Góp sức nhỏ cho công việc lớn

04:02, 25/02/2014

Thầm lặng và gắn bó với công việc hộ lý ở Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, chị Trần Thị Kim là một trong những người đã không ngại khó khăn để góp sức nhỏ của mình cho công việc lớn của cả Trung tâm.

Đến bệnh viện, điều nhiều người quan tâm nhất là bác sỹ nào giỏi tay nghề, khoa, phòng nào làm tốt chuyên môn. Ít ai nghĩ rằng, để giữ cho môi trường bệnh viện luôn sạch sẽ, tạo điều kiện cho các bác sỹ, các khoa, phòng thực hiện tốt công việc của mình thì rất cần đến đôi tay của những người hộ lý. Thầm lặng và gắn bó với công việc hộ lý ở Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, chị Trần Thị Kim là một trong những người đã không ngại khó khăn để góp sức nhỏ của mình cho công việc lớn của cả Trung tâm.
 
Nữ hộ lý Trần Thị Kim với công việc hàng ngày tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh
Nữ hộ lý Trần Thị Kim với công việc hàng ngày tại
Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh
 
Năm nay 48 tuổi, chị Kim đã gắn bó với nghề hộ lý tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh gần 15 năm qua. Trong chừng ấy năm, chị đã đảm nhiệm việc hộ lý ở tất cả các khoa, phòng của Trung tâm, từ Khoa Nội, Ngoại, Nhi đến Khoa Sản, Cấp cứu.  Nơi nào, chị cũng làm tốt công việc của mình và được các đồng nghiệp, các y bác sỹ quý mến và nể trọng.Ba năm trở lại đây, một mình chị nhận làm việc hộ lý tại khu vực phòng khám, dược và cận lâm sàng của Trung tâm.Diện tích phòng lớn, lượng người đến khám chữa bệnh hàng ngày đông nên công việc của chị rất nhiều.Để cho việc khám chữa bệnh diễn ra thuận tiện, chị đã sắp xếp thời gian “đi sớm về muộn” để không làm ảnh hưởng đến bệnh nhân và bác sỹ. Chị chia sẻ: “Việc đi sớm về muộn Trung tâm không bắt buộc nhưng nếu mình làm vệ sinh đúng giờ khám thì sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân và bác sỹ. Do đó, mỗi buổi sáng tôi thường đến làm việc lúc 4 - 5 giờ và sau khi bệnh nhân về hết vào buổi chiều thì tôi lại tiếp tục dọn dẹp. Nói như vậy không có nghĩa là lúc các bác sỹ khám bệnh thì mình lại được nghỉ. Những lúc đó, tôi lại lau dọn tại phòng họp, phòng lãnh đạo và túc trực để “xử lý” những “sự cố” mà bệnh nhân gây ra trong quá trình khám chữa bệnh”. Những sự cố mà chị Kim nhắc đến chính là những vết máu, chất nôn ói hoặc những mẫu bệnh phẩm như phân, đàm, nước tiểu của bệnh nhân. Khi được hỏi chị có ghê sợ những chất “nhạy cảm” đó không, chị cười bảo: “Biết rằng môi trường làm việc gặp nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng mình vẫn làm. Thấy các khoa, phòng lúc nào cũng sạch sẽ, hành lang và nhà vệ sinh không bùn đất hoặc các chất thải là mình thấy vui rồi. Vui vì biết rằng nhờ đó mà sức khỏe của bệnh nhân sẽ mau bình phục hơn”.
 
Công việc hàng ngày của chị Kim quét dọn sảnh khám bệnh, hành lang, lau kính, lau chùi nhà vệ sinh… Chừng đó công việc tưởng chừng đơn giản cho cả một ngày làm việc. Thế nhưng, với lượng bệnh nhân đến khám hàng ngày tại Trung tâm vào khoảng 120 đến 150 người, cộng với đặc thù của vùng Đạ Tẻh nhiều đồng ruộng, sình lầy nên dường như không lúc nào chị Kim được nghỉ tay. Ngay cả côn trùng của những cánh đồng xung quanh cũng là một “trở ngại” lớn cho công việc của chị, khi hàng đêm chúng bay vào bu kín các bóng đèn, cánh rơi đầy và bám sát các hành lang. Cả Trung tâm có 9 hộ lý thì đã chia đều cho các khoa, phòng. Riêng khu khám bệnh có 6 phòng khám nhưng chỉ có mình chị Kim đảm nhiệm nên công việc khá nhiều.“Nhiều hôm có việc bận muốn nghỉ cũng không dám nghỉ vì chẳng có ai thay thế.Việc nhiều là thế nhưng lắm khi bệnh nhân cũng khiến mình buồn lòng vì khi vừa dọn xong họ lại xả rác, khạc nhổ bừa bãi.Mình nhắc nhở thì họ lại bảo làm thế “mấy bà” mới có việc mà làm.Những lúc như thế mình chỉ cố gắng làm và làm thật tốt công việc của mình” - chị Kim tâm sự.
 
Những lúc làm xong phần việc của mình, chị Kim còn phụ các bác sỹ, điều dưỡng tại phòng khám cấp phát số khám bệnh, đưa bệnh nhân xuống khoa, đến phòng chụp X Quang, siêu âm… Niềm vui của chị chỉ đơn giản là được chồng con ủng hộ công việc. Đôi khi thấy lời động viên, hỏi thăm của mình cũng khiến bệnh nhân vui và bớt lo lắng cho bệnh tình, như thế chị càng có động lực để làm việc.Ngoài công việc chính thì chị Kim cũng là người rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động của Ban nữ công, thường xuyên tham gia các phong trào múa hát của Trung tâm. Bác sỹ Đặng Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, bộc bạch: “Dù làm công việc gì trong Trung tâm thì cũng không ngoài nhiệm vụ chăm sóc cho bệnh nhân. Công việc hộ lý như chị Kim càng đáng quý khi chị luôn ý thức trong công việc, không ngại khó, đi sớm về muộn để làm tốt nhất công việc được giao. Đặc biệt, công việc của hộ lý khá nhạy cảm vì tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, nếu làm không tốt, không hòa nhã với mọi người sẽ rất dễ gây phản cảm.Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chị Kim luôn tạo được thiện cảm với nhiều người”.
 
Không tự ti công việc mình là thấp hèn trong Trung tâm, bản thân chị Kim luôn ý thức về tầm quan trọng của công việc mình làm. Chị luôn tự rèn luyện và học hỏi những đồng nghiệp đi trước để nâng cao tay nghề. Hàng năm, tại các cuộc thi nâng cao tay nghề, thi cấp giấy chứng nhận y công, chị Kim đều đạt loại giỏi. Mới đây, chị Kim đã được Hội đồng thi đua khen thưởng của Trung tâm chọn là gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không cần những việc làm to tác, lớn lao, chỉ với công việc hộ lý thầm lặng, chị Kim và những hộ lý khác đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm.
 
ĐÔNG ANH