Giải pháp giữ rừng thượng nguồn sông Đồng Nai

02:02, 21/02/2014

(LĐ online) - Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích rừng và đất rừng trong lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể trong những năm qua. Đến hết năm 2009, giảm 2,6% và cuối năm 2013 con số này đã tăng lên đến 4,3% so với tổng kiểm kê năm 1999. 

(LĐ online) - Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích rừng và đất rừng trong lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể trong những năm qua. Đến hết năm 2009, giảm 2,6% và cuối năm 2013 con số này đã tăng lên đến 4,3% so với tổng kiểm kê năm 1999. 
 
Trước thực trạng đáng báo động ấy, Lâm Đồng đã có nhiều chủ trương và biện pháp để bảo vệ và phát triển rừng trong lưu vực sông. Hàng năm, rất nhiều chương trình, chính sách, dự án về lâm nghiệp đã được triển khai, qua đó tạo lập sự cân bằng về sinh thái, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, giới chức địa phương và các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này vẫn xem đây là một “cuộc chiến” đầy cam go, mất rất nhiều thời gian và tốn kém về tiền bạc.
 
Trong hội thảo gần đây nhất của các tỉnh nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, Đ/c Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Lâm Đồng có 579.669 ha rừng/977.354 diện tích tự nhiên của tỉnh, tỷ lệ che phủ của rừng 60,4%, trong đó diện tích rừng trong lưu vực sông Đồng Nai chiếm 51%. Cùng với điều kiện lập địa, khí hậu đặc thù đã tạo ra môi trường rừng đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn sinh thủy lưu vực sông Đồng Nai và Đông Nam Bộ. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp tăng cường bảo vệ và phát triển rừng khu vực thượng nguồn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh là cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT, diện tích rừng thuộc khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai bị mất bởi hai nguyên nhân chính, đó là dân số tiếp tục gia tăng, nên nhu cầu sử dụng đất tăng theo. Thêm vào đó, năng suất cây trồng nông nghiệp và cây công nghiệp chưa được cải thiện, năng suất thấp dẫn đến thu nhập và sinh kế cộng đồng, hộ dân giảm. Từ đó, tạo áp lực mở rộng diện tích sản xuất cây nông nghiệp, cây công nghiệp và đất rừng. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình xây dựng quốc gia, nhất là xây dựng công trình thủy điện, đường giao thông, xây dựng công trình xây dựng cơ bản cho các hoạt động dự án. Đặc biệt đối với công trình thủy điện được cung ứng nước từ lưu vực sông Đồng Nai có diện tích rừng phải xây dựng công trình thủy điện rất lớn. Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang xây dựng các công trình thủy điện trên 1.886 ha.
 
Ngoài ra, rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh còn bị suy thoái bởi những tác động về cháy rừng bởi chưa thực hiện tốt các giải pháp lâm sinh (khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng hợp lý). Khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên với tác động cao, cũng là nguyên nhân dẫn đến khả năng phục hồi của rừng chậm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng tre nứa sang trồng rừng kinh tế, trồng cây cao su độc canh đơn loài; tình trạng khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép; phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép làm đất sản xuất cũng được xem là những tác động dẫn đến việc rừng thượng nguồn sông Đồng Nai bị mất trắng và suy thoái nghiêm trọng.
 
Để công tác bảo vệ và phát triển rừng thượng nguồn sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, thời gian vừa qua, Lâm Đồng cũng đã quy hoạch khu vực này thành 3 loại rừng. Theo đó, trong tổng số gần 436.000 ha, rừng sản xuất chiếm 59%; rừng phòng hộ chiếm 31,4% (trong đó phần lớn là rừng phòng hộ xung yếu cho các hồ đập, công trình thủy điện) và rừng đặc dụng với gần 42.000 ha, chỉ chiếm 9.6% (phần lớn diện tích này được tập trung trên toàn bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên và một phần Vườn Quốc gia Biduop Núi Bà).
 
Thực vật và động vật rừng của Lâm Đồng chủ yếu tập trung ở 2 Vườn Quốc gia Cát Tiên và Biduop - Núi Bà với 2.647 loài thực vật rừng, 91 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát - lưỡng cư, 368 loài bướm và 111 loài cá (trong đó, có: 206 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong sách đỏ Việt Nam, 99 loài bị đe dọa toàn cầu được liệt kê trong danh lục đỏ ICYN và 110 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ). 
Hiện nay, diện tích rừng trong lưu vực đang được thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển cho 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 15 Ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia. Phần nhỏ còn lại là diện tích quản lý thuộc các đơn vị của TW, địa phương đóng trên địa bàn và các doanh nghiệp thuê đất, hộ gia đình được thuê đất, giao đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng mất rừng vẫn tăng theo từng năm, bởi địa bàn khoán bảo vệ rừng ở một số khu vực bị dàn trải, chia cắt, giáp ranh với nhiều địa phương nên rất khó khăn trong việc tuần tra bảo vệ. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến nguồn sinh thủy hệ thống sông Đồng Nai. Thêm vào đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ; sự phối hợp giữa đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng, chính quyền sở tại còn hạn chế ở nhiều mặt.
 
Mục tiêu đến 2015 của Lâm Đồng là sẽ nâng độ che phủ của rừng trong lưu vực đạt 61%, trong điều kiện vừa phải đảm bảo việc phát triển KT-XH từ tài nguyên rừng, vừa ổn định được môi trường sinh thái, ổn định cơ cấu 3 loại rừng theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 5/1/2013 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020. Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái chất lượng nước, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, đảm bảo được mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2011-2015.
 
Để đạt được mục tiêu đó, không chỉ riêng ngành nông nghiệp phải “xắn tay” vào cuộc. Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai trên diện rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vận động sự tham gia tích cực, đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tốt các phương án quản lý rừng bền vững để sử dụng, bảo vệ rừng hợp lý.
 
Hiện nay, các khu vực có mối đe dọa cao đến động, thực vật của 2 vườn quốc gia này là tuyến đường huyết mạch Tỉnh lộ 723 huyện Lạc Dương đi qua Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà, khu vực huyện Bảo Lâm và Cát Tiên, nơi đã và đang triển khai các công trình thủy điện, trồng rừng kinh tế, cây cao su.
 
Việc đầu tư các công trình thủy điện và thu hút dự án đầu tư góp phần tăng nguồn thu từ sản xuất thủy điện và các thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của hệ sinh thủy thuộc hệ thống sông Đồng Nai về điều tiết và ổn định dòng chảy, chia cắt nơi cư trú của các loài động vật quý hiếm.
Tập trung khai thác nguồn lực tài chính từ dịch vụ môi trường rừng để tăng cường khoán bảo vệ rừng. Cho đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng đã triển khai và thực hiện rất tốt vấn đề này. Đã có trên 348.222 ha (diện tích lưu vực sông Đồng Nai) được giao khoán QLBVR từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổng nguồn thu từ dịch vụ này là 110 tỷ đồng, đây là số tiền được 17 nhà máy sản xuất thủy điện, 6 nhà máy sản xuất nước sinh hoạt và 11 đơn vị kinh doanh du lịch chi trả. Theo ước tính, nguồn tài chính này tương ứng với ngân sách nhà nước thu được khi khai thác và bán cây đứng gỗ rừng tự nhiên cho gần 34.000m2. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là nguồn tài chính bền vững cần duy trì do lợi ích sinh kế đem lại cho người dân, cộng đồng bảo vệ rừng, gìn giữ rừng mà không thực hiện các giải pháp tác động “Lấy rừng nuôi rừng bằng chính giá trị trực tiếp của lâm sản”.
 
Thêm một vấn đề nữa để giảm áp lực cho rừng thượng nguồn sông Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau hỗ trợ nhân dân sản xuất (trồng trọt và chăn nuôi), qua đó giúp một bộ phận người dân sống trong khu vực nâng cao được thu nhập để giảm nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
 
Lâm Đồng cùng 11 tỉnh, thành khác trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, đang được hưởng những nguồn lợi quý giá từ môi trường mà lưu vực con sông này mang lại. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực sông nếu không được quản lý chặt chẽ, hiệu quả và duy trì thường xuyên sẽ dẫn đến hệ quả khó lường.
 
Đăng Lộ