Một người đã đi qua thời lầm lỡ!

03:02, 04/02/2014

Bước vào xuân, cao nguyên chuyển sang ấm áp hơn, nhưng cuối ngày, tiết trời vẫn hơi se lạnh. Theo lời đã hẹn, tôi tìm đến anh. Ngoài vỉa hè căn nhà xây cấp 4, vừa là quán sửa xe đạp, vừa là "Chốt dân phòng", anh đang "lụi hụi" cân chỉnh từng cây căm xe. "Mời anh uống nước, chờ tôi lát nhé! Tôi đang nhỡ tay một chút để kịp cho các cháu lấy xe về, vì đã sắp tan trường!" - anh niềm nở. 

Bước vào xuân, cao nguyên chuyển sang ấm áp hơn, nhưng cuối ngày, tiết trời vẫn hơi se lạnh. Theo lời đã hẹn, tôi tìm đến anh. Ngoài vỉa hè căn nhà xây cấp 4, vừa là quán sửa xe đạp, vừa là “Chốt dân phòng”, anh đang “lụi hụi” cân chỉnh từng cây căm xe. “Mời anh uống nước, chờ tôi lát nhé! Tôi đang nhỡ tay một chút để kịp cho các cháu lấy xe về, vì đã sắp tan trường!” - anh niềm nở. 
 
Anh Đặng Xuân Mạnh (thứ 2, bên trái) hội ý công việc của Chốt dân phòng
Anh Đặng Xuân Mạnh (thứ 2, bên trái) hội ý công việc của Chốt dân phòng
 
1. Tôi biết về anh đôi chút, qua lời kể của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Ninh (huyện Di Linh), nên không dè dặt khi đặt vấn đề tìm hiểu đời tư của anh. Và, anh cũng không một chút ngần ngại tâm sự cho tôi nghe chuyện đời tư của mình. 
 
 Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nông nghiệp nghèo khó xã Nam Hồng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), khi mới học xong lớp 8, anh phải nối “nghiệp” làm nông. Thời trai trẻ có biết bao điều mơ ước, nhưng với hoàn cảnh riêng mình, anh không thể nghĩ xa, trông rộng. Cuộc sống như thế, có những lúc chán chường, khiến anh đã nhiều lần trốn gia đình vào Nam. Những chuyến tàu lửa ngược xuôi xuyên Bắc - Nam, nhưng không mất một xu, vì anh đều “nhảy dù”, leo trèo trên mui tàu. Khi ở tuổi 25 (năm 1983), anh tình nguyện tham gia bộ đội và liên tục công tác được 8 năm. Đến năm 1991, xuất ngũ trở về địa phương, anh cũng không làm nghề gì khác, một công dân “chân đất”.
 
Cuộc sống không êm ả trôi. Chợ “phường hụi” ở huyện Nam Trực đã đến lúc lộ rõ “chân tướng”, không thể tồn tại. Nhiều dây “hụi” đã đến thời kỳ… “vỡ”. Nghe theo lời bạn bè lôi kéo, anh tham gia nhóm đòi nợ kiểu ‘‘xã hội đen’’. Và rồi công việc đó đã đưa anh đến chỗ gây án. Một bản án dành riêng cho anh là 15 tháng tù. Trong nhà giam, ngồi “giở” từng tờ lịch, quả thật anh hết sức ngao ngán. Khi mới giở xong tờ lịch thứ 135 (4 tháng 15 ngày), anh đã tìm cách vượt trại, bỏ trốn vào Nam, đành đoạn bỏ lại vợ hiền và 2 con còn thơ ấu… 
 
