Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ để cùng phát triển

04:02, 12/02/2014

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đã phát huy tác dụng, hiệu quả; một số chính sách được sửa đổi, bổ sung theo hướng thiết thực, phù hợp với đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đã phát huy tác dụng, hiệu quả; một số chính sách được sửa đổi, bổ sung theo hướng thiết thực, phù hợp với đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện tốt các chính sách góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
 
Tuy nhiên, vùng dân tộc, miền núi và công tác dân tộc vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém: kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với các vùng miền khác trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn bất cập; đời sống đồng bào dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn...
 
Trước thực trạng trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau: 
 
Trước hết, các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau của các dân tộc anh em để cùng phát triển; củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc với Đảng, Nhà nước và tạo sự ổn định chính trị. Phải xác định công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc. Ưu tiên tìm nguồn lực nhằm thực hiện tốt hơn chính sách đã ban hành; giúp giảm nghèo nhanh và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc. 
 
Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất phù hợp phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đảm bảo hiệu quả; phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, được giao trả lại cho các địa phương sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch của địa phương, trong đó ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp đồng bào tiếp cận vốn và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa.
 
Các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát lại các chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cho học sinh các trường nội trú, bán trú và các chính sách khác về giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của vùng dân tộc và miền núi. Ngành giáo dục cần nghiên cứu mô hình các trường phổ thông học chung giữa con em các dân tộc trên địa bàn để tạo môi trường giao lưu, đoàn kết, giúp đỡ nhau của các em; đồng thời quan tâm đầu tư ký túc xá cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú.
 
Cần nhận thức đúng đắn về khía cạnh xã hội của vấn đề di dân tự do để có giải pháp xử lý tổng thể; trong đó cần làm tốt công tác quy hoạch dân cư, rà soát, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, tính toán, phân bổ nguồn lực hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, ổn định dân cư... Và nhiệm vụ quan trọng nữa là phải quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng; ngăn chặn âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. 
 
Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có nhiều đồng bào các dân tộc anh em chung sống; đồng thời cũng là địa phương có đông dân cư trong cả nước hội tụ về xây dựng kinh tế mới. Trong những năm qua, Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác dân tộc, phát triển vùng sâu, vùng xa. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng nông thôn nói chung có nhiều chuyển biến, cải thiện tích cực. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,3% (giảm 2,01% so với đầu năm), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc còn 10,1% (giảm 6,1% so với đầu năm). Tỉnh đang nỗ lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để hết năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5 - 2%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4-5%. 
 
BÌNH NGUYÊN