Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đơn Dương

04:02, 27/02/2014

Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 15% và cuối năm 2013 tỷ lệ này chỉ còn 9,09%. Kết quả này đang minh chứng thực tiễn đúng hướng về mặt quản lý nhà nước và sự bắt nhịp năng động của mỗi người dân. 

Huyện Đơn Dương có gần 5.400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 30.230 nhân khẩu, chiếm 31% dân số toàn huyện. Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 15% và cuối năm 2013 tỷ lệ này chỉ còn 9,09%. Kết quả này đang minh chứng thực tiễn đúng hướng về mặt quản lý nhà nước và sự bắt nhịp năng động của mỗi người dân. 
 
Nhiều hộ nông dân người DTTS đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất
Nhiều hộ nông dân người DTTS đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất
 
Chính sách đồng bộ
 
Quan tâm đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, một hệ thống chính sách đồng bộ, kịp thời trong định hướng, chỉ đạo, triển khai thực hiện đã tạo diện mạo vùng đồng bào DTTS ở Đơn Dương cũng như nhiều vùng khác trong tỉnh Lâm Đồng. Huyện Đơn Dương đang phấn đấu đạt danh hiệu huyện “nông thôn mới” đầu tiên của cả nước, đồng thời tích cực tiếp tục thay đổi cơ bản trong vùng đồng bào DTTS. Về xóa đói giảm nghèo, năm 1997, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn huyện 60% nhưng nay chỉ còn 9,09%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt trên 15%. Đạt được thành tựu lớn như vậy, trước hết là những “cú hích” mạnh của Nhà nước. Tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS từ năm 1997 đến năm 2013 đạt khoảng 160,862 tỷ đồng. Vốn đầu tư này là cụ thể hóa của các Chương trình 134, 135, 167, 168, Định canh định cư; Hàng chính sách miền núi; Chương trình 30a, “Nông thôn mới”, Dự án điện Tây Nguyên; Chương trình thủy lợi vừa và nhỏ, khuyến nông, khuyến lâm .v.v…
 
Ngoài các chương trình, dự án trên, Đơn Dương còn lồng ghép đầu tư hàng chục tỷ đồng từ chương trình kiên cố hóa trường lớp, dự án giao thông nông thôn… Nhờ vậy hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS ở huyện này vào loại khang trang nhất của tỉnh Lâm Đồng. Toàn huyện hiện có tổng chiều dài đường giao thông hơn 531 km, trong đó hơn 20% đường nhựa, gần 80% đường đá cấp phối. Đơn Dương đã cơ bản hoàn thành mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, liên xã; 10/10 xã và thị trấn có đường nhựa kiên cố đến trung tâm; đường thôn, liên thôn có hơn 2% trải nhựa, còn lại đất đá cấp phối. Với nguồn nước phục vụ sản xuất, đến nay huyện đã có 43% diện tích được tưới, trong đó vùng đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng 16 công trình thủy lợi với tổng công suất tưới 854 ha. Đến nay, 100% xã ở Đơn Dương có trường tiểu học và THCS; các thôn đều có lớp mẫu giáo…
 
Yếu tố con người quyết định 
 
Nói đến con người là nói đến bản thân đồng bào DTTS và đội ngũ cán bộ. Ở Đơn Dương, đời sống của đồng bào DTTS chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy, chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành và hành động của người dân gắn chặt vào thực tiễn này. Từ thâm canh tăng năng suất, sản lượng đến chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng giá trị thương phẩm nông sản… Nhưng để thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao năng lực sản xuất của người dân là cả một quá trình. Hai yếu tố thuận lợi và tác động sâu sắc đến quá trình này là dân cư các DTTS ở xen kẽ với dân tộc Kinh và sự đầu tư nguồn nhân lực tại chỗ. Văn hóa vừa là đòn bẩy vừa là động lực thúc đẩy đời sống đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Túc chia sẻ: “Vấn đề là phải xác định cho được công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho việc phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS”. 
 
Nhờ vậy, thực tiễn công tác dân tộc ở huyện Đơn Dương đạt hiệu quả ở nhiều phương diện. Từ tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội và các chương trình giáo dục, y tế… Bài học còn cho thấy cần thường xuyên củng cố nâng cao vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và tính đồng bộ cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị với toàn dân. 
 
Dĩ nhiên công tác dân tộc chưa thể thỏa mãn, mà hơn thế cần phát huy những mặt mạnh trong thời gian tới. Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương Ka Sung nhấn mạnh: Năm 2014, huyện Đơn Dương phát huy cao nhất hiệu quả của kết cấu hạ tầng; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Đơn Dương tiếp tục tăng tốc đẩy mạnh phong trào xây dựng “Nông thôn mới” để kịp về đích như kế hoạch…
 
MINH ĐẠO