Kể đến đây, nhìn đôi mắt anh, tôi cảm giác hình như anh đã chạnh lòng. Nhưng với anh, “Tôi không có gì để hối hận, vì tất cả lầm lỗi đều do mình!” - anh nói. Anh còn trải lòng: Khi trốn trại giam vào Nam, không xác định được “điểm dừng”, anh sống lang thang khắp nơi, nay đây mai đó: Lúc Vũng Tàu, khi thành phố Hồ Chí Minh; lúc Mỹ Tho, khi thì ở Cần Thơ… Ngót thời gian 3 năm phiêu bạt, “giang hồ”, “chắp gấu, vá vai” ở chốn thành đô miền Nam, cũng đủ để anh trải nghiệm. Thế rồi, lần mò và nhận biết được tại vùng kinh tế mới Hòa Ninh (Di Linh) có nhiều người đồng hương sinh sống, năm 1994, anh trốn về đây và tá túc tại thôn 14. Cuộc sống và lỗi lầm của anh, có lẽ chưa ai hay biết. Lúc này, những vụ việc “rối rắm” về trật tự (nhiều nhất là ở ngã ba Hòa Ninh) đôi lúc anh cũng xuất hiện với tư cách là một người “đàn anh”.
 
Ngày tháng trôi qua, anh tiếp tục cưới vợ (vợ hai) và sinh được 2 đứa con trai. Đến khi đứa con thứ 2 vừa tròn 1 tuổi, thì bị công an phát hiện là người có lệnh truy nã, nên anh bị bắt và trao trả về cho Công an Nam Định để tiếp tục thi hành án phạt tù… 
 
2. Thời gian còn lại của án phạt tù ở Trại giam Bát Di (Nam Định) cũng đủ để anh suy ngẫm. Chuyện vợ, chuyện con, chuyện tương lai gia đình và biết bao suy nghĩ khác… cùng với thời gian lầm lỗi phiêu bạt, giang hồ cũng đủ để anh ăn năn, hối cải. Từ đó, anh quyết tâm học tập thật tốt, cải tạo thật tốt để sớm đoàn tụ với gia đình… 
 
Ban đầu khi trở về sinh sống với vợ con ở thôn 14 (xã Hòa Ninh), anh hết sức mặc cảm, tự ti. Nhưng được chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và bà con, lối xóm yêu thương, đùm bọc, động viên và tha thứ lỗi lầm, đã giúp anh nhanh chóng xóa đi tự ti, mặc cảm đó. Lúc này, anh cảm thấy cuộc sống gần như phải làm lại từ đầu và trở nên yêu đời, trân trọng cuộc sống hơn. Anh chịu khó, lam lũ lao động sản xuất, yêu thương vợ và chăm sóc các con. Anh cùng người vợ thân yêu tần tảo trồng và chăm sóc gần 1 ha cà phê, chăn nuôi thêm heo, gà… Nhờ vậy, cuộc sống từ khó khăn, dần dần ổn định và có tích lũy. 
 
Chưa đầy 10 năm, vợ chồng anh dành dụm được ít tiền và xây được một căn nhà cấp 4. Đến năm 2007, khi Trường THPT Hòa Ninh được thành lập, anh xây thêm một dãy nhà trọ gồm 10 phòng để cho học sinh thuê với giá rất bình dân. Cuộc sống của gia đình anh giờ đây đã trở nên ổn định hơn. Mức thu nhập từ cà phê, cho thuê phòng trọ và sửa xe đạp, bình quân mỗi năm, anh còn để dành được 150 - 200 triệu đồng. Anh hiện có hai đứa con trai, một đứa hiện đang học lớp 12 (năm nào cũng có giấy khen) và một đứa học lớp 9. “Đứa nào cũng ngoan, cũng hiền, không giống bố nó ngày xưa!” - anh nói vui. 
 
Sửa xe đạp và trực Chốt dân phòng là công việc thường ngày của anh Đặng Xuân Mạnh
Sửa xe đạp và trực Chốt dân phòng là công việc thường ngày
của anh Đặng Xuân Mạnh
 
3. Trong số 16 thôn của xã Hòa Ninh, thôn 14 - nơi anh đang sinh sống, là địa bàn phức tạp nhất về tình hình an ninh trật tự. Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Công an và Hội Cựu chiến binh huyện Di Linh, thôn 14 thành lập Đội Dân phòng. Đội gồm 21 thành viên, được chia làm 5 tổ, mỗi tổ có 4 - 5 người. Ở địa bàn thôn 14 thường hay xảy ra tình trạng gây rối trật tự công cộng, đánh lộn; thỉnh thoảng lại xuất hiện hiện tượng mua bán ma túy và các đối tượng phạm pháp từ các nơi khác đến trú ẩn. Riêng anh, tuy là đối tượng có lệnh truy nã, nhưng sau khi hết hạn tù trở về thôn 14, anh được mọi người giúp đỡ và cảm hóa trở thành người làm ăn lương thiện, tiến bộ, rồi được tham gia vào lực lượng dân phòng của thôn để cùng gìn giữ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh. 
 
Những hành vi trộm cắp, quậy phá, đánh lộn… gây mất trật tự của thanh niên, học sinh ở địa phương, anh đều kịp thời có mặt để xử lý, uốn nắn. Ở thôn 14, khu vực gần Trường THPT Hòa Ninh lại là nơi phức tạp nhất. Ngoài số thanh niên thường hay tụ tập quấy phá, học sinh của trường cũng thường xuyên đánh lộn, đua xe máy… Do vậy, thôn 14 đã thành lập “Chốt dân phòng”, gồm 4 thành viên. Đây là chốt dân phòng duy nhất của thôn 14 và cũng là chốt duy nhất của xã Hòa Ninh. Nhờ thành tích nổi bật trong việc tham gia giữ gìn trật tự ở địa phương, anh được giao nhiệm vụ làm Chốt trưởng. Từ ngày thành lập Chốt dân phòng, tình hình trật tự xã hội ở khu vực này được gìn giữ tốt, dân làng rất mừng vui. 
 
Anh kể: “Có những lúc, học sinh lập thành băng, thành nhóm và dùng dao phát, dao phay, cây gậy… đánh lộn nhau. Tất cả những vụ việc đó, tôi đều có mặt và xử lý ổn ngay, không có “lơ mơ”. Những học sinh chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc chạy quá tốc độ, chở 3, chở 4, lạng lách… tôi đều điện báo ngay cho công an... Ngay ở nhà trọ của tôi, thi thoảng có một số học sinh đến quậy phá, nhưng tôi đều giải quyết êm đẹp, không để hiện tượng xấu xảy ra!”. Khi đến thăm con trai đang ở nhà trọ từ 2 năm nay, anh Vũ Văn Hòa (ở thôn 15, xã Đinh Trang Hòa) tâm sự với tôi: “Trường THPT Hòa Ninh xa nhà, nhưng tôi rất yên tâm khi con tôi thuê ở tại nhà trọ này!”. 
 
Từ những việc làm của mình, anh đã góp phần cùng thôn 14 dần dần trở thành “điểm sáng” về an ninh trật tự. Số học sinh hoặc thanh niên thường hay quậy phá, khi nhắc đến tên anh, đều phải “khiếp”, nhưng rất tôn trọng và nghe theo lời anh khuyên bảo. Anh đã được tặng thưởng 4 giấy khen về phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài ra, anh còn tham gia làm Chi hội phó Chữ thập đỏ thôn 14 và đã được tặng thưởng 3 giấy khen.
 
4. Anh hiện ở tại căn nhà ở số 102 (thôn 14, xã Hòa Ninh) và cũng là điểm trực của Chốt dân phòng, nằm gần cổng Trường THPT Hòa Ninh. Ngày ngày sửa chữa xe đạp cho học sinh cũng là công việc trực Chốt của anh. Hình ảnh học sinh ngoan hiền hằng ngày cắp sách đến trường và những hình ảnh học sinh quậy phá mỗi khi tan lớp ra về, đều gợi nhớ những kỷ niệm xa xưa của đời anh. “Tôi nhớ lắm, thương lắm tuổi học trò - tuổi xuân của cuộc đời. Và đôi lúc, tôi cảm thấy tiếc nuối, nhưng không biết làm sao níu kéo được. Giờ đây, đã chuẩn bị bước vào tuổi lục tuần, trạc tuổi chưa phải là già, nên tôi phải cố gắng làm thêm nhiều việc có ích cho xã hội, giúp ích cho các cháu học sinh..!” - anh chậm rãi nói với tôi như vậy, trước lúc tôi tạm biệt ra về.
 
Còn đời tư của anh, đây là chuyện có thật. Và, anh không muốn giấu tên mình. Tên anh là Đặng Xuân Mạnh.
 
BÙI TRƯỞNG