Lạc Dương: Giảm nghèo sâu và bền vững

04:02, 25/02/2014

Sau 5 năm (1998 đến 2013), huyện Lạc Dương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 911 hộ (gần 25,4%) xuống còn 358 hộ (đạt 7%). Toàn huyện hiện có 75,3% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo từ 31,8% năm 1998 xuống còn gần 9% vào cuối năm 2013.  

Sau 5 năm (1998 đến 2013), huyện Lạc Dương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 911 hộ (gần 25,4%) xuống còn 358 hộ (đạt 7%). Toàn huyện hiện có 75,3% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo từ 31,8% năm 1998 xuống còn gần 9% vào cuối năm 2013.  
 
Hộ nghèo YaKha xã Đạ Sar thoát nghèo nhờ phát triển mô hình sản xuất
Hộ nghèo YaKha xã Đạ Sar thoát nghèo nhờ phát triển mô hình sản xuất
 
Hiệu quả tổng lực đầu tư 
 
Trước hết là tác động mạnh của chính sách hỗ trợ. Trong 5 năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Lạc Dương gần 25,6 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi cây trồng, khai hoang, quản lý bảo vệ rừng, học nghề, xây dựng mô hình… Đồng thời, huyện huy động ngân sách của mình gần 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các thôn, tổ dân phố triển khai giảm nghèo nhanh và bền vững. Huyện Lạc Dương là điểm sáng của tỉnh về đầu tư xây dựng mô hình giảm nghèo. Theo chỉ đạo của UBND huyện, các ban ngành huyện phối hợp với các xã lựa chọn các hộ nghèo có đủ điều kiện và lồng ghép các nguồn vốn rồi thành lập các tổ giúp xã thực hiện. Năm 2012, toàn huyện thực hiện 46 mô hình thâm canh cây cà phê, nuôi heo địa phương, nuôi vịt xiêm, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt với tổng vốn hơn 775 triệu đồng. Kết quả, 37 mô hình thoát nghèo, đạt tỷ lệ 80,4%. Năm 2013, có 55 mô hình thâm canh cây cà phê và chăn nuôi bò với tổng vốn hơn 1,172 tỷ đồng, có 41 mô hình thoát nghèo, đạt 74,6%. 
 
Cũng trong 5 năm qua, Lạc Dương thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp 10.706 lượt hộ người nghèo được vay vốn, doanh số cho vay 77,796 tỷ đồng. Năm 2013, thực hiện chính sách mới đối với hộ cận nghèo, huyện có 75 hộ được vay 1,670 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 7.500 lượt người nghèo trong huyện được vay 130 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở, đi lao động ở nước ngoài, học tập… Xác định vấn đề tư liệu sản xuất của hộ DTTS mới ổn định được cuộc sống, một mặt hạn chế người dân lấn chiếm đất rừng làm rẫy, mặt khác huyện Lạc Dương triển khai quyết liệt giao đất sản xuất cho bà con. Nhờ vậy, từ năm 2009 đến 2011, có 511 hộ thiếu đất được giao tổng diện tích 248 ha. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong 2 năm 2009 và 2010 Lạc Dương đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 1.371 hộ nghèo 4 xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim và Đưng K’Nớ với tổng kinh phí hơn 2,585 tỷ đồng. Hiện nay tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng toàn huyện là 79.800 ha, bình quân mỗi hộ 32 ha, thu nhập 9 triệu đồng/hộ/năm…
 
Giảm 6-8% hộ nghèo mỗi năm
 
Theo Nghị quyết của Huyện ủy Lạc Dương, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 5%, trong đó hộ DTTS dưới 10%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng và lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn đầu tư và sự chịu khó vươn lên của hộ nghèo, đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện đã giảm xuống còn 7%, DTTS còn gần 9% (vượt 1%). Hiện, Lạc Dương không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng chính sách. Đặc biệt, xã Lát trong năm 2013 có tới 37 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,54%, hoàn thành tiêu chí “Nông thôn mới”. 
 
Mục tiêu của huyện Lạc Dương phấn đấu năm 2014 còn 5,19% hộ nghèo, hộ DTTS còn 6,71%; hộ cận nghèo không quá 60% trên tổng số hộ nghèo. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện còn dưới 4%, DTTS còn dưới 6%; hộ cận nghèo không quá 50% và hạn chế đến mức thấp nhất hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới. Để đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: Huyện ủy xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, tập trung vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao ý thức tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội. Bài học phát huy là tăng cường công tác phối hợp, tích cực, chủ động của các ban chuyên môn; chính quyền cấp xã thường xuyên kiểm tra để có biện pháp kịp thời…
 
Đánh giá kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Đa Cát Vinh cho rằng đó là hệ quả về trách nhiệm của các cá nhân và tập thể nỗ lực quyết liệt. Để đạt hiệu quả hơn, theo ông Vinh, một bộ phận người dân nghèo phải tiết kiệm chi tiêu, không sinh đông con; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật và tích cực nỗ lực của mỗi thành viên trong gia đình… “Nếu nghèo mà do lười lao động, trông chờ ỷ lại là không thể chấp nhận được. Mặt khác, đầu tư phải gắn giúp đỡ tư vấn, giám sát thông qua các đoàn thể”, ông Đa Cát Vinh nhấn mạnh. 
 
 MINH ĐẠO