Gìn giữ, phát huy nghề chạm khắc gỗ truyền thống

04:02, 16/02/2014

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con ở thôn Tân Lập - xã Tân Văn - Lâm Hà. Mới 13 tuổi, cậu bé với vóc người nhỏ thó đã theo cha học nghề điêu khắc gỗ mưu sinh. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con ở thôn Tân Lập - xã Tân Văn - Lâm Hà. Bố là giáo viên sau cơn bạo bệnh biến chứng bị tàn tật, mẹ bị đau cột sống nặng. Mới 13 tuổi, cậu bé với vóc người nhỏ thó đã theo cha học nghề điêu khắc gỗ mưu sinh. 
 
Nghệ nhân Lê Trọng Nghĩa đang tạo tác bức tượng khổng lồ Di Lặc lục tặc thập bát La Hán từ gốc dâu ngàn tuổi
Nghệ nhân Lê Trọng Nghĩa đang tạo tác bức tượng khổng lồ Di Lặc lục tặc thập bát La Hán
từ gốc dâu ngàn tuổi
Chạm khắc gỗ không chỉ cần những tố chất: cần cù, khéo léo, tỉ mỉ; mà còn đòi hỏi vóc dáng tương đối một chút, điều đó rất cần thiết khi phải di chuyển những khúc gỗ nặng. Vì thế, con đường đến với nghề chạm khắc gỗ với Nghĩa càng vất vả. Cưa, đục, bào… những dụng cụ như to hơn người. Để giúp cha đục, đánh bóng sản phẩm, cậu phải bắc ghế, rướn người khiến không ít khách đến nhà chơi bắt gặp cảnh ấy thường tưởng cậu đang “phá”. Ham học hỏi, Nghĩa học nghề từ rất nhiều người đi trước, mỗi người một ít; lần đi xa nhất và được học căn bản nhất là 2 năm học ở lớp kỹ thuật điêu khắc gỗ tại Trường Dạy nghề Thanh Hà ở Phủ Lý - Hà Nam. Học xong, chưa có vốn, Nghĩa đi làm thuê cho nhiều cơ sở để kiếm sống; trong thời gian này, anh rèn rũa nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và nhanh chóng trở thành một thợ giỏi. 
 
Cách đây 7 năm, Nghĩa trở về quê Tân Văn - Lâm Hà và mở xưởng sản xuất. Có những lúc gặp khó khăn về vốn, Nghĩa vẫn quyết tâm vươn lên, quyết không bỏ cuộc. Tận dụng những gốc cây khô bắt gặp khi đi nương rẫy đã bị mục nát ở phần vỏ bên ngoài, còn giữ nguyên cốt lõi bền chắc bên trong và ngẫu nhiên có sẵn hình dáng đẹp, Nghĩa suy tư, tưởng tượng, nắm bắt được cái “thần cốt” thổi hồn vào, tạo ra sản phẩm gỗ lũa theo cảm xúc nghệ thuật của riêng mình. Khi thì bàn ghế, lúc là kệ để tivi, khi là một hình tượng đẹp đẽ chỉ để trưng bày, ngắm nghía. Hàng ngàn tác phẩm mỹ nghệ phục vụ cho đời sống tâm linh cũng ra đời dưới bàn tay tác tạo của Nghĩa như tượng Phật Quan Âm, Thập Bát La Hán, Phật Di Lặc, Đạt Ma Sư Tổ, Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Phước Lộc Thọ, Ngũ Hổ phục long, Quan Công ra trận, Mã đáo thành công, tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng)… đủ kích thước hình dáng được chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ. 
 
Không chỉ dập khuôn theo mẫu tượng dân gian, anh còn sáng tạo kèm theo đôi chút phá cách cho các bức tượng tâm linh sống động, gần gũi hơn với đời thực, được khách hàng ưa chuộng, vì vậy sản phẩm của anh không đủ để bán. 2 dòng sản phẩm này (gỗ lũa và tượng tâm linh) anh gọi là “cuộc mưu sinh”. Còn có một 
 “cuộc chơi” mà sau những sản phẩm “nghề” Nghĩa đã tạo tác những tác phẩm “nghiệp”, không cần nhẵn bóng láng lẩy mà mang sức gợi, gửi gắm những thông điệp lớn lao về cộng đồng, về dân tộc, về hòa bình, về bảo tồn văn hóa, về Tây Nguyên. Gần hai chục tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ra đời như: Cô giáo vùng cao, Về buôn trong chiều, Giã gạo, Âm vang Tây Nguyên, Không mùa, Đem niềm vui đến cho người S’tiêng… khiến anh trở thành hội viên Hội VHNT Lâm Đồng và tham gia rất nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật của tỉnh. 
 
Gần đây nhất là tác phẩm Cầu nguyện với hình ảnh một cô gái quỳ dưới tượng đài những người anh hùng, bên cạnh là đôi chim bồ câu nguyện cầu cho hòa bình, không có chiến tranh để không có mất mát, đau thương và hy sinh - tác phẩm đang tham dự cuộc triển lãm Đà Lạt - những mảng màu tháng hai.
 
30 tuổi đời, 17 năm tuổi nghề, nghệ nhân Lê Trọng Nghĩa đã có rất nhiều tác phẩm đẹp, nhưng đã có đến 3 tác phẩm “để đời”. Ngoài 2 tác phẩm trưng bày tại Vườn hoa thành phố trong Tuần Văn hóa - Du lịch 2013, có thêm tấm phản 12 con giáp (xung quanh) với kích thước rộng 2,5m, dài 3,5m, cao 0,5m. Anh đã bán được 2 tác phẩm với giá 450 triệu đồng, còn bức tượng Phật “Di Lặc lục tặc thập bát La Hán” được làm từ gốc dâu ngàn tuổi đã có người trả giá 1 tỷ đồng nhưng anh chưa đồng ý. Các sản phẩm đã mang lại cho anh khoản thu nhập lớn, làm cho cuộc sống của anh thêm sung túc, tiếp tục dựng nghiệp và sáng tạo.
 
Từ một người trẻ tuổi nghèo phải đi khắp nơi học nghề, thì giờ đây Nghĩa đã đào tạo được 13 thợ giỏi. Được Nghĩa chỉ dẫn truyền dạy tận tình, chỉ sau 2 - 3 năm họ đều thành nghề và tự mở xưởng sản xuất riêng và đang kiếm sống được bằng nghề. 
 
Không làm phụ lòng những người thầy đã góp công dạy dỗ và xứng đáng là tấm gương sáng của các thế hệ trò, Lê Trọng Nghĩa không ngừng cải tiến sản phẩm nâng cao chất lượng, gìn giữ giá trị nghề truyền thống dân tộc. Danh hiệu nghệ nhân mà UBND tỉnh vừa xét tặng là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng trong việc lưu giữ những giá trị trong nghề chạm khắc gỗ truyền thống và truyền nghề, đồng thời là một vinh dự lớn với Lê Trọng Nghĩa. 
 
QUỲNH UYỂN