ĐH Đà Lạt và Hàn Quốc ký hợp tác đào tạo về điện hạt nhân trị giá 2 triệu USD

03:02, 19/02/2014

(LĐ online) - Ngày 19/2, Trường Đại học Đà Lạt và phía Hàn Quốc chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân trong 2 năm với tổng kinh phí Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu USD.

(LĐ online) - Ngày 19/2, Trường Đại học Đà Lạt và phía Hàn Quốc chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân trong 2 năm với tổng kinh phí Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu USD. Theo đó, Hàn Quốc chuyển giao cho Trường ĐH Đà Lạt hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân vào tháng 11/2014 để vận hành nghiên cứu; cung cấp thông tin nền công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc; huấn luyện cán bộ và hỗ trợ đào tạo sinh viên ĐH Đà Lạt. 
 
 Trao biên bản ký kết giữa ĐH Đà Lạt với Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc
Trao biên bản ký kết giữa ĐH Đà Lạt với Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc
 
GS, TS Kim Si Hwan đến từ ĐH Han Yang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc, người chịu trách nhiệm nội địa hóa, tự chủ hóa công nghệ điện hạt nhân tại Hàn Quốc cho biết: Từ chỗ ban đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc chỉ có tỷ lệ nội địa hóa 8% nay đã đạt 95%, vì vậy, bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ giúp ĐH Đà Lạt đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật điện hạt nhân đạt được trình độ công nghệ này. Trường ĐH Đà Lạt có bề dày như một số trường ĐH ở Hàn Quốc, tôi hy vọng sinh viên ĐH Đà Lạt có thể góp phần quan trọng về lĩnh vực điện hạt nhân ở Việt Nam. Trước mắt, Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu USD cho ĐH Đà Lạt, sau 2 năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác. Mục đích cuối cùng là thành lập được một phòng thí nghiệm về kỹ thuật hạt nhân tại ĐH Đà Lạt. Ông Kim khẳng định thêm: ở Hàn Quốc có 23 nhà máy điện hạt nhân, trong hơn 30 năm vận hành chưa có một sự cố nào xảy ra. Vì vậy, để nâng cao tính an toàn cần phải vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố. 
 
Sau lễ ký kết, phía Việt Nam có đại diện Trường ĐH Đà Lạt, Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Điện lực… cùng các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực điện hạt nhân đến từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và công ty của Hàn Quốc hội thảo cụ thể hóa nội dung bản ký kết.  
 
MINH ĐẠO