Để công tác vận động quần chúng góp phần xây dựng nâng cao vị trí của hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào DTTS

02:02, 25/02/2014

Vận động quần chúng (VĐQC) là một trong những công tác cơ bản của Đảng, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, công tác VĐQC luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng...

Vận động quần chúng (VĐQC) là một trong những công tác cơ bản của Đảng, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, công tác VĐQC luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng và trở thành truyền thống quý báu, có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng, củng cố và nâng cao vị trí của hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở, đặc biệt là HTCT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Anh Ja Nun, thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn đang chăm sóc giống cây trồng mới vừa được chuyển từ diện tích trồng lúa 1 vụ
Anh Ja Nun, thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn đang chăm sóc giống cây trồng mới vừa được chuyển từ diện tích trồng lúa 1 vụ
 
Sau 28 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng đã có những tín hiệu đáng mừng, đời sống vật chất, tinh thần, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Theo số liệu điều tra khảo sát của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nếu như cuối năm 2011, số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS là 14,8 ngàn hộ, chiếm tỷ lệ 25,64%; thì đến cuối năm 2012, số nghèo được khảo sát tại 22 xã vùng đồng bào DTTS là 21,78%, so với hộ nghèo là đồng bào DTTS toàn tỉnh giảm 3,86%. Trong giai đoạn 2006-2010, ngân sách nhà nước đã đầu tư vào các chương trình mục tiêu trên 2.300 tỷ đồng nhằm thực hiện chủ trương đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Kết quả khảo sát HTCT ở 22 xã vùng đồng bào DTTS cho thấy, những năm qua, HTCT cơ sở vùng DTTS ở Lâm Đồng đã không ngừng được củng cố, kiện toàn từ tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cấp xã, thôn. Cũng qua khảo sát việc phát huy vai trò HTCT của 100 cán bộ, công chức cấp xã cho thấy: Phát huy hiệu quả tốt là 22,73%; có phát huy nhưng còn một số mặt hạn chế 72,27%. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên trong vùng đồng bào DTTS nói riêng. Theo đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, đa số đều hiểu việc VĐQC không chỉ của các tổ chức đoàn thể mà là của cả HTCT, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vai trò quyết định. Điển hình trong công tác VĐQC phải nói đến xã Ka Đơn, một trong những xã có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm khá cao của huyện Đơn Dương. Đồng chí Phạm Trường Thanh - Bí Thư Đảng ủy xã Ka Đơn chia sẻ: “Xác định công tác VĐQC là của toàn hệ thống chính trị, thời gian qua, Đảng ủy đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, vận động quần chúng nhân dân hợp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương dẫy lên các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành việc xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2014”.
 
Từ công tác VĐQC, đến nay xã Ka Đơn đã xuất hiện nhiều mô hình mới như: mô hình VĐQC đồng bào DTTS thôn Ka Đơn góp tiền kéo điện bơm nước phục vụ việc tưới tiêu cho cây trồng được chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ; mô hình trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; mô hình chăn nuôi heo đen, bò thịt… Anh Ja Nun, một hộ đồng bào DTTS ở thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn bộc bạch: “Do thôn không có hệ thống thủy lợi nên trước đây 6 sào đất nông nghiệp nhà mình chủ yếu trồng lúa 1 vụ. Việc phải phụ thuộc vào nước trời nên mùa màng rất bấp bênh, cuộc sống vốn khó lại càng khó khăn hơn nếu gặp phải những năm hạn hán mất mùa. Từ năm 2012, qua sự vận động của chính quyền xã, thôn, gia đình mình cùng 16 hộ đồng bào DTTS trong thôn đã đóng góp được gần 260 triệu đồng để kéo điện hạ thế và khoan giếng bơm nước tưới cho cây trồng mới. Nhờ chủ động nước tưới, bà con mình đã chuyển hàng chục ha trồng lúa 1 vụ sang trồng rau thương phẩm, cho thu nhập cao gấp từ 5-6 lần so với diện tích lúa”.
 
Theo đồng chí Hồ Thị Nga - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, để công tác VĐQC thực sự góp phần xây dựng nâng cao vị trí của HTCT cơ sở trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tập trung xây dựng và thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp. Trước hết, cần xây dựng nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trên cơ sở đó đánh giá tôn vinh cán bộ, công chức có chất lượng cao về làm việc tại các cơ quan dân tộc và vùng DTTS; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng; tạo môi trường làm việc thu hút. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chú trọng đổi mới nội dung và công tác tuyên truyền. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đẩy mạnh công tác VĐQC, từ đó tiếp tục đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo công tác VĐQC của các tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực làm công tác VĐQC ở vùng đồng bào DTTS…
 
Hồng Hải