Một mô hình kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, lay động lòng người mạnh mẽ

03:02, 26/02/2014

Như thường lệ thứ hai đầu tuần của trung tuần tháng 2/2014 (17/2), cán bộ, giáo viên và 1.200 học sinh Trường THPT Lâm Hà lại sinh hoạt dưới cờ và nghe kể những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Như thường lệ thứ hai đầu tuần của trung tuần tháng 2/2014 (17/2), cán bộ, giáo viên và 1.200 học sinh Trường THPT Lâm Hà lại sinh hoạt dưới cờ và nghe kể những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ có khác, sinh hoạt dưới cờ hôm nay có sự hiện diện của lãnh đạo Sở GD-ĐT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy - UBND huyện, các ban ngành chức năng của huyện Lâm Hà, nên không khí trang nghiêm, long trọng và háo hức hơn đối với thầy cô giáo, học sinh của trường. 
 
 
Sau lời giới thiệu ngắn gọn của thầy giáo dẫn chương trình, bài hát “Mùa xuân trên quê hương” được một học sinh trình bày rất ngọt ngào, tha thiết đã thu hút sự chú ý của các đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh có mặt trong buổi sinh hoạt. Khi cảm xúc của bài hát chưa lắng dịu, thì câu chuyện “Bác Hồ với tết trồng cây” được hai học sinh trình bày dưới hình thức kể chuyện có sự lồng ghép với các bài thơ ca ngợi Đảng, đất nước và Bác Hồ của những nhà thơ nổi tiếng và cả những bài thơ do Bác Hồ sáng tác nói về mùa xuân, về cây xanh với môi trường, về quê hương, đất nước, con người Việt Nam… Cứ thế, dưới sự trình bày nhẹ nhàng, khúc chiết, gợi cảm của hai thuyết trình viên, đã dẫn dắt người nghe đi hết kỷ niệm này, đến kỷ niệm khác về những năm tháng dù trăm công, ngàn việc lo cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập tự do, thống nhất đất nước, nhưng Bác vẫn không quên chăm lo sự nghiệp trồng cây, “trồng người”. Với lối kể chuyện lồng ghép với minh họa, khắc họa chân dung đầy gợi cảm, của hai thuyết trình viên, mọi người như vẫn thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh của Bác Hồ với bộ áo quần nâu sồng giản dị trồng, nâng niu, chăm sóc cây vú sữa do nhân dân Nam Bộ gửi tặng năm 1957, hoặc hai cây đa tại Công viên Thống Nhất - Hà Nội do tự tay Bác trồng nay tỏa bóng, làm mát rượi lòng người cho biết bao thế hệ, nên được nhân dân trìu mến đặt tên “Cây đa Bác Hồ!”. Đặc biệt, khi các thuyết trình viên kể về kỷ niệm: Năm 1969, khi thấy sức khỏe của Bác không được đảm bảo, các lãnh đạo Đảng - Nhà nước có ý hoãn việc tổ chức cho Bác trồng cây nhân kỷ niệm 10 năm phát động phong trào trồng cây gây rừng, nhưng Bác không đồng ý. Và vẫn như thường lệ, sáng đó vẫn với bộ áo quần bà ba giản dị, Bác vẫn xắn quần, xắn tay áo trồng, tưới nước cho cây xanh… Không ai ngờ, đó là lần cuối cùng Bác Hồ tham gia trồng cây với toàn Đảng, toàn dân. Bác mãi mãi đi xa, nhưng hình ảnh Bác trồng cây vào dịp tết ra quân trồng cây, hoặc bất cứ lúc nào có điều kiện đã luôn sống động, thôi thúc mọi người hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi tết trồng cây gây rừng, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp mà Bác đã kêu gọi cách đây 54 năm. Vì vậy, ngày nay, các lãnh đạo của Đảng - Nhà nước dù bận nhiều công việc trọng đại của đất nước, nhưng cứ vào độ xuân sang, đón mừng năm mới, hoặc khởi công công trình, chào mừng sự kiện lịch sử, văn hóa trọng đại nào đều tích cực tham gia trồng cây lưu niệm, trồng cây gây rừng… Ở các địa phương, các trường học cũng vậy, cứ mỗi độ tết đến, xuân về đều tổ chức ra quân trồng cây hưởng ứng lời kêu gọi “tết trồng cây” của Bác. Trong câu chuyện kể của mình, các thuyết trình viên cũng không quên nhắc lại những lời khuyên, những lời khen của Bác đối với những địa phương, những cơ quan, đơn vị làm tốt việc trồng cây gây rừng, trồng cây cảnh quan, nhưng cũng thẳng thắn phê bình những địa phương, những cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt phong trào trồng cây xanh. Dù không đúc kết thành một thông điệp chính thức, nhưng thông qua câu chuyện, qua những kỷ niệm sâu sắc về Bác với tết trồng cây, các thuyết trình viên đã gián tiếp chuyển đến cho người nghe về một thông điệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là: Muốn bảo vệ trái đất xanh và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của đất nước, hãy hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào trồng cây gây rừng và “Tết ra quân trồng cây”.
 
Kết thúc câu chuyện, bài hát “Bác Hồ - Một tình thương bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến được các học sinh của Trường THPT Lâm Hà biểu diễn trên nền nhạc, và minh họa của tốp múa đã thêm một lần làm lay động lòng người về tình thương yêu mênh mông, sâu sắc, đầy tính nhân văn của một nhân cách lớn, nhân cách Hồ Chí Minh!
 
Sau câu chuyện kể “Bác Hồ với tết trồng cây”, các đại biểu và BGH của 5 trường THPT (Lâm Hà, Thăng Long, Lê Quý Đôn, Tân Hà, Huỳnh Thúc Kháng) và TT kỹ thuật hướng nghiệp trên địa bàn Lâm Hà đã có cuộc tọa đàm về buổi sinh hoạt dưới cờ và kể chuyện về “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trường THPT Lâm Hà. Tại cuộc tọa đàm, hiệu trưởng Trường THPT Lâm Hà - Nguyễn Lương Ngọc cho biết: Hơn hai năm qua, sinh hoạt dưới cờ theo hình thức kết hợp hai phần: Phần thứ nhất kể chuyện về Bác Hồ, phần thứ hai đánh giá thi đua tuần qua, phổ biến công việc tuần tới được tổ chức theo định kỳ 2 tuần một lần. Cứ như vậy, cứ đến định kỳ, theo sự phân công của BGH, đoàn trường và dưới sự đạo diễn của “nhạc trưởng” cô giáo dạy văn: Phan Thị Thanh Mai, các học sinh của các lớp học, khối học luân phiên nhau lên thuyết trình. Bằng hình thức kể chuyện có lồng ghép, các thuyết trình viên đã gây xúc động sâu sắc cho cán bộ, giáo viên, học sinh của trường, nên ai cũng háo hức mong đến ngày sinh hoạt đầu tuần dưới cờ để được nghe, được thấy, được thể hiện kỹ năng diễn thuyết, kể chuyện, biểu diễn văn nghệ và lắng đọng tâm hồn trước những kỷ niệm sâu sắc về vị cha già của dân tộc. Tất cả ý kiến trong tọa đàm đều nhất trí cho rằng: Những câu chuyện kể về Bác Hồ qua sự dàn dựng, trình bày của học sinh Trường THPT Lâm Hà đã được nâng lên tầm nghệ thuật, có sức lay động lòng người và lan tỏa lớn trong cộng đồng, trong cuộc sống. Do phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đạo diễn của một “nhạc trưởng” mang tính chuyên nghiệp mới làm được như vậy, các trường học và các đơn vị khác khó thực hiện được, nhưng sẽ cố gắng vận dụng để có cách làm phù hợp, hiệu quả ở đơn vị mình. Đó chính là hiệu quả của cách làm sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 03 BCT về “Tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà thầy trò Trường THPT Lâm Hà mang lại.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