Đổi thay ở Đạ M'rông

02:02, 23/02/2014

Với những người ở xa lâu mới có dịp trở lại, một Đạ M'rông trong góc rừng xa vắng ngày xưa giờ đang thay đổi rất nhanh. 

Với những người ở xa lâu mới có dịp trở lại, một Đạ M’rông trong góc rừng xa vắng ngày xưa giờ đang thay đổi rất nhanh. 
 
Nằm ở phía bắc huyện Đam Rông, giáp giới với huyện Lăk của Đăk Lăk, cách trung tâm huyện chừng 30 km, Đạ M’rông là một trong những xã vào hàng khó khăn nhất của huyện nghèo Đam Rông. Trong gần 800 hộ dân hiện nay với khoảng 4.400 nhân khẩu, cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên như Cil, M’nông chiếm gần 94% dân số. 
 
 Các giáo viên Trường Mầm non Đạ M’rông
Các giáo viên Trường Mầm non Đạ M’rông
 
Không khó để nhận thấy đường sá, nhà cửa nơi đây nay đã khác trước rất nhiều. Không còn cảnh leo dốc lội suối khi vào xã như xưa, con đường 30 km từ trung tâm huyện vào đây đã mở rộng, trải nhựa, xe bon chạy. Hai bên đường thỉnh thoảng là những vạt rừng trồng xanh mướt của người dân. Trung tâm xã khang trang với trụ sở chính quyền, trạm y tế, trường học.
 
Để tạo điều kiện cho gần 1.200 học sinh trong xã đi học gần nhà, bên cạnh Trường Trung học cơ sở Đạ M’rông tại trung tâm xã với 14 lớp, trên 370 học sinh, xã còn có 2 trường tiểu học: Tiểu học Đạ M’rông 16 lớp, 386 học sinh và Tiểu học Dơng Jri 7 lớp với 158 học sinh. Ngay trung tâm xã còn có Trường Mầm non Đạ M’rông với 255 cháu. Tất cả các trường học này đều được đầu tư xây mới những năm gần đây, trong năm vừa qua tiếp tục xây thêm cổng, tường rào, sửa sang lại sân trường, trồng thêm cây xanh. Cùng đó, một phân trường cho các cháu mẫu giáo cũng vừa được xây tại thôn Liêng Krắc 2 trong năm 2013 để các bà mẹ trong thôn này hằng ngày gửi con học gần hơn. 
 
Hàng loạt các công trình khác từ nhiều nguồn vốn cũng được xây dựng tại xã nghèo này trong năm 2013 như hội trường thôn Liêng Krắc I với sự hỗ trợ từ một đơn vị đỡ đầu; làm một chiếc cầu nối 2 thôn Đa Tế với thôn Liêng Krắc 2 để người dân đi lại, xây hội trường thôn Tu La. Các công trình này do Dự án Phát triển Lâm nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. 
 
Tuy nhiên, công trình lớn đang góp phần thay đổi tích cực diện mạo xã hiện nay chính là việc mở rộng con đường giao thông từ Hồ 1 thôn Đa La đến Đa Xế có tổng chiều dài trên 4km. Trong năm 2013 vừa qua, từ nguồn vốn 135 xã đã san bạt mở rộng nền đường trên 1 km, rải đá cấp phối với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Trong năm nay con đường sẽ được xã tiếp tục thi công với hạn mức kinh phí chừng 1 tỷ đồng cho đoạn tiếp theo và dự kiến trong năm 2015 phải thêm 1 tỷ đồng nữa để hoàn tất con đường này. 
 
Trong giảm nghèo, Đạ M’rông cũng là một điểm sáng của huyện Đam Rông. Đầu năm 2013, toàn xã vẫn còn 276 hộ nghèo với 1.578 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ đến 36,8% tổng số hộ dân trong xã. Cuối năm 2013, trong đợt rà soát lại, toàn xã chỉ còn 178 hộ nghèo với 833 khẩu, chiếm 22,7%, giảm 14 % so với đầu năm. 
 
Bên cạnh khuyến khích người dân tự vươn lên trong sản xuất làm ăn, theo UBND xã Đạ M’rông cho biết, các hộ nghèo trong xã lâu nay trong nỗ lực thoát nghèo còn nhận được không ít sự hỗ trợ từ nguồn lực của Nhà nước và của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh chung tay giúp sức. Cụ thể như trợ giống và phân bón cho lúa (diện tích trồng lúa, bắp của xã khá lớn), hỗ trợ cây giống và phân bón để cải tạo vườn hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều loại cây mới được trồng như mắc ca, cà phê, ca cao, chuối… và diện tích các loại cây này đang tăng lên tại đây; hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo trong chăn nuôi. Trung bình những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 20 hộ nghèo trong xã mỗi hộ được cấp một con bò cái để nuôi sinh sản. Tổng đàn bò của xã hiện nay đã trên 800 con. 
 
Theo ông Cil Ha Noen, Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông, một nguồn thu khác mà người dân nơi đây đang mong chờ chính là diện tích rừng trồng đang đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh số hộ được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 1.300 ha, chừng 300 gia đình nơi đây còn nhận đất trồng rừng, trung bình 1,2 ha/nhà. Đa số diện tích rừng này được trồng keo, hiện có tuổi từ 3 - 4 năm. Theo ông Noen, giá thị trường mỗi ha hiện nay cũng từ 50 - 60 triệu đồng, một số tiền không nhỏ cho các hộ trồng rừng. 
 
Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2013 vừa qua, Đạ M’rông qua kiểm tra đã đạt được 5 tiêu chí (gồm văn hóa, bưu điện, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên). Xã phát động phong trào vận động người dân góp sức trong xây dựng đường giao thông nông thôn, mở rộng các con đường làng, góp sức làm cầu Đa Tế. Đặc biệt, trong năm 2013, trong xã có 2 gia đình Đa Cát Ha Bông và Đa Cát Ha Tin đã tự nguyện hiến gần 2 sào đất để làm trạm y tế xã, là tấm gương tiêu biểu của xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới rất đáng được biểu dương. 
 
Mục tiêu lớn nhất của Đạ M’rông trong năm 2014 này theo ông Noen vẫn chính là việc giảm nghèo. Xã đang phấn đấu đến cuối năm 2014 giảm con số hộ nghèo chỉ còn lại khoảng 11%. Cùng đó, đưa tỷ lệ hộ dùng điện từ 95% dân số hiện nay lên 98%; 75% gia đình trong xã được dùng nước sạch; vận động các hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt từ 70% trở lên); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba… Trong xây dựng nông thôn mới, xã cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trong năm nay và đạt tiêu chí về quy hoạch nông thôn. 
 
Vẫn còn không ít khó khăn cho một xã nghèo vùng sâu như Đạ M’rông để bắt kịp với các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đạ M’rông trên đường thoát nghèo vẫn đang rất cần sự hỗ trợ từ nguồn lực của cả cộng đồng, của người dân trong tỉnh. “Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay trong xây dựng giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới chính là người dân rất nghèo nên chỉ đóng góp được công sức mà thôi trong khi vẫn còn nhiều con đường vào các thôn chỉ là đường đất. Cho nên chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ vốn để bê tông hóa còn xã sẽ vận động người dân đóng góp công làm” - ông Cil Ha Noel nói.
 
GIA KHÁNH