Đời người - đời rừng

02:02, 26/02/2014

Là học trò của GS Võ Quý, tiến sĩ Nguyễn Cử trở thành một trong những nhà "điểu học" hàng đầu ở Việt Nam. Từ niềm say mê ấy, ông có công đóng góp lớn về quản lý bảo tồn cho các khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà. 

Là học trò của GS Võ Quý, tiến sĩ Nguyễn Cử trở thành một trong những nhà “điểu học” hàng đầu ở Việt Nam. Từ niềm say mê ấy, ông có công đóng góp lớn về quản lý bảo tồn cho các khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà. 
 
Nhà khoa học Nguyễn Cử trên đỉnh Lang Bian những năm trước
Nhà khoa học Nguyễn Cử trên đỉnh Lang Bian những năm trước
 
Không làm kinh tế chỉ mê rừng 
 
Những năm kháng chiến, 3 anh em quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh ấy cùng vào quân ngũ khi đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học. Ông cười sảng khoái: “Cả ba anh ra trận mà tất cả đều trở về cười với nhau, không ai sứt sa gì cả… ha… ha… Chúng tôi đều sống cả!”. Với Nguyễn Cử, 32 tuổi, đang học đại học năm 3 thì nhập ngũ theo đợt vét tháng 5 năm 1972. Ông được kết nạp Đảng ngay năm đó và vào cứ của Trung ương cục... Khi Sông Bé giải phóng, tướng Đinh Đức Thiện - Cục trưởng Tổng cục Hậu cần nói với trung sĩ Nguyễn Cử: “Chuẩn bị cùng tao đi làm kinh tế”. Vị tướng yêu thích thiên nhiên ấy biết tên Nguyễn Cử qua những con chim và thú nhồi bông ở Bảo tàng Động vật của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đấy là công việc của ông khi là nhân viên bộ môn động vật học, năm 1959. 
 
Nhưng rồi Nguyễn Cử không theo tướng Thiện làm kinh tế, ông trở lại Hà Nội học tiếp năm cuối đại học ngành Sinh học. Trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh vật học thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Nguyễn Cử trở lại những cánh rừng Trường Sơn. Lại ba lô, tăng võng trên vai, mở đường mòn, ngủ rừng… Nguyễn Cử tham gia điều tra nguồn tài nguyên sinh vật. Ông cùng các chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới Tây Nguyên. Nhóm nghiên cứu phát hiện 2 loài chim khướu đặc hữu mới cho khoa học; phát hiện lại loài chim mi núi Bà (Lang Bian) đặc hữu sau hơn 20 năm mới tìm thấy lại ở Việt Nam… Ông già 74 tuổi làm đề tài tiến sĩ sinh học và gắn bó suốt 37 năm với lâm nghiệp Tây Nguyên khoái chí kể: “Toàn bộ đường Trường Sơn tôi đi dọc hết, khổ lắm, thế mà sống sót đến bây giờ đấy! Năm 1995, tôi có 6 tháng ăn ngủ trên mọi đỉnh núi cao ở Lâm Đồng, từ Bắc đến Nam của tỉnh này để điều tra”. Những báo cáo điều tra ấy là cơ sở xây dựng thành các khu bảo tồn sau này như Cát Tiên, Biduop-Núi Bà…
 
Bảo tồn trước hết là đừng làm mất nơi ở 
 
Trong số hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, TS Nguyễn Cử đã đi nghiên cứu hơn một nửa. Ông bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng Việt Nam tại các hội thảo khoa học của 15 nước trên thế giới. Ông say sưa kể về các loài đặc hữu từ gà lôi Hà Tĩnh, Quảng Bình; sao la Đông Dương các loài ở Lâm Đồng như chim mi núi Bà, sẻ thông họng vàng, khướu Yersini Lang Bian, khướu ngực đốm Di Linh, tê giác Cát Lộc… Ông nói: Người địa phương phải tự hào vì những loài quý ấy để nhận thức mà bảo vệ. 
 
- Các nhà khoa học xác định được số lượng từng loài đặc hữu ở Lâm Đồng như ông vừa nói ? - tôi hỏi. 
 
- Dĩ nhiên chưa có nghiên cứu về số lượng. Nhưng tôi biết, trừ con sẻ thông họng vàng số lượng không giảm nhiều nhờ còn rừng thông, còn loài khác như khướu, gà lôi trắng… dễ bị bắt. Loài lan cũng bị giảm do nhu cầu người sử dụng ngày càng cao. Quan trọng nhất là đừng làm mất nơi ở của nó, sau đó nghiên cứu sau.  
 
TS Cử còn khai triển nhiều điều về công tác bảo tồn nói chung. Rằng, cần tập trung những nơi có đa dạng sinh học cao để khoanh vùng bảo tồn. Hiện chúng ta còn bảo tồn vùng quá hẹp, còn chia cắt vì rừng bị chặt nhiều quá. Một trong những cách khắc phục là phải xây dựng những hành lang đa dạng sinh học để khoanh vùng bảo tồn. Mục tiêu cuối cùng là bảo tồn đa dạng sinh học. Khuynh hướng bây giờ là phải dựa vào cộng đồng. Việc đưa dân ra khỏi khu bảo tồn là không khả thi vì quá đắt đỏ, cho nên cần phân khu bảo tồn và định nghĩa lại khái niệm “vùng đệm”. Có “vùng đệm” trong và “vùng đệm” ngoài, vấn đề là ranh giới. Người dân ở trong khu bảo tồn gọi là “vùng đệm” trong. Sự thay đổi đa dạng sinh học là phải có sự tham gia của cộng đồng, dựa vào cộng đồng, nhưng vấn đề kinh phí lấy ở đâu để duy trì lâu dài…“Quan trọng không phải là trồng mới mà khôi phục được rừng tự nhiên, bồi dưỡng phát huy độ giàu vốn có của nó”, ông Cử nhấn mạnh.   
 
Và rằng, mục tiêu lập khu bảo tồn là bảo tồn đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học bị đe dọa bởi các đe dọa khác nhau. Ta không thể ưu tiên tất cả vì năng lực tài chính có hạn, do đó phải ưu tiên cái gì làm trước, cái gì làm sau. Ví dụ, săn bắt là số 1, muốn giảm thiểu phải nâng cao năng lực kiểm lâm thực thi pháp luật. Coi đây là một hoạt động lớn do đó phải có những hành động nhỏ cụ thể thích ứng. Các hành động đó phải có sự tham gia của cộng đồng, từ chính quyền địa phương đến các nhà khoa học và người dân… Dự án bảo tồn rừng quốc gia Biduop-Núi Bà đang được TS Nguyễn Cử và nhóm nghiên cứu cụ thể hóa từng phần việc theo hướng hoạt động - hành động như vậy.   
 
MINH ĐẠO