K'Brẻoh - "gương sáng" của buôn làng

03:02, 13/02/2014

Đến xã Tam Bố (huyện Di Linh), khi hỏi ông K'Brẻoh (ở thôn 5) hầu như ai ai đều biết. Bởi ông không chỉ là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn mà còn là một tấm gương điển hình của sự cần cù, vượt khó làm kinh tế giỏi của xã. 

Đến xã Tam Bố (huyện Di Linh), khi hỏi ông K’Brẻoh (ở thôn 5) hầu như ai ai đều biết. Bởi ông không chỉ là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn mà còn là một tấm gương điển hình của sự cần cù, vượt khó làm kinh tế giỏi của xã. 
 
Nhờ canh tác cà phê, nên gia đình ông K’ Brẻoh đã khá giả
Nhờ canh tác cà phê, nên gia đình ông K’ Brẻoh đã khá giả
 
Trước đây, cũng như bao gia đình đồng bào DTTS khác, K’Brẻoh là nông dân nghèo nhưng ông đã biết cách vượt qua khó khăn bằng chính đôi tay của mình. Nhờ biết tiếp thu và áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên gia đình ông đã có cuộc sống khá giả, với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. 
 
Từ năm 1982 trở về trước, cuộc sống của đồng bào DTTS ở Di Linh nói chung vẫn còn nhiều cơ cực, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Mãi đến sau năm 1982, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con xây dựng được định canh, định cư. Từ đó, bà con DTTS ở huyện Di Linh nói chung và gia đình ông K’Brẻoh nói riêng bắt đầu tạo dựng kinh tế. 
 
Nhờ biết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của những người đi trước và theo học các lớp tập huấn, khuyến nông do huyện, xã tổ chức, ông đã từng bước áp dụng vào ruộng vườn của gia đình, thay đổi cách nghĩ, cách làm và sử dụng các giống lúa mới, bắp lai có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Điều mà ông luôn trăn trở nhất, là làm thế nào để cuộc sống của bà con mình đỡ vất vả, sớm thoát cảnh nghèo khó, vươn lên trong cuộc sống và theo kịp sự phát triển chung của toàn xã hội. Những năm qua, ông đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để trang bị đầy đủ các loại nông cụ phục vụ sản xuất như: Máy bơm nước, máy xịt thuốc, máy làm đất, máy tuốt lúa và bắp, 2 máy xay xát, máy cày 4 bánh và 2 chiếc xe công nông… 
 
Sau khi chia cho các con đã lập gia đình và ra ở riêng mỗi người từ 1 - 1,5 ha cà phê, hiện ông còn lại 5 ha. Với 5 ha cà phê, 2 ha bắp, 1 ha lúa và nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nên năng suất đạt khá cao. Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu được trên 13 tấn cà phê nhân, 15 tấn bắp và 5 tấn lúa. Bên cạnh đó, ông còn mở rộng chuồng trại nuôi heo. Trong quá trình nuôi, do được thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, nên đàn heo phát triển khá tốt, mỗi năm ông cung cấp cho bà con hàng chục con heo giống. Ông còn thuê máy đào 500 m 2 ao chứa nước để vừa chủ động nguồn nước tưới cho vườn cà phê trong mùa khô hạn vừa thả cá để cải thiện đời sống của gia đình.
 
Nói về việc vận động bà con đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ông K’Brẻoh chia sẻ: “Bà con DTTS trong thôn có trình độ dân trí thấp, nên việc tuyên truyền, vận động gặp không ít khó khăn. Muốn bà con nghe theo, điều trước tiên là mình phải làm để chứng minh cho bà con thấy những gì mình nói là đáng tin cậy. Đầu tiên là mình vận động con cháu, họ hàng trong gia đình”. Hiện nay, những người con của ông, ai nấy đều đã có kinh tế gia đình ổn định, có “của ăn, của để”, xây dựng nhà cửa khá khang trang, mua sắm các loại nông cụ phục vụ sản xuất và có điều kiện chăm lo cho con cái học tập…
 
Thấy vậy, nhiều bà con thôn 5 đã tự động tìm đến ông và các con của ông để học hỏi cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, có khá nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo, có những hộ kinh tế gia đình vững vàng và có điều kiện xây dựng nhà cửa từ vài trăm đến 900 triệu đồng, điển hình như: Hộ ông Ya Si, K’Tế, K’Tèn, K’Choàn, Ya Tin, Ya Bông, Ya Luận, Ya Bi. Bên cạnh đó, để giúp cho các hộ còn nhiều khó khăn có điều kiện đầu tư thâm canh phát triển sản xuất, với uy tín của mình, ông đã đứng ra “bảo lãnh” cho bà con vay tiền, ứng trước phân bón với các Đại lý kinh doanh trên địa bàn. Riêng ông còn giúp bà con vay không tính lãi, hỗ trợ nông cụ phục vụ sản xuất khi bà con có nhu cầu…
 
Trong số 241 hộ ở thôn 5 (chủ yếu là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên), từ một thôn nghèo của xã, đến nay đã có 20% hộ có cuộc sống khá giàu và chỉ còn 16 hộ nghèo. Thôn 5 nhiều năm liền được huyện Di Linh công nhận là “thôn văn hóa” cấp huyện và có 99% gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”.
 
NDONG BRỪM