4 tỷ 210 triệu đồng - thu đạt 139% so với kế hoạch, chỉ bằng 137%. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội từ các chương trình thuộc nguồn ngân sách từ huyện rót về là 8,5 tỷ đồng. Tổng thu nhập toàn xã năm 2013 đạt 27,5 tỷ đồng - bằng 125% so với năm 2012 và vượt chỉ tiêu năm 2013 là 15%. Người dân ở xã Đạ Pal chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Điều đặc biệt ở Đạ Pal này là trong vài năm gần đây, việc đa canh đa con trong sản xuất nông nghiệp đã được chính quyền quán triệt đến từng hộ dân và người dân đã thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả là điều rất đáng để lưu tâm. Bởi vậy, khi ghi lại những con số về phát triển nông nghiệp của Đạ Pal do Chủ tịch Phạm Khắc Luyến cung cấp, trang giấy kín chữ trong sổ tay của tôi bỗng biến thành một bức tranh nông nghiệp khá sinh động: Trong 835ha đất trồng trọt của năm 2013, cao nhất là diện tích cây điều 220ha (tăng khoảng 30ha so với năm 2012), kế đến là diện tích vườn 150ha (diện tích vườn tạp đã giảm đáng kể so với năm 2012); tiếp theo: 90ha cao su, 84ha dâu tằm, 75ha cà phê, 34ha cây ăn trái, 23ha cỏ chăn nuôi, 21ha cây tiêu, 20ha mít, gần 10ha ca cao, 9,5ha rau... Về chăn nuôi, cả xã có 6.322 con gia cầm và thủy cầm, 860 con heo, 275 con bò, 32 con trâu, 40 hộ nuôi tôm trên diện tích 16,5ha mặt nước...
Tôi nhớ lại hồi cách nay hơn hai chục năm, một lần thử đi “xa hơn xã Triệu Hải” (vùng đất Đạ Pal ngày nay), chiếc xe đạp (mượn của người bạn tên là Sơn có nhà ở trung tâm xã Triệu Hải) sau khoảng mười lăm phút đã được “tôi cõng nó” thay cho “nó cõng tôi” theo chức năng của mỗi “thằng”. Lúc về trả lại xe đạp, nhìn thấy nó lấm lem bùn đất giống như tôi, tôi ái ngại: “Đường sá bùn đất lầy lội quá chừng! Đi mới đoạn là “thằng người” phải cõng “thằng xe” rồi...”. Sơn cười mà rằng: “Tôi cứ nghĩ ông quay lại chỉ vài mươi phút sau khi ra khỏi nhà ấy chứ! Đường sá ở xứ núi này, đi được vài tiếng thế là giỏi lắm đấy!”. Bây giờ, nhìn vào những con số trong cuốn sổ ghi chép được từ sự cung cấp của chính vị Chủ tịch xã, tôi cảm thấy thật hài lòng. Tuy vậy, như anh Phạm Khắc Luyến nói: “Xã mới, còn nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xã còn bị bỏ xa hơn huyện một bước đang là điều mà những người có trách nhiệm ở xã này như chúng tôi đang rất trăn trở...”. Tôi lại hỏi anh Luyến: “Vậy thì khi nào xã ta “bắt kịp” mức thu nhập bình quân đầu người chung của huyện?”.
|
“Chợ lưu động” đến vùng sâu Đạ Pal |
Tương lai đang... phía trước
Trước câu hỏi trên, vị Chủ tịch xã có cách trả lời hơi... vòng: “Xã chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang bằng với các địa phương khác trong huyện. Cụ thể là đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 5% (hiện tại là 12,5%); trong đó, tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 10%. Cũng đến năm 2015, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng ít nhất là 2,2 lần so với năm 2010”.
Để tìm hiểu thêm về Đạ Pal, tôi theo chân chị Đinh Thị Nhiễu - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đến nhà một trong những hội viên tiêu biểu của Hội là chị Nguyễn Thị Dân ở thôn Xuân Phong. Lúc chúng tôi đến, chị Dân cùng chồng là anh Nguyễn Văn Quân đang chăm mấy nong tằm ở dãy nhà nuôi tằm kế bên nhà chính. Chị Dân cho biết là gia đình anh chị rời quê hương Xuân Trường (Nam Định) vào đất Đạ Pal này lập nghiệp năm 1993. “Chuyện những ngày đầu khó khổ, thôi, kể làm gì. Những năm ấy, ai cũng khổ như thế cả mà! Tôi chỉ kể chuyện nuôi tằm cho nhà báo nghe thôi nhá! Mà, tôi không nói về cái khoản thu nhập đâu đấy. Cứ biết là gia đình tôi đang như thế này, còn những ngày đầu thì hầu như tay trắng!” - chị Nguyễn Thị Dân “rào” nhà báo. Tôi hỏi chị Dân: “Nghe chị Nhiễu nói rằng chị là “tay” nuôi tằm có tiếng của xã. Vậy, mỗi tháng chị cung cấp cho bà con trong vùng được bao nhiêu hộp?”. Nghe chuyện tằm tang, chị Dân hứng khởi: “Mỗi tuần tôi nuôi trung bình 40 hộp. Nuôi quay vòng, mỗi tháng tôi xuất 4 đợt. Chủ yếu là cung cấp tằm con cho bà con trong vùng. Ở khu vực này cũng có nhiều hộ khác nuôi nhưng số lượng vẫn không đủ để cung cấp cho bà con”. Chị Dân xem ra rất tự hào về việc gây dựng giống dâu cho xã: “Hồi cả xã này chưa có các loại giống dâu chất lượng cao như bây giờ, tôi đã bỏ ra một chỉ vàng để lên tận Bảo Lộc lùng mua cho bằng được giống dâu lai đem về trồng. Có giống dâu mới, tôi vừa nhân rộng trong vườn dâu nhà mình và vừa cho bà con mỗi người một vài bó đem về trồng. Giờ, diện tích dâu của xã này trồng giống dâu lai do tôi đem về từ nhiều năm trước nhiều lắm!”. Vì sự “rào chắn” của chị Dân nên tôi không tiện hỏi về mức thu nhập của gia đình chị; nhưng riêng chi tiết này thì tôi ghi rất kỹ trong cuốn sổ tay: Gia đình chị Dân - anh Quân là gia đình nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, là gia đình hội viên gương mẫu của Hội Phụ nữ xã Đạ Pal. Thêm vào đó, trong vài năm qua, trung bình mỗi năm gia đình này cung cấp cho bà con không dưới 600 hộp tằm con, 3 tấn thịt heo, 1,5 tấn cá, gần 1 tấn thịt gia cầm, 5 tấn cà phê...
Cũng qua câu chuyện của anh Phạm Khắc Luyến và chị Đinh Thị Nhiễu, tôi còn được biết ở Đạ Pal xuất hiện ngày càng nhiều những gương nông dân sản xuất giỏi, gương hội viên tiêu biểu của các hội.
Trong lúc tôi và anh Luyến đang “xả hơi” thì công việc mới ập đến với anh: Đoàn cán bộ của tỉnh tranh thủ thời gian cuối năm về khảo sát tuyến đường vào Tôn Klong để kịp “tranh thủ” một nguồn vốn nào đó tiến hành nâng cấp vào dịp đầu năm mới. Trước khi chia tay tôi, anh Luyến bảo: “Xã Đạ Pal chỉ có một khu vực Tôn Klong là có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung. Huyện Đạ Tẻh từ trước đến nay đã “đổ” vào đây một nguồn vốn không hề nhỏ để ổn định đời sống của bà con. Giờ thì Tôn Klong đỡ hơn trước nhiều nhưng xem ra vẫn còn... ngổn ngang lắm, nhất là hệ thống giao thông...”. Nói như vị Chủ tịch xã là “ngổn ngang” lắm, nhưng ngổn ngang như thế nào thì tôi... tự tìm hiểu lấy vậy! Ấy là nói thế thôi. Thực ra, trước khi đến với Đạ Pal, tôi đã được mấy anh lãnh đạo huyện Đạ Tẻh “quán triệt” rằng “Tôn Klong là một trong những điểm dân cư có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung của huyện Đạ Tẻh. Nếu ở những điểm dân tộc thiểu số khác, bà con có “bề dày” về đầu tư hơn, đời sống cũng đã khá hơn thì với Tôn Klong vẫn đang là nỗi trăn trở của huyện”. Tôi ghi được số liệu do UBND xã Đạ Pal cung cấp: Tôn Klong có 2 thôn (1 và 2). Cả xã Đạ Pal có 770 hộ (2.995 khẩu); trong đó, riêng khu vực Tôn Klong có đến 284 hộ (1.180 khẩu) sống trên diện tích tự nhiên gần 900ha. 284 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Tôn Klong có diện tích canh tác khá lớn: 150ha điều, 115ha chè, 162ha cà phê... Nỗi trăn trở lớn nhất ở Tôn Klong hiện nay đó là con đường đi vào dài chỉ trên dưới 10km nhưng chỉ cuốc bộ mới vượt qua nổi nên thật khó “giữ chân” bà con! “Giờ, bà con ở dưới thị trấn Đạ Tẻh lên Tôn Klong làm vườn rồi lại về lại thị trấn, vì khó có thể trụ nổi ở vùng gần như biệt lập này. Tuy vậy, một ngày kia, khi giao thông thuận tiện thì đây sẽ là vùng cây công nghiệp có đủ khả năng để giữ chân con người” - anh Phạm Khắc Luyến nói một cách tin tưởng.
Với tôi, Đạ Pal lúc này vừa gần lại vừa xa, vừa quen nhưng lại cảm thấy hơi là lạ. Chia tay vùng đất “sơn cùng...” ấy, tôi trên con ngựa sắt chỉ nhoáng cái là về đến trung tâm huyện lỵ Đạ Tẻh. Và, trên đường trở về, trong đầu tôi lại nhớ lại hình ảnh chiếc xe đạp lấm lem bùn đất dạo nào...
Ghi chép: THI HOÀNG